Nhờ tòa phân xử
Năm 1997, gia đình cụ Mười bị thu hồi 13.574m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh để làm Dự án Khu dân cư (KDC) Ven Sông, do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư. Cụ Cao Hoài Đức (chồng cụ Mười) là cựu chiến binh, 50 năm tuổi Đảng, khi còn sống luôn gương mẫu, quán triệt cả nhà tuân thủ giao đất, với giá đền bù 19.000 đồng/m2.
Gia đình cụ chỉ còn lại khu đất ở đường Lê Văn Lương, sử dụng từ trước 1975 với diện tích 2.646,3m2. Ngày 16/12/2022, UBND Q7 ban hành Quyết định (QĐ) số 7888 do Phó Chủ tịch Lê Văn Thành ký, thu hồi 232,9m2/2.646,3m2 đất để thực hiện Dự án xây mới cầu Rạch Đỉa (nằm trong tổng thể Dự án KDC Ven Sông). Cùng ngày, UBND Q7 ra QĐ số 7887, áp giá bồi thường cho cụ Mười. Theo đó, phần đất thu hồi có 186,7m2 đất nông nghiệp, bồi thường 8,352 triệu đồng/m2 và 46,2m2 "đất rạch" giá 450 đồng/m2 (không bồi thường, chỉ hỗ trợ). Gia đình cụ Mười chứng minh phần diện tích thu hồi là đất ở, giá 70,649 triệu đồng/m2.
Cụ Nguyễn Thị Mười trình bày với phóng viên
Trong đơn kêu cứu gửi tòa soạn, cụ Mười bày tỏ: "Gia đình tôi rất đồng tình, ủng hộ việc xây cầu Rạch Đỉa mới nối liền Q7 và H.Nhà Bè, để giao thông đi lại thuận tiện. Buồn thay, toàn bộ 232,9m2 đất (có thể chia ra thành 4 - 6 nền nhà) mặt tiền đắc địa, gần Khu đô thị Phú Mỹ Hưng sầm uất, nhưng UBND Q7 duyệt bồi thường hỗ trợ (BTHT) tổng cộng chỉ hơn 1,6 tỷ đồng. Số tiền này không mua nổi nửa căn hộ chung cư tại Q7!".
Ngay khi Chuyên đề (Báo) Công an TPHCM đăng bài phản ánh, ngày 16/6/2023, Phó Chủ tịch Lê Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng BTHT và tái định cư Q7) cùng nhóm cán bộ xuống tận nhà cụ Mười để khảo sát và xem các giấy tờ pháp lý nhà đất.
Ngày 21/6/2023, UBND Q7 có văn bản số 3336 báo cáo lãnh đạo Thành ủy TPHCM và cơ quan chức năng, trong đó có phần nội dung liên quan đến báo nêu. Ngày 29/6/2023, UBND Q7 ban hành QĐ số 2037 điều chỉnh mức BTHT lên 3,569 tỷ đồng. UBND Q7 xác định, trong 186,7m2 đất, chỉ có 31,2m2 là đất ở, áp giá bồi thường 70,649 triệu đồng/m2; phần còn lại 155,5m2 vẫn y như cũ!
Cụ Mười khiếu nại yêu cầu bồi thường 155,5m2 theo giá đất ở, nhưng bị Chủ tịch UBND Q7 bác đơn bằng QĐ số 3275 ngày 31/10/2023. Từ đó, cụ Mười khởi kiện hành chính, đề nghị Tòa hủy các QĐ số 7888, 7887, 2037 của UBND Q7 và QĐ số 3275 của Chủ tịch UBND Q7, được TAND TPHCM thụ lý ngày 28/11/2023.
Nhà đất của gia đình cụ Mười sau khi bị giải tỏa phần mặt tiền
Được phân công giải quyết vụ án, Thẩm phán Phạm Thanh Hùng không chỉ nghiên cứu hồ sơ mà xuống tận nơi xem xét, thẩm định tại chỗ, lấy ý kiến nhiều người lân cận.
Vụ án được đưa ra xét xử ngày 27/8/2024. Phó Chủ tịch Lê Văn Thành - đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND Q7 và UBND Q7 vắng mặt. Có đến 5 cán bộ đăng ký bảo vệ cho người bị kiện, gồm các ông Phạm Hòa Tuấn, Hồ Thái Thành (Trưởng và Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q7), Huỳnh Ngọc Hổ (Phó phòng Tài nguyên và Môi trường Q7)...
Tại phiên tòa, đại diện người khởi kiện, ông Cao Thanh Bình (con trai cụ Mười) giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Phía người bị kiện cho rằng việc BTHT đúng quy định pháp luật nên đề nghị HĐXX bác yêu cầu của bà Mười.
Đại diện VKSND TPHCM nêu quan điểm: Yêu cầu khởi kiện của cụ Mười là có căn cứ để HĐXX chấp nhận. UBND Q7 có trách nhiệm thực hiện thủ tục thu hồi đất, BTHT đúng theo quy định pháp luật.
Chút niềm vui tuổi già...
Nghiên cứu toàn diện các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX tuyên Bản án số 401/2024/HC-ST ngày 27/8/2024, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của cụ Mười: Hủy các QĐ số 7888, 7887, 2037 của UBND Q7 và QĐ số 3275 của Chủ tịch UBND Q7; buộc UBND Q7 bồi thường cho gia đình cụ Mười đúng theo quy định pháp luật khi thu hồi đất. UBND Q7 phải chịu 300.000 đồng, Chủ tịch UBND Q7 phải chịu 300.000 đồng tiền án phí hành chính sơ thẩm.
Hình ảnh vị trí các căn nhà năm 2000 chụp trên Google Earth
HĐXX nhận định: Thứ nhất, về nguồn gốc đất, quá trình quản lý sử dụng, đăng ký kê khai và biến động: Phần đất 2.646,3m2 có nguồn gốc của cụ Đức và cụ Mười thừa hưởng từ cha mẹ, quản lý sử dụng trước năm 1975. Tại sổ đăng ký ruộng đất do cụ Mười kê khai theo Chỉ thị 299/TTg (năm 1980) thì khu đất gồm 2 thửa 509 (đất ao) và thửa 520 (đất ở).
Thực hiện Chỉ thị 02/CT (năm 1992), khu đất gộp thành 1 thửa số 238, diện tích 2.646,3m2, loại đất "thổ tập trung". Năm 1992, vợ chồng cụ Mười cắt đất cho 2 con là bà Cao Thị Ngọc Yến 693m2, cất căn nhà 127m2 và ông Cao Văn Chậm 685m2, trên đất có căn nhà 36m2 (cất năm 1992). Năm 1997, ông Chậm về ở trên phần đất cha mẹ cho.
Phần diện tích còn lại 1.386m2, trên có 2 căn nhà (101m2 và 19,8m2), cụ Đức đã đăng ký, kê khai. Tất cả thể hiện rõ tại Tờ đăng ký, kê khai nhà đất (ĐKKKNĐ) ngày 03/8/1999, được UBND P.Tân Phong xác nhận và giấy thỏa thuận ranh giới nhà đất 1999.
Cụ Mười, ông Chậm, bà Yến làm nhà ở, kê khai đăng ký ngày 03/8/1999 trước khi quy hoạch lộ giới đường ngày 30/8/1999, nhưng đến nay chưa làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận vì vướng quy hoạch. Đến bản đồ số năm 2003, khu đất trên thành thửa 56, tờ bản đồ số 30, diện tích 2.646,3m2, loại đất "T" (thổ).
Trang 1 và hai trang cuối của bản án sơ thẩm
Ngày 16/12/2022, UBND Q7 ban hành QĐ số 7888 thu hồi 232,9m2 đất của hộ gia đình cụ Mười và các đồng thừa kế của cụ Đức để xây dựng cầu Rạch Đỉa. Căn cứ bản vẽ ngày 22/10/2021 của Trung tâm Trắc địa bản đồ, phần đất 232,9m2 theo tài liệu (TL) 299/TTg thuộc một phần các thửa 508 (26,7m2), 509 (128,8m2), 520 (31,2m2) và đất rạch (46,2m2). Theo TL 02/CT, đây là đất "thổ tập trung"; còn theo TL 2003 là đất sử dụng mục đích để ở (ký hiệu "T").
Thứ hai, về hình thành nhà, vật kiến trúc trên đất: HĐXX căn cứ vào các tài liệu chứng cứ sau: Tờ ĐKKKNĐ ngày 03/8/1999 của cụ Đức, ông Chậm, bà Yến; giấy thỏa thuận xác định ranh giới đất ngày 13/7/1999; đơn trình bày của ông Đoàn Văn Mười (Tổ trưởng TDP từ năm 1997 đến 2020, là người ký xác nhận trong giấy thỏa thuận ngày 13/7/1999); phiếu lấy ý kiến KDC ngày 23/7/2022; đơn trình bày của các ông Cao Hồng Hoàng, Huỳnh Văn Lành, Đoàn Văn Mười Ba (cả 3 tham gia cuộc họp lấy ý kiến KDC ngày 23/7/2022); biên bản xem xét thẩm định ngày 09/8/2024. Tất cả đều thể hiện các căn nhà nằm trên 3 phần đất đã phân chia cho từng người. Cụ thể: Căn nhà 36m2 nằm sát mặt đường Lê Văn Lương gắn liền với phần đất 658m2, do vợ chồng cụ Đức cất năm 1992; Năm 1997, ông Chậm sửa chữa để ở đến khi bị thu hồi 1 phần. Phần nhà cụ Đức xây trước năm 1975 gắn liền với phần đất 1.386m2, hiện nay vẫn còn. Căn nhà bà Yến 127m2 gắn liền với phần đất 693m2.
Thứ ba, về BTHT: Theo điểm b, khoản 1, Điều 100 và khoản 2 Điều 103 Luật Đất đai 2013; khoản 1, 2 Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thửa đất ao nhưng có nhà làm năm 1992, trước thời điểm công bố QĐ số 4963 ngày 30/8/1999 của UBND TPHCM, không bị xử phạt hành chính, phù hợp quy hoạch nên đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đất ở, khi thu hồi phải bồi thường theo đất ở. UBND Q7 ban hành QĐ số 7887 ngày 16/12/2022, QĐ số 2037 ngày 29/6/2023 chỉ bồi thường cho cụ Mười 31,2m2 đất theo đơn giá đất ở là gây thiệt hại đến quyền lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu sử dụng, dẫn đến QĐ số 3275 ngày 31/10/2023 của Chủ tịch UBND Q7 không đúng.
Mặt khác, cụ Đức mất năm 2013, UBND Q7 ban hành QĐ thu hồi BTHT phần nhà đất của vợ chồng cụ, ghi "hộ cụ Mười và các đồng thừa kế của cụ Đức" là đúng. Riêng phần nhà đất của ông Chậm, bà Yến có nhà từ năm 1992, đã kê khai xác định diện tích, ranh giới rõ ràng, nhưng UBND Q7 không xác minh, kiểm kê cụ thể để ban hành các QĐ thu hồi, BTHT cho từng chủ sở hữu, sử dụng (hộ gia đình, cá nhân) là không đúng Điều 69, khoản 1 Điều 74, khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013; Điều 40 QĐ số 28 ngày 09/8/2018 của UBND TPHCM về "BTHT, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất". Do đó, cụ Mười khởi kiện yêu cầu hủy và ông Chậm, bà Yến cũng đồng tình đề nghị hủy các QĐ nêu trên là đúng.
Cầm Bản án trên tay, cụ Mười rưng rưng: "Cũng như phóng viên Báo Công an TPHCM, Tòa đã cất công đến tận nơi để xác minh, kiểm tra thực tế, lấy ý kiến người dân xung quanh, rất bài bản, công phu. Phán quyết của Tòa bước đầu đã giải nỗi oan, gây bức xúc cho gia đình tôi suốt gần 2 năm qua...".