Ông giám đốc kêu oan?
Theo thông báo của TAND Cấp cao tại TPHCM, ngày 27/6/2024 sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp kéo dài suốt 33 năm qua là căn nhà 317 Trần Bình Trọng (Quận 5, TPHCM). Trước đó, ngày 27/5/2024 phiên tòa phúc thẩm này đã tạm hoãn. Vụ tranh chấp kéo dài hiện đang được nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trông chờ phiên xét xử này.
Diễn biến vụ việc như sau, vụ án liên quan đến một bất động sản là tài sản thế chấp trong vay nợ làm ăn giữa 2 tổ chức kinh tế. Sau đó, tài sản được phát mãi và trải qua nhiều lần chuyển nhượng, với nhiều đời chủ khác nhau. Nhưng tranh chấp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và phải đưa nhau ra tòa án nhờ xét xử, phán quyết. Năm 1990, ông Nguyễn Thành Công (SN 1955), thành lập Công ty tư doanh Bình Trọng kỹ thương (Bitroco). Bitroco liên kết làm ăn với Hợp tác xã tín dụng Bưu điện (HTXTD Bưu điện). Ông Công có ký 2 khế ước (số 012561 ngày 12/02/1990 và số 022705 ngày 24/3/1990) vay số tiền 500 triệu đồng của HTXTD Bưu điện. Quá trình làm ăn, ông Công cho rằng đã trả hết nợ (cả gốc và lãi). Chưa hết, ông Công còn trả thừa tiền cho HTXTD Bưu điện? Mặc dù vậy, HTXTD Bưu điện cho rằng ông Công còn nợ, nên đề nghị UBND Q5, TPHCM kê biên, phát mãi căn nhà số 317 Trần Bình Trọng, Q5 của ông Công để lấy tiền trả nợ.
Ngôi nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5
Tháng 02/1991, bà Trịnh Tú Toàn (SN 1969) mua căn nhà của ông Công. Số tiền bán nhà là 875 triệu đồng, sau đó đã được Ban thu hồi nợ Q5 dùng để trả các khoản mà ông Công đang thiếu các chủ nợ, như: HTXTD Bưu điện, HTXTD Nguyễn Trãi, Sài Gòn Công thương Ngân hàng - Chi nhánh Tân Bình... Tuy nhiên, từ năm 1996 đến nay, ông Công đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi, cho rằng mình đã trả cho HTXTD Bưu điện hơn 1,52 tỷ đồng và 194 lượng vàng 24K. Trừ đi khoản nợ gốc cộng lãi (814,8 triệu đồng), vẫn còn dư ra 709,5 triệu đồng và 194 lượng vàng 24K. Như vậy, ông Công không nợ HTXTD Bưu điện?
Trong khi đó, khi ký khế ước vay tiền, ông Công không thế chấp căn nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5. Việc HTXTD Bưu điện đứng ra phát mãi tài sản là căn nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5 của ông Công là sai trái? Ông Công yêu cầu chính quyền Q5 và UBND TPHCM hủy bỏ việc phát mãi, hủy bỏ các giấy tờ nhà đất đã cấp cho bà Trịnh Tú Toàn và giao trả lại nhà cho ông Công. Ông Công đã khiếu nại kéo dài suốt nhiều năm nhưng chưa có kết quả. Trong khi đó, ngôi nhà này đã được bà Toàn chuyển nhượng cho Công ty TNHH TM Hải Đường năm 2008, rồi Công ty Hải Đường chuyển nhượng cho ông Quách Chánh Sang năm 2009. Ông Sang lại chuyển nhượng cho ông Nguyễn Hữu Đặng năm 2019, sau đó ông Đặng chuyển nhượng cho ông Trương Công Minh vào năm 2020. Hiện ngôi nhà đang được ông Minh quản lý, sử dụng. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi chủ sở hữu ngôi nhà qua nhiều chủ sở hữu, còn liên quan đến ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản bảo đảm để cho cá nhân vay vốn.
Khởi kiện ra tòa án, tháng 03/2020, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm vụ án ông Công kiện bà Toàn để đòi lại ngôi nhà. TAND TPHCM đã xét xử và ra bản án sơ thẩm, công nhận ngôi nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5 là tài sản hợp pháp của ông Công. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, nên tháng 07/2020, TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm. Ngày 27/4/2022, TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm, yêu cầu xét xử lại phúc thẩm như nêu trên.
Bản Kết luận giám định rất quan trọng của Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an
Cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người giao dịch ngay tình
Từ việc không chấp nhận các bản án, những tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng tài sản ngay tình (vì đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Quyền sở hữu nhà ở) trong vụ tranh chấp đã nỗ lực đi tìm sự thật. Bất ngờ, những tổ chức, cá nhân này phát hiện ông Công từng bị Công an Q5, TPHCM khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bị can về hình sự vào năm 1991. Sau đó, ông Công bị truy tố về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân". Ngày 13/2/1993, TAND TPHCM đã tuyên phạt ông Công mức án 6 năm tù giam.
Điều đáng nói, trong số các nạn nhân bị ông Công "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" trong vụ án này, có ông Hồng Tồn Tường (chủ cũ ngôi nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5). Năm 1989, ông Tường bán nhà cho ông Công với giá 35 lượng vàng, nhưng ông Công mới trả ông Tường 13,5 lượng, còn lại 18,5 lượng ông Công hứa khi hoàn thành thủ tục giấy tờ sẽ trả nốt số vàng còn nợ. Tuy nhiên, sau đó ông Công không trả. Như vậy, ngôi nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5 chưa là tài sản hoàn toàn của ông Công. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, ông Công gửi đơn khiếu nại HTXTD Bưu điện đòi nhà. Ông Công cung cấp cho cơ quan chức năng: "Biên bản v/v xác định việc giao nhận tiền, vàng và văn tự nhượng, thụ nhượng nhà” (ngày 09/01/1991), Phiếu thu ngày 22/12/1990 (thu 400 triệu đồng), Phiếu thu ngày 04/01/1991 (thu 972 triệu đồng và 194 lượng vàng) và Văn bản số 267/TD ngày 10/01/1991 với nội dung thể hiện ông Đoàn Thế Lập - Chủ nhiệm HTXTD Bưu điện xác nhận, đã nhận của ông Công 1,5 tỷ đồng và 194 lượng vàng.
Từ các chứng từ nêu trên, ông Công lấy đó làm chứng cứ việc ông trả tiền thừa so với khoản nợ mà ông Công nợ HTXTD Bưu điện như nêu trên. Từ đó, các cấp tòa án xét xử vụ án đều công nhận ông Công "trả thừa tiền nợ" cho HTXTD Bưu điện. Nhưng, một sự thật khác đã lộ diện, đó là "Bản kết luận giám định số 2304/C21B ngày 30/10/2000" do Phân viện Khoa học hình sự, thuộc Tổng Cục Sảnh sát (Bộ Công an tại TPHCM), đã kết luận chữ ký trên "Biên bản..." ngày 09/01/1991 và Phiếu thu ngày 04/01/1991... là "không phải do một người ký ra", tức là tài liệu có dấu hiệu làm giả và giả mạo chữ ký. Chưa hết, phần lớn các tài liệu mà ông Công cung cấp (bản photo) cho tòa án, theo văn bản số 1317/CATP-PV01 ngày 14/5/2019 của Công an TPHCM, đều "không có”, "không thu thập được" trong hồ sơ lưu trữ tại hệ thống hồ sơ nghiệp vụ của Công an TPHCM.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao
Chưa hết, theo hồ sơ vụ án hình sự "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...", do sơ hở từ cán bộ nhà đất, ông Công có trong tay 3 bản chính "Giấy phép mua bán chuyển dịch nhà” số 69/GP-MB7, do Sở Nhà đất cấp ngày 04/01/1990 cho ngôi nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5. Ông Công đã dùng 3 bản chính giấy phép trên thế chấp vay nợ 2 nơi, là HTXTD Bưu điện và Sài Gòn Công thương Ngân hàng - chi nhánh Tân Bình. Ông Công tiếp tục dùng bản chính vay tiền ở Ngân hàng Đại Nam thì bị phòng công chứng phát hiện. Và việc ông Công vay nợ tại HTXTD Bưu điện, ông Công có thế chấp tài sản là ngôi nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5, tại "Tờ khai thế chấp tài sản" lập ngày 23/3/1990, ông Công đã ký xác nhận, xin thế chấp tài sản, với hồ sơ đính kèm là "Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà” số 69/GP-MB7 ngày 04/01/1990.
Với những chứng cứ nêu trên, cho thấy việc tòa án xét xử còn quá nhiều bất nhất, chưa xem xét đầy đủ các chứng cứ... Có thể đây là việc "cung cấp", thu thập chứng cứ mới chỉ phía ông Nguyễn Thành Công? Do vậy, với hy vọng từ nhiều phía của các tổ chức, cá nhân liên quan vụ kiện, việc giải quyết tranh chấp ngôi nhà 317 Trần Bình Trọng, Q5 tại phiên tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM diễn ra như dự kiến ngày 27/6/2024 tới, đang được dư luận mong mỏi trông chờ. Hơn nữa, rất cần Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm lần này đưa thêm các giám định tài liệu của Bộ Công an vào hồ sơ vụ án để có những phán quyết hợp tình, hợp lý.