Toà tuyên trường đại học phải công nhận việc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông

Chủ Nhật, 15/12/2024 11:45

|

(CAO) Đây là phán quyết của TAND Q.8 (TP.HCM) tại phiên xét xử vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa nguyên đơn - ông T.Q.D (ngụ Q.7) và các bị đơn gồm: bà L.T.P.H và trường đại học C., trong phiên xét xử vừa qua.

Hồ sơ vụ việc thể hiện, vào tháng 5/2023, bà H. đã ký giấy chuyển nhượng 5.106 cổ phần của trường đại học C. với giá 79.000 đồng/cổ phần cho ông D. Giấy chuyển nhượng đã được chủ tịch HĐQT của trường này phê duyệt.

Đến tháng 11/2023, ông này đề nghị HĐQT trường đại học C. xác nhận quyền sở hữu số cổ phần này. Nhưng hơn 1 năm 6 tháng sau đó, ông D. vẫn chưa được đứng tên trên danh sách vốn góp của trường.

Ông D. nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND Q.8 giải quyết các vấn đề gồm: Xác nhận ông là chủ sở hữu 5.106 cổ phần của trường đại học C.; Buộc bà H. hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần và cập nhật tên ông là chủ sở hữu.​

Trước khi diễn ra phiên xét xử, ông D. còn có yêu cầu bà H. và trường đại học C. phải bồi thường thiệt hại do chậm trễ thực hiện nghĩa vụ xác nhận quyền sở hữu của ông D., tạm tính 60 triệu đồng. Tuy nhiên, tại toà, đại diện nguyên đơn đã đề nghị rút yêu cầu này.

Quang cảnh phiên toà

Phía bà H. đồng ý công nhận ông D. là chủ sở hữu cổ phần nhưng trường đại học C. lại không công nhận giao dịch này, cho rằng không có Nghị quyết của HĐQT phê duyệt chuyển nhượng, vì vậy giao dịch này không có giá trị pháp lý.

Trình bày quan điểm về vụ việc, đại diện VKSND Q.8 đề nghị HĐXX đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với việc bồi thường thiệt hại 60 triệu đồng. Đồng thời, chấp nhận yêu cầu của ông này, xác định ông D. là chủ sở hữu 5.106 cổ phần của trường Đại học C. và buộc bà H. cùng trường hoàn tất thủ tục công nhận ông D. là chủ sở hữu theo các quy định hiện hành của Trường.

Xem xét vụ án, TAND Q.8 nhận định vụ việc này thuộc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Về tư cách bị đơn, tháng 4/2024, trường đại học C. đã chuyển đổi từ hình thức trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục.

Liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần giữa bà H. và ông D. tại trường đại học, toà xác định giao dịch này tuân thủ đúng các quy định của quy chế tài chính của trường, không có tranh chấp về số lượng cổ phần hay giá trị chuyển nhượng. Cụ thể, bà H. đã đề nghị chuyển nhượng 5.106 cổ phần cho ông D. vào tháng 3 và tháng 5/2023, sau khi không nhận được yêu cầu từ các cổ đông khác.

Mặc dù quy trình yêu cầu phê duyệt của HĐQT nhưng việc chủ tịch HĐQT phê duyệt thay vì toàn thể Hội đồng không làm thay đổi bản chất giao dịch. Do đó, tòa khẳng định việc HĐQT không thông qua giao dịch với lý do ông D. là người ngoài trường là không phù hợp, xâm phạm quyền sở hữu cá nhân được pháp luật bảo vệ (Điều 163 Bộ luật Dân sự 2015), ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, môi trường đầu tư minh bạch và sự phát triển bền vững của trường đại học C. theo Quy chế năm 2024.

Vì vậy, HĐX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D., công nhận ông là chủ sở hữu 5.106 cổ phần của trường đại học. Theo đó, bà H. có nghĩa vụ hỗ trợ ông D. hoàn tất thủ tục trong 15 ngày để ông được công nhận là Nhà đầu tư theo quy định của trường. Sau thời hạn này, ông D. có quyền tự mình thực hiện các thủ tục để ghi tên vào sổ đăng ký vốn góp.

Toà cũng đình chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại 60 triệu đồng của ông D. Đồng thời, có biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm bà H. chuyển nhượng quyền sở hữu 5.106 cổ phần cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm cũng đã bị huỷ bỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang