Không tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông từ tháng 8-2017

Thứ Hai, 31/07/2017 15:31

|

(CAO) Liên quan đến việc 'tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt từ ngày 1-8'. Phóng viên báo điện tử Công an TP.HCM đã trao đổi với Trưởng phòng Tuyên truyền và Phổ biến Pháp luật Cục CSGT (Bộ Công An) - Thượng tá Nguyễn Quang Nhật để tìm hiểu.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật

Theo Thượng tá Nhật cho biết, hiện mức xử phạt hành chính vẫn áp dụng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định 171/NĐ-CP và Nghị định 107/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2016.

Trong đó, Nghị định 46 đã sửa đổi, bổ sung đã mô tả và làm rõ đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ.

Những điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng “văn hóa giao thông”

Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, Chính phủ đã có Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/4/2015 về việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 171/NĐ-CP và Nghị định 107/NĐ-CP.

Ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP (Nghị định 46) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016.

Tuy nhiên, đối với một số vi phạm sau lùi thời hạn xử phạt đến ngày 1/1/2017: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô. Taxi không có thiết bị in hóa đơn theo quy định. Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô chạy trên đường. Việc áp dụng quy định về tải trọng trục xe đối với việc xử phạt người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách).

'Riêng hành vi vi phạm không thắt dây an toàn trên ô tô khi xe đang chạy sẽ được áp dụng xử phạt từ ngày 1-1-2018', Thượng tá Nhật cho biết.

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 46 đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm: Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô chở người trên buồng lái quá số lượng quy định (điểm c khoản 2 Điều 5). Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn; sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều (điểm g khoản 3 Điều 5; điểm c khoản 2 Điều 6; điểm e khoản 3 Điều 7).

Gộp chung hành vi vi phạm "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" và hành vi vi phạm "khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng" của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng lại thành một hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" (điểm a khoản 5 Điều 5; điểm c khoản 4 Điều 6; điểm g khoản 4 Điều 7).

Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô tải lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; điều khiển xe ô tô vận chuyển hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm (điểm đ khoản 3 Điều 16)…

Dùng chân điều khiển xe môtô, gắn máy

Bổ sung 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong các Nghị định hiện hành để đáp ứng với các yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, như:

Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy (điểm k khoản 1 Điều 5) để phù hợp với Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 mà Việt Nam vừa gia nhập.

Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm: dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà).

Dùng tay sử dụng điện thoại khi chạy xe

Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thực hiện hành vi: lùi xe ở đường có biển "Cấm đi ngược chiều". Bổ sung quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi: cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô, xe mô tô: có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia…

Trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Nghị định 46 sửa đổi, mô tả lại để làm rõ hơn với 45 hành vi vi phạm và bổ sung 45 hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định hiện hành.

Cụ thể, hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung của người đi bộ, người điều khiển xe đạp, xe máy, xe thô sơ khác, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng, xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô: vượt rào, chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển.

Bổ sung hành vi vi phạm của nhân viên đường sắt không mặc đồng phục, không đeo phù hiệu, cấp hiệu, biển chức danh theo đúng quy định, sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng…

Về cơ bản so với với các nghị định đã được ban hành trước đây, mức phạt tiền tại Nghị định 46 được giữ nguyên; song đã điều chỉnh mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ và 68 hành vi và nhóm hành vi trong lĩnh vực đường sắt.

Việc quy định chế tài xử phạt (mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả) đảm bảo nguyên tắc tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi phạm, bảo đảm tính hợp lý, thống nhất giữa các điều khoản của Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính răn đe và khả thi khi thực hiện.

Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện

Trong lĩnh vực đường bộ, Nghị định đã điều chỉnh mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi và hành vi như: Nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn; Nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ; Nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc; Một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông; Nhóm hành vi chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện; Nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; Một số hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ; Một số hành vi vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cụ thể, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46 tăng mức phạt tiền của tài xế ô tô: Tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX 4-6 tháng.

Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng. Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng trước đây, bổ sung tước GPLX 1-3 tháng.

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây TNGT sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định 46 cũng tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Đối với trường hợp lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa quá trọng tải cho phép chở của phương tiện, Nghị định cũng tăng mức phạt. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3- 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định (theo quy định hiện hành, hành vi này chỉ bị xử phạt 7-8 triệu đồng).

Đối với hành vi chở hàng hóa quá tải trọng cho phép của cầu, đường, tăng mức phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng đối với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.

Nghị định 46 cũng bổ sung, ghi rõ các hành vi có đối tượng bị xử phạt là cả chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện hoặc nhân viên phục vụ trên xe vi phạm để quy định việc áp dụng trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện là nhân viên phục vụ trên xe vi phạm (khoản 3 Điều 76); Bổ sung quy định làm rõ đối tượng chủ phương tiện bị xử phạt theo quy định của Nghị định (khoản 5 Điều 76).

Thắt dây an toàn - bảo vệ bản thân khi xe đang chạy

Bình luận (0)

Lên đầu trang