Vì khoản nợ cá nhân của người đại diện doanh nghiệp:

Doanh nghiệp bị công ty thu hồi nợ quấy rầy

Thứ Ba, 05/11/2019 10:25

|

(CATP) Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật, như: Tòa án, viện kiểm sát, thi hành án dân sự để giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi phát sinh tranh chấp giữa các bên.

Tuy nhiên, nhiều chủ thể trong các tranh chấp hợp đồng thay vì nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, lại ủy quyền cho các công ty đòi nợ thuê đi đòi nợ. Một trong những “chiêu” mà các công ty đòi nợ thuê nhắm tới là quấy rầy nơi làm việc của con nợ, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

CỨ ĐƯỢC ỦY QUYỀN LÀ ĐI ĐÒI NỢ!

Trong đơn kêu cứu, ông Lê Phạm Khoa (ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) trình bày: Ông chỉ là người đại diện pháp luật cho Công ty cổ phần (CP) V.A.P (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản). Ông cũng có cổ phần trong công ty này cùng với nhiều cổ đông khác. Ngày 16-3-2018, ông Khoa dùng tư cách cá nhân ký kết 2 Hợp đồng thi công số 182/2018-HĐTC và số 183/2018-HĐTC với Công ty CP Kiến trúc nội thất Kaiso (gọi tắt là Công ty Kaiso, địa chỉ tại Q7) để thi công công trình tại TP.Châu Đốc (An Giang), với tổng trị giá hơn 14,4 tỷ đồng, thời gian hoàn thành là 4,5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Nhiều công ty đòi nợ thuê sử dụng nhân viên xăm trổ để gây áp lực với con nợ

Trong quá trình thi công, phía Công ty Kaiso và cá nhân ông Khoa xảy ra mâu thuẫn về thời gian thi công, chất lượng công trình... Ông Khoa yêu cầu Công ty Kaiso nhờ bên thứ ba thẩm định lại công trình, cung cấp các văn bản chứng minh nguồn gốc, chất lượng của nguyên, vật liệu xây dựng, nhưng chưa được đáp ứng. Do những mâu thuẫn trên, cộng với việc thi công kéo dài nên sau khi ông Khoa thanh toán khoảng 13,5 tỷ đồng thì ông tạm ngưng thanh toán.

Theo ông Khoa, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Kaiso nhiều lần yêu cầu ông thanh toán bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của bà Trần Thị Tú Quyên. Do chủ thể ký kết hợp đồng là Công ty Kaiso và giá trị hợp đồng lớn (hơn 14 tỷ đồng) nên ông lo lắng về việc này. Ông Khoa liên hệ với Công ty Kaiso bày tỏ thắc mắc về vấn đề thanh toán và yêu cầu được chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của Công ty Kaiso, nhưng chưa được giải quyết.

Ngày 14-10-2019, kế toán của Công ty Kaiso là bà Nguyễn Thị Minh Thư đã ủy quyền cho Công ty TNHH Dịch vụ thu hồi công nợ Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương) đến Công ty V.A.P để yêu cầu ông Khoa thanh toán 606.725.000 đồng. Công ty V.A.P cử đại diện làm việc và khẳng định ông Khoa chỉ là giám đốc đại diện của công ty này. Còn giao dịch giữa ông Khoa và Công ty Kaiso là giao dịch cá nhân của ông Khoa, không liên quan đến Công ty V.A.P.

Để đòi nợ, Công ty Thái Dương đậu xe hàng giờ liền trước Công ty V.A.P, với nhiều nhân viên mặc đồng phục màu đen, in tên công ty cùng logo hình chim đại bàng. Hành vi trên gây cản trở việc lưu thông, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty V.A.P.

Nhân viên của Công ty Thái Dương tập trung và đậu xe trước Công ty V.A.P

CÓ DẤU HIỆU ĐÒI NỢ SAI CHỦ THỂ

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, việc ông Khoa ký kết 2 Hợp đồng thi công số 182/2018-HĐTC và số 183/2018- HĐTC với tư cách cá nhân, còn ông chỉ là người đại diện theo pháp luật của Công ty V.A.P. Do đó, mọi vấn đề liên quan đến giao dịch giữa ông Khoa và Công Kaiso không liên quan đến Công ty V.A.P. Nhân viên của Công ty Thái Dương đến Công ty V.A.P để yêu cầu ông Khoa thanh toán nợ theo ủy quyền của Công ty Kaiso là có dấu hiệu đòi nợ sai chủ thể.

Mặt khác, ông Khoa và Công ty Kaiso mới tranh chấp về hợp đồ ng thi công, chưa co á bả ná ncủ atòa xác định số tiền 606.725.000 đồng là khoản nợ mà ông Khoa phải thanh toán cho Công ty Kaiso. Việc Công ty Kaiso yêu cầu ông Khoa chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bà Quyên, nếu nguồn thu này không hoạch toán vào nguồn thu của Công ty Kaiso thì Công ty Kaiso có dấu hiệu trốn thuế và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phóng viên đã liên hệ với Công ty Kaiso để làm rõ sự việc, nhưng nhân viên công ty này cho biết, lãnh đạo công ty không có mặt tại doanh nghiệp, đề nghị phóng viên để số điện thoại, khi cần họ sẽ liên lạc.

Theo một lãnh đạo cấp phòng của Công an TPHCM, dịch vụ đòi nợ thuê thuộc ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, các quy định về hoạt động này rất chặt chẽ, nhân viên công ty buộc phải có trình độ, đạo đức... Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đòi nợ thuê đều có dấu hiệu cấu kết băng nhóm, sử dụng chiêu trò, kéo đám đông tụ tập trước cơ sở kinh doanh hay nhà riêng của con nợ, làm mất uy tín của họ.

Nhiều người đi thu nợ mình mẩy lại xăm trổ, nói năng vô lễ, gây sức ép, trấn áp tinh thần, làm người dân hoảng sợ. Thậm chí có một số trường hợp công ty đòi nợ thuê còn cho nhân viên uy hiếp, gây áp lực, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của con nợ một cách trái pháp luật.

* Trước những biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê, Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vừa được trình Chính phủ cũng đưa hoạt động “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” từ ngành nghề kinh doanh có điều kiện sang ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Tính đến hết quý I-2019, tại TPHCM có 67 công ty đòi nợ thuê, nhưng chỉ có 45 công ty được cấp phép hoạt động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang