(CATP) Mặc dù việc chơi hụi đã được pháp luật cụ thể hóa bằng những văn bản quy định chi tiết, nhưng thực tế việc chơi hụi ngày nay lại có quá nhiều biến tướng, với nguy cơ tiềm ẩn vỡ hụi, giật hụi. Một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo, huy động vốn trái pháp luật… khiến nhiều hụi viên trắng tay, nợ nần chồng chất.
Từ hình thức chơi hụi truyền thống và việc tham gia mạng xã hội rộng rãi, nhiều người dân bắt đầu tiếp xúc với hình thức chơi hụi trực tuyến, hay còn gọi là "hụi online". Từ nhóm chơi hụi nhỏ đến những nhóm hàng chục, hàng trăm thành viên, nơi mà hầu hết người chơi đều không quen biết nhau. Đơn cử, ngày 26/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam vừa thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Tuyết Ngân (SN 1988, ngụ xã Quế Xuân 1, H.Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết quả điều tra, năm 2023, do làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ tiền của nhiều người và mất khả năng chi trả, Ngân nảy sinh ý định tham gia chơi hụi để lấy tiền trả nợ. Thời điểm này, một phụ nữ ở H.Quế Sơn lập một số dây hụi và cho người chơi sử dụng tài khoản mạng xã hội Messenger để tham gia. Ngân đã sử dụng tài khoản có tên "Ngân Lê” tham gia hầu hết những dây hụi do người phụ nữ trên lập, đấu giá số tiền cao và hốt hụi trả nợ.
Ngân, Lên và Kiều
Sau khi hốt hết các chân hụi, Ngân lập một tài khoản khác có tên "Lê Út" và đưa ra thông tin gian dối với chủ hụi rằng đây là người thân của Ngân muốn tham gia chơi, do tin tưởng nên người này đồng ý. Sử dụng tài khoản "Lê Út", Ngân tiếp tục tham gia đấu hụi và hốt tiền từ các dây hụi mà không tham gia đóng tiền hụi "chết". Bằng thủ đoạn trên, Ngân đã chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng và dùng hết vào việc trả nợ.
Một số đối tượng còn lợi dụng việc chơi hụi để hoạt động "tín dụng đen", lừa đảo, huy động vốn trái pháp luật... khiến nhiều hụi viên trắng tay. Mới đây, Công an H.Duy Xuyên (Quảng Nam) vừa triệt phá thành công chuyên án và bắt giữ Trần Thị Lên (SN 1999, ngụ xã Điện Phương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Qua công tác nắm tình hình, Công an H.Duy Xuyên phát hiện trên địa bàn xuất hiện nhiều nhóm hụi hoạt động nhưng không bảo đảm theo quy định của pháp luật, là nguy cơ phát sinh tội phạm liên quan đến "tín dụng đen". Trước tình hình đó, Công an huyện đã xác lập chuyên án để tập trung lực lượng "bóc gỡ". Sau thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, Ban chuyên án quyết định phá án, bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Thị Lên và triệu tập làm việc nhiều đối tượng có liên quan. Kết quả điều tra cho thấy, trong thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 01/2024, thông qua hoạt động biêu, hụi, Lên dễ dàng tiếp cận với các "hụi viên" có nhu cầu cần tiền đóng hụi. Với lãi suất "khủng" lên đến 2160%/năm, Lên cho nhiều "hụi viên" vay và thu lợi bất chính trên 150 triệu đồng.
Chơi hụi là một hình thức tích góp tiền phổ biến dựa trên thỏa thuận về số thành viên, mức tiền đóng, thời gian và lợi nhuận qua các chu kỳ hốt. Về bản chất, chơi hụi không phải là hành vi phạm pháp, bởi nếu thật sự hoạt động đúng quy định, đây cũng là một hình thức tiết kiệm có lãi suất. Khi cần vốn để chi tiêu, kinh doanh, có thể hốt hụi để xoay xở, việc đóng tiền hụi hằng tháng với một ít lãi suất cũng không quá khó. Tuy nhiên, từ một hình thức góp vốn hỗ trợ lẫn nhau, nay chơi hụi ngày một biến tướng với những rủi ro và hệ lụy đau lòng.
Ngày 20/6 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Thị Minh Kiều (SN 1986, ngụ TT.Tân Bình, H.Hiệp Đức, Quảng Nam) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cáo trạng, Kiều bắt đầu làm chủ hụi vào năm 2012 với hình thức chơi hụi có lãi. Chị ta lập ra nhiều dây hụi, mỗi dây gồm nhiều "chân" và người tham gia có quyền chơi nhiều "chân" hụi. Ban đầu, dây hụi của Kiều hoạt động ổn định và đúng với thỏa thuận. Đến năm 2016, Kiều bị một số người tham gia không nộp lại tiền sau khi đã hốt hụi dẫn đến thất thoát hơn 1,6 tỷ đồng. Thay vì nói cho những người chơi còn lại biết, Kiều tiếp tục mở nhiều dây hụi mới với nhiều "chân" ảo.
Mỗi dây hụi, Kiều tự tham gia nhiều "chân" với tư cách là thành viên nhưng không nói với người chơi biết. Đến kỳ đấu hụi, để không bị phát hiện, Kiều không tổ chức đấu mà dựa vào số tiền người tham gia đấu ghi trên giấy đưa cho Kiều. Sau đó, Kiều tự bỏ giá đấu hụi cao hơn những người đó để hốt hụi và chiếm đoạt. Đến ngày 03/11/2022, một số người chơi đến kỳ hốt, Kiều không có khả năng chi trả nên tuyên bố vỡ hụi.
Quá trình điều tra xác định, Kiều đã lừa đảo của 42 bị hại với số tiền hơn 35 tỷ đồng. Với hành vi gây ra, bị cáo lãnh 20 năm tù. Xót xa nhất vẫn hàng chục bị hại (người nhiều nhất hơn 5,1 tỷ đồng, ít nhất gần 62 triệu đồng) cho đến khi phiên tòa kết thúc vẫn còn ngơ ngác, vô định. Với bản án đã tuyên, Kiều phải trả lại tiền cho các bị hại nhưng khi nào, làm sao để lấy lại được khoản tiền đã mất còn là một câu chuyện dài...