Tranh chấp dự án Khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa ở Long An:

Chấp hành viên ký lệnh ngăn chặn được phân công... ghi biên bản!

Thứ Bảy, 12/01/2019 17:13  | Văn Cương

|

(CAO) Báo CATP số ra ngày 7-1-2018 đăng bài phản ánh Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An “tiền hậu bất nhất” trong việc ngăn chặn 232,66 ha đất của Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát (Công ty HP) dẫn đến khiếu nại gay gắt.

Chiều 7-1, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng chủ trì cuộc họp giải quyết vụ việc, tham dự có đại diện của Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An, VKSND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh…

HƠN 10 NĂM LÀM ĂN TẠI VIỆT NAM “QUÊN” XIN PHÉP?

Cuộc họp có sự hiện diện chấp hành viên (CHV) Đặng Hoàng Yên, người ký quyết định (QĐ) số 07/QĐ-CTHADS ngày 18-12-2018 ngăn chặn 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của Công ty HP. Ông Yên gây sự chú ý  vì tham gia họp không phải là CHV đang bị khiếu nại, mà với tư cách Phó trưởng phòng nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án (THA) Cục THADS tỉnh Long An, được Cục trưởng Bùi Phú Hưng phân công “ghi biên bản” (!).

Đại diện Công ty HP, Phó TGĐ Thái Thị Hồng Hậu, trình bày: QĐ 07 ban hành không đúng quy định, có dấu hiệu trái pháp luật, đi ngược với các văn bản chỉ đao, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, VKSND tối cao, UBND tỉnh Long An...

Cho tới thời điểm này, Công ty HP vẫn là chủ đầu tư duy nhất của dự án được pháp luật công nhận. Quá trình triển khai, HP đã hợp tác với CPL bằng “thỏa thuận khung” (TTK) ký kết ngày 1-6-2007, tiến tới thành lập “công ty liên doanh” giữa 2 công ty.

Ngay từ đầu hợp tác, CPL đã vi phạm TTK. Dù hai bên cam kết bảo mật thông tin được ghi tại điều 11 của TTK nhưng CPL qua công ty mẹ Chuang’s đưa toàn bộ dự án lên sàn chứng khoán ở Hồng Kông vào ngày 21-6-2007 (chỉ 3 tuần sau khi ký TTK) rồi đổi tên thành “Saigon Beverly Hills” khiến các cổ đông và nhà đầu tư lầm tưởng CPL đang có dự án bất động sản lớn ở Việt Nam. Cổ phiếu của CPL tăng giá, giúp CPL thu lợi 80 triệu USD.

Một góc dự án của Công ty HP đang triển khai (ảnh trên) và CPL đưa dự án lên sàn chứng khoán với tên “Saigon Beverly Hills” (ảnh dưới)

Không chỉ gian dối, CPL còn tố cáo, vu khống HP chiếm đoạt 15,6 triệu USD. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ, kết luận: HP không chiếm đoạt tiền. Tố cáo bất thành, CPL khởi kiện HP dẫn đến phán quyết trọng tài số 29/12 ngày 25-4-2013.

Đại diện HP đề nghị Cục THADS tỉnh Long An xác minh, làm rõ tư cách pháp nhân của CPL. Tại thời điểm ký TTK, CPL chưa được cấp giấy phép hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đến nay đã hơn 10 năm, CPL vẫn không xin phép hoạt động. Điều này đã được Bộ Công an xác định tại văn bản số 06/ANCTNB-P4 ngày 7-11-2018 của Cục An ninh chính trị nội bộ: “Đến nay CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”.

Phó TGĐ Hậu nhấn mạnh: Hơn ai hết, CPL nhận thức rõ với tư cách pháp lý như hiện tại của CPL thì không thể lập công ty liên doanh. Vì muốn lập thì CPL phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư, thương mại, tức là phải có giấy phép hoạt động. Quá trình THA, dù thấy rõ điều này nhưng CHV không đá động tới, trong khi đó lại làm khó HP.

Phán quyết trọng tài không có nội dung nào ngăn chặn tài sản của HP. Các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương, trong đó có Tổng cục THADS và Cục THADS tỉnh Long An đều xác định ngăn chặn là không có cơ sở. Việc CHV Yên ngăn chặn đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, gây tổn thất về tài chính, bóp chết doanh nghiệp, nên HP khiếu nại.

ĐỐI TÁC CPL NÓI GÌ?

TGĐ của CPL là ông Tong Kwok Lun, cho rằng luật đầu tư của Việt Nam không có quy định nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án phải lập “công ty con”. Cơ quan chức năng của tỉnh Long An Khi hướng dẫn thủ tục liên doanh cũng không yêu cầu CPL phải hiện diện hợp pháp tại Việt Nam mới được tham gia liên doanh.

CPL công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là để tuân thủ quy định của pháp luật Hồng Kong, không vi phạm nghĩa vụ bảo mật. HP cho rằng CPL hay công ty mẹ Chuang’s đã hưởng lợi 80 triệu USD là vu khống.

Đại diện CPL nhấn mạnh: Để 2 bên có thể thành lập công ty liên doanh, CPL sẵn sàng tiếp nhận mọi đề xuất của HP đối với việc thay đổi các điều khoản tại TTK, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp 2 bên không thể tìm được tiếng nói chung thì tự mỗi bên có thể gửi đề xuất giải quyết mâu thuẫn lên các cấp có thẩm quyền như Cục THADS, UBND tỉnh Long An, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để nhận được sự chỉ đạo cụ thể và chấm dứt tranh chấp…

SAO PHẢI XIN Ý KIẾN?

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Hoàng - đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An, nêu ý kiến: HP và CPL nên bàn bạc thỏa thuận, hợp tác để thành lập công ty liên doanh. Việc THA luôn có sự quan tâm của Chính phủ và Tổng cục THADS, nếu có khó khăn thì báo cáo xin ý kiến để có chỉ đạo giải quyết.

Đồng quan điểm với ông Hoàng, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Tươi nhấn mạnh: UBND tỉnh khuyến khích các bên thực hiện phán quyết trọng tài, thành lập công ty liên doanh nhưng phải trên sự tự nguyện. Việc ngăn chặn 13 sổ đỏ sẽ thiệt hại đến Công ty HP cũng như phát triển kinh tế của tỉnh và quyền lợi của người dân tại địa phương. Cục THADS giải quyết khiếu nại của HP theo quy định.

Đại diện VKSND tỉnh Tô Văn Lộc đề nghị Cục THADS tỉnh giải quyết khiếu nại của HP theo thẩm quyền đồng thời báo cáo Tổng cục THADS xin ý kiến chỉ đạo giải quyết việc THA. Khi có ý kiến của Tổng cục, CHV tổ chức THA theo quy định và báo cáo VKSND tỉnh để kiểm sát chặt chẽ.

Sau khi nghe ý kiến của các bên, Cục trưởng Bùi Phú Hưng không đề cập đến QĐ số 07, mà kết luận: “Cục THADS sẽ có báo cáo Tổng THADS để xin ý kiến nghiệp vụ”.

Trao đổi với phóng viên Báo CATP chiều 8-1-2019, Đại diện Công ty HP khẳng định: HP luôn thiện chí thực hiện phán quyết trọng tài nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau. Trên thực tế, HP không bao giờ đưa ra điều kiện CPL phải lập “công ty con” mà chỉ chú trọng đến tư cách pháp nhân của CPL. HP cũng không hề vu khống CPL, việc CPL vi phạm TTK, đưa dự án còn trong “trứng nước” lên sàn chứng khoán, rồi quảng cáo là có thật. Sau khi Báo CATP đăng bài phản ánh, những thông tin sai về dự án đã đựợc CPL và công ty mẹ Chuang’s gỡ bỏ. HP đã thu thập được chứng cứ về khoản tiền mà CPL thu lợi, đang đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.

Thay vì hướng dẫn CPL thực hiện việc đầu tư tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tiến tới thành lập công ty liên doanh như phán quyết trọng tài, CHV Yên không làm mà lại ngăn chặn HP, triệt đường phát triển dự án.

Sau khi “cấm vận” HP, lãnh đạo Cục THADS tỉnh Long An mới xin ý kiến nghiệp vụ cấp trên. Trong khi đó, Tổng cục THADS đã có quan điểm rất rõ về vụ việc này. Mới nhất là văn bản 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26-11-2018, xác định: “Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của HP và CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan đăng ký kinh doanh hay cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự…

Theo quy định tại khoản 4, điều 69, điều 71, Luật THADS, Cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên đối với 13 sổ đỏ của Cty Hồng Phát… Trường hợp có tranh chấp trong việc thực hiện TTK cũng như các vấn đề khác có liên quan thì hướng dẫn các bên khởi kiện tại tòa án hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi các bên thành lập được công ty liên doanh nhưng HP không đưa 13 sổ đỏ vào góp vốn thì Cơ quan THADS sẽ xem xét tổ chức việc cưỡng chế theo quy định pháp luật…”.

Đối chiếu với văn bản hướng dẫn nghiệp vụ rõ ràng của Tổng cục THADS, việc khiếu nại của HP là chính đáng, có căn cứ. Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Long An và CHV cần nhìn nhận vụ việc khách quan, khẩn trương giải quyết khiếu nại của HP theo đúng quy định pháp luật, tránh để xảy ra hậu quả không thể khắc phục...

Thi hành án kiểu
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang