(CATP) Hôm 7-11-2015, ngay khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên phát biểu ở Singapore rằng “các đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại”, xuất hiện tại một diễn đàn quốc phòng tại bang California, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã cam kết nước này sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải, bao gồm cả hoạt động tuần tra trên Biển Đông, bất chấp phản đối từ Trung Quốc.
Reuters dẫn lời ông Carter nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thực hiện điều này trước đây trên khắp thế giới. Và nay, chúng tôi sẽ tiếp tục”.
Ông Tập hôm thứ bảy vừa qua cam kết sẽ hợp tác với các quốc gia có liên quan để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông nhưng phải trên cơ sở “tôn trọng dữ kiện lịch sử, tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp thông qua các kênh thảo luận, đàm phán”.
Chưa biết “dữ kiện lịch sử” mà ông Tập dựa vào để tuyên bố “các đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại” lấy ở đâu ra, nhưng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn được cả bản đồ lẫn thư tịch cổ khẳng định thuộc chủ quyền Việt Nam từ nhiều thế kỷ.
Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa từ Việt Nam; còn ở Trường Sa, nước này cũng ngang nhiên chiếm một số bãi đá ngầm để bồi lấp, xây đảo nhân tạo và các công trình từ hải đăng đến đường băng sân bay trong thời gian gần đây.
Dựa trên Công ước Luật biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS), việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo để đòi “chủ quyền” 12 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng công ước này khi đảo nhân tạo không được hưởng quy chế chủ quyền như đảo tự nhiên. Đó là chưa kể các đảo này Bắc Kinh xây trên nền các bãi đá ngầm cưỡng chiếm từ Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (phải) trên tàu sân bay tuần tra Biển Đông hôm 5-11 - Ảnh: Reuters
Khi Philippines đưa vụ kiện tranh chấp giữa mình với Trung Quốc trên Biển Đông ra Tòa án trọng tài thường trực Liên hiệp quốc (PCA), Bắc Kinh đã từ chối tham dự vì cho rằng tòa “không đủ thẩm quyền”.
Nay tại Singapore, ông Tập lại ngang nhiên tuyên bố xử lý tranh chấp theo “luật pháp quốc tế” trong khi từ chối tham dự phiên xử của PCA vốn lấy UNCLOS làm cơ sở phân xử?
Kiểu “nói một đằng, làm một nẻo” này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tỏ ra nghi ngờ những tuyên bố “rót mật” của phía Bắc Kinh: “Cách thức Trung Quốc hành xử sẽ thử thách những cam kết về hòa bình và an ninh của nước này. Đó là lý do vì sao các nước trong khu vực đang quan sát hành động của Trung Quốc trên các lĩnh vực hàng hải và không gian mạng”.
Ông Carter cũng bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước hành động bồi đắp, cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) có thể dẫn đến “xung đột do tính toán sai hoặc làm phát sinh cuộc khủng hoảng trong khu vực”.
Đáp trả ý định tiếp tục tuần tra Biển Đông của Washington, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là nhắm đến Mỹ: “Bắc Kinh sẽ chống lại hành động vẫy biểu ngữ vì tự do hàng hải trong khi lại đẩy nhanh việc quân sự hóa ở Biển Đông, thậm chí gây kích động và xâm phạm chủ quyền, lợi ích an ninh của các nước khác”.
Trước những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, hải quân Mỹ cho biết sẽ tuần tra trên khu vực này ít nhất 2 lần mỗi quý.