Giải đáp pháp luật:

Chủ nợ có được chiếm giữ tài sản để cấn trừ nợ không?

Thứ Hai, 27/02/2023 19:06

|

Hỏi: Năm 2022 tôi vay của Công ty F88 số tiền 10 triệu đồng, trả góp 6 tháng được 8.820.000 đồng. Do bị mất việc làm không có thu nhập, tôi ngưng đóng tiền thì bị người của công ty giữ chiếc xe máy, yêu cầu thanh toán 10.800.000 đồng thì trả xe. Xin hỏi việc Công ty F88 "siết xe" để cấn trừ nợ, cho người đến phòng trọ hăm dọa đánh tôi có vi phạm pháp luật không? (Trương Kim Đức, phường Tân Quy, quận 7).

Trả lời:

Vay nợ là một giao dịch dân sự. Nếu người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hai bên có thể thỏa thuận cách giải quyết. Trường hợp không thương lượng được, chủ nợ có quyền khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tòa án kê biên, phong tỏa tài sản của người vay để tránh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo thi hành án.

Trên thực tế, nhiều người vay không trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn dẫn đến việc chủ nợ tự ý chiếm giữ, tự ý định đoạt tài sản của người vay để cấn trừ nợ. Đây là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

Thông thường, khi "siết nợ", chủ nợ thường có những hành động như dùng vũ lực, khống chế, đe dọa để lấy tài sản của con nợ. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi "siết nợ" mà chủ nợ hoặc người thực hiện hành vi "siết nợ" có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau:

1.Trường hợp chủ nợ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác khống chế làm cho người bị tấn công (là chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản) không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu TNHS về tội "Cướp tài sản" theo Điều 168 BLHS năm 2015.

Mức phạt là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm; nếu gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân hoặc tùy vào giá trị tài sản khi chiếm đoạt mà có thể bị phạt đến tù chung thân; ngoài ra còn bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người chuẩn bị thực hiện việc "siết nợ" cũng có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Trường hợp chủ nợ đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần con nợ nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu TNHS về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 BLHS. Mức phạt là phạt tù từ 1 năm đến 20 năm, phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với hai tội danh nêu trên, hậu quả đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị bao nhiêu không phải là căn cứ định tội. Chỉ cần người "siết nợ" có hành vi dùng vũ lực, đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc các hành vi khác khống chế người vay để chiếm đoạt tài sản thì bị xem là tội phạm.

Việc nhân viên công ty giữ xe máy, đến phòng trọ của bạn hăm dọa để ép trả nợ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an để giải quyết theo thẩm quyền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang