(CAO) Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, truyền thông, Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cho biết không có chuyện công ty gặp khó khăn phải vay mượn tiền của nhân viên và số tiền 1 tỷ đồng mà ông N.V.H nộp về là tiền tạm ứng để khắc phục hậu quả.
Những ngày qua, thông tin ông N.V.H, nguyên giám đốc Xí nghiệp dịch vụ đô thị (nay là Công ty TNHH MTV sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Biwase) trực thuộc Biwase khởi kiện Tổng công ty mẹ để đòi số tiền 1 tỷ đồng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tổng công ty Nước - Môi trường
Bình Dương (Biwase)
Theo thông tin khởi kiện của ông N.V.H, vào tháng 3/2018, ông H. (thời điểm này đang là giám đốc Xí nghiệp dịch vụ đô thị) đã cho đơn vị do mình làm lãnh đạo vay 1 tỉ đồng để hỗ trợ cho mục đích hoàn ứng về Biwase do một số dự án đang triển khai nhưng chưa thu hồi được tiền.
Ông H. cho rằng thời điểm đó do tình hình tài chính của Xí nghiệp và Biwase đang gặp khó khăn nên ông sẵn sàng lấy tiền cá nhân để hỗ trợ.
Đến cuối năm 2018, ông H. gặp tai nạn nên không đủ sức khỏe tiếp tục công tác và làm đơn xin nghỉ việc. Sau đó, ông nhiều lần đòi tiền lại nhưng không được giải quyết nên khởi kiện ra toà án yêu cầu Biwase trả số nợ 1 tỷ đồng cùng với 10 triệu đồng tiền lãi.
Liên quan đến vấn đề trên, Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí, cho biết, ông N.V.H. giữ chức vụ Giám đốc xí nghiệp Dịch vụ đô thị thuộc Biwase từ năm 2008 đến năm 2016. Vào năm 2016, sau khi cổ phần hoá, ông H. được bổ nhiệm lại giữ chức giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ đô thị.
Trong suốt thời gian giữ chức giám đốc, ông H. ký vay vốn lưu động của Biwase với số tiền nhiều tỷ đồng với mục đích phục vụ cho hoạt động của xí nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm xin nghỉ việc, ông này vẫn còn tồn đọng các khoản công nợ phải thu, phải trả và các khoản vay vốn lưu động phải hoàn ứng về Biwase với số tiền khá lớn.
Theo quy định của công ty, khi vay tiền của công ty mà làm thất thoát thì phải thanh toán dứt điểm trước khi nghỉ việc, nếu còn nợ thì công ty có quyền thu nợ từ tất cả những khoản thu như lương, thưởng, lễ tết, trợ cấp thôi việc. Biwase yêu cầu ông H. và đơn vị do ông lãnh đạo phải hoàn trả lại tiền vay vốn lưu động trước đó.
Tuy nhiên, ông H. chỉ thu hồi công nợ và hoàn ứng về cho Biwase với số tiền... khiêm tốn. Trong thời gian này, ông H. có cho đơn vị ông làm giám đốc vay 1 tỷ đồng để trả bớt số tiền vay vốn lưu động của Biwase.
Đại diện Biwase cho biết, không có chuyện công ty gặp khó khăn phải vay mượn tiền của nhân viên. Điều này thể hiện rõ trong giấy tạm ứng tiền do chính ông N.V.H lập ngày 29/03/2018 nêu rõ: “Nay tôi tạm ứng trước số tiền trên để trả nợ cho xí nghiệp. Khi nào Công ty CP Phát triển quốc tế T.K 21 thanh toán cho xí nghiệp, xí nghiệp sẽ hoàn trả số tiền trên cho tôi”.
Tuy nhiên, đến nay khách hàng vẫn chưa thanh toán dứt điểm cho Biwase. Mặt khác, vào ngày 10/6/2021, ông H. có gửi công văn đề nghị Biwase hỗ trợ tạm ứng thanh toán số tiền gần 780 triệu đồng tiền án phí và tiền thi hành án cho đơn vị nơi ông từng làm giám đốc.
“Số tiền này sẽ trừ vào số tiền 1 tỷ đồng mà trước đây tôi đã chuyển tạm ứng cho công ty. Sau khi lấy được tiền quyết toán từ Dự án The Water Bay của Công ty Quốc tế T.K 21 sẽ trừ hoàn lại số tiền trên”, ông H. nêu trong đơn đề nghị.
Theo Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương, thông tin tình hình tài chính của Xí nghiệp và Tổng công ty đang gặp khó khăn nên ông H. phải lấy tiền cá nhân để hỗ trợ là không đúng sự thật, không đúng với bản chất dùng để khắc phục hậu quả do nợ ứng vốn lưu động chưa hoàn trả và nợ phải thu của khách hàng.
"Hiện nay vụ việc đang được TAND TP Thủ Dầu Một thụ lý giải quyết và Biwase tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật”, đại diện Biwase nói.