(CAO) Yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đang vấp phải phản ứng ngày càng mạnh mẽ từ nhiều nước.
Ngoài Việt Nam và Philippines trước nay vẫn kịch liệt bác bỏ “đường chín đoạn” do Bắc Kinh tự tiện vẽ ra, nay đến lượt giới chức Indonesia đòi Trung Quốc giải thích rõ ràng đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông của họ dựa trên cơ sở nào.
Hôm 11-11, Bộ trưởng An ninh Indonesia Luhut Panjaitan khẳng định nếu không thể giải quyết được tranh chấp với Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền ở đảo Natuna trên Biển Đông, Jakarta sẽ kiện Bắc Kinh ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Ông Panjaitan nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình bằng cách thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc. Yêu sách của Trung Quốc vạch ra đường 9 đoạn là vấn đề chúng tôi đang phải đối mặt, nhưng không phải chỉ có Indonesia. Đường 9 đoạn này cũng trực tiếp tác động đến lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines."
Trước đó, Bắc Kinh đã vạch yêu sách “đường 9 đoạn” đòi chiếm hơn 80% chủ quyền diện tích trên Biển Đông. Đường 9 đoạn ( hay còn gọi là đường lưỡi bò) Trung Quốc vạch ra bao gồm cả một phần quần đảo Natuna mà Jakarta tuyên bố chủ quyền.
Một góc đảo Natuna nhìn từ trên cao. Trung Quốc đã đưa đảo này- được Indonesia tuyên bố chủ quyền vào yêu sách đường 9 đoạn - Ảnh: awesomearchipelago.files.wordpress.com
Hôm qua 12-11, sự tức tối của Indonesia trước yêu sách vô lý của Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm. Tờ Jakarta Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir nhấn mạnh nước này “không công nhận đường 9 đoạn” vì nó không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý nào.
Ông Nasir phát đi đòi hỏi của Indonesia đối với Trung Quốc: “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc đề cập rõ ràng đến điều họ muốn và ý định khi vạch ra đường 9 đoạn. Đường 9 đoạn là yêu sách chưa rõ ràng”.
Trước đó, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan cũng vì yêu sách đường 9 đoạn trên Biển Đông.
Bắc Kinh ngày càng đuối lý với yêu sách này khi các bản đồ và thư tịch cổ trước nay đều khẳng định lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, còn hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Tham vọng của Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông đã quá rõ ràng khi quần đảo Natuna được Indonesia tuyên bố chủ quyền nằm cách xa đất liền Trung Quốc hàng ngàn km cũng được Bắc Kinh cố vơ vào đường 9 đoạn.
Vị trí đảo Natuna (chấm đỏ) trên bản đồ - Ảnh: helitavia.com
Khi bị cộng đồng quốc tế truy xét về tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền, không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào, dàn lãnh đạo Bắc Kinh chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung. Đơn cử là việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 7-11 tại Singapore đã ngang nhiên tuyên bố: “các đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc từ thời xa xưa”.