Kháng nghị vì... "tránh kéo dài"(?!)
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Tòa soạn, Tổng GĐ Công ty N.T Nguyễn Văn Cương, trình bày: Doanh nghiệp chúng tôi rất tâm đắc với loạt điều tra Từ vụ đòi nợ hơn 790 tỷ đồng và 535 tỷ tiền lãi ở Bình Chánh: "Lần theo đường dây "tín dụng đen" của Báo CATP. Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh đã vào cuộc ngay khi tiếp nhận kiến nghị khởi tố của Tòa án. Việc xác minh, làm rõ có thể kéo dài do cả ông Cao Minh Tân và bà Phạm Thị Linh Phượng đang bị sa lưới tại Công an tỉnh Vĩnh Long trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng với 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Trong khi Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh đang vào cuộc thì ngày 22/11/2024, chúng tôi nhận được thông tin TAND Cấp cao tại TPHCM đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 59/2024/KN-DS (QĐ số 59) do Phó Chánh án (PCA) Võ Văn Cường ký ngày 22/10/2024, đề nghị hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 666 ngày 15/6/2023 của TAND TPHCM và giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 16 ngày 13/01/2022 của TAND H.Bình Chánh. Đến nay, Công ty N.T chưa nhận được QĐ số 59 từ TAND Cấp cao tại TPHCM.
Trong QĐ số 59, PCA Cường đưa ra 4 căn cứ để kháng nghị:
Một là, khoản vay 89,5 tỷ đồng giữa Công ty Hòa Phong (pháp nhân) với Công ty N.T có bảo lãnh của ngân hàng đã được các bên tất toán ngày 20/4/2011. Sau đó, bà Nguyễn Thị Quí (đại diện Công ty N.T) vay tiền của ông Tân - bà Phượng (cá nhân) đã được thông qua tại biên bản họp HĐQT Công ty N.T ngày 15/5/2012. Khoản vay này hoàn toàn độc lập với khoản vay của Công ty N.T với Công ty Hòa Phong. Dù Công ty N.T không thừa nhận nội dung "giấy xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ" ("giấy XNTN&PTTTN") ngày 15/01/2015, nhưng không phản đối "giấy XNTN&PTTTN" lập ngày 14/3/2013. Theo đó, Công ty N.T còn nợ ông Tân - bà Phượng 759,86 tỷ đồng.
Hai là, cho đến trước thời điểm tòa thụ lý vụ án, bà Quí không phản đối việc đã ký "giấy XNTN&PTTTN" ngày 15/01/2015; đồng thời còn xác nhận, sau thời điểm này Công ty N.T vẫn tự nguyện trả nợ cho ông Tân - bà Phượng đến ngày 16/7/2015. Vì vậy, không có cơ sở xác định bà Quí bị ép buộc ký vào "giấy XNTN&PTTTN" nên khoản vay 790,433 tỷ đồng được xác định là hoàn toàn có thật, xảy ra trên thực tế.
QĐ kháng nghị giám đốc thẩm số 59 (trang đầu và cuối)
Ba là, đối với yêu cầu độc lập của ông Ngô Minh Tuấn và bà Ngô Thị Ngọc Dung: Đơn yêu cầu độc lập nộp sau thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm lập biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Xét thấy, việc Tòa sơ thẩm không thụ lý đơn yêu cầu độc lập của ông Tuấn và bà Dung là đúng pháp luật. Tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì lý do này là không đúng.
Theo PCA Cường, việc bà Quí vay tiền đã được HĐQT Công ty N.T họp thông qua ngày 15/5/2012. Các thành viên của HĐQT Công ty N.T nếu tranh chấp thì có quyền khởi kiện bằng một vụ kiện khác. Việc Tòa án cấp phúc thẩm nêu lý do "chưa làm rõ trách nhiệm trả khoản nợ là của cá nhân bà Quí hay của Công ty N.T vì không có cơ sở xác định bà Quí có đưa tài sản này vào khối tài sản của Công ty N.T hay không" để hủy bản án sơ thẩm cũng là không đúng pháp luật.
Bốn là, mặc dù có ký tên vào "giấy XNTN&PTTTN" nhưng bà Ngô Thị Thanh Loan chỉ là người lao động nên việc triệu tập bà Loan tham gia tố tụng (nếu có) chỉ là với tư cách "người làm chứng". Tòa phúc thẩm nêu lý do không đưa bà Loan tham gia tố tụng với tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" để hủy bản án sơ thẩm là không đúng và không cần thiết.
PCA Cường kết luận: Khoản vay giữa Công ty N.T và ông Tân - bà Phượng đã được Tòa sơ thẩm giải quyết đúng pháp luật. Để tránh kéo dài vụ án không cần thiết, cần kháng nghị hủy án phúc thẩm và giữ nguyên án sơ thẩm là phù hợp.
Ông Tân ký văn bản xác nhận nợ (pháp nhân công ty) và biên nhận (cá nhân)
Có căn cứ để rút kháng nghị (?)
Kèm tài liệu và đơn kêu cứu khẩn cấp, đại diện Công ty N.T trình bày: Bản án sơ thẩm số 16 của TAND H.Bình Chánh có hàng loạt vi phạm về tố tụng lẫn nội dung mới bị VKSND H.Bình Chánh kháng nghị. TAND TPHCM mất đến 15 tháng nghiên cứu hồ sơ, nhiều lần đưa vụ án ra xét xử, "soi" rất kỹ Bản án số 16 có nhiều "lỗ hổng" nên không thể "giữ nguyên". Từ đó, Tòa phúc thẩm tuyên Bản án số 666, hủy Bản án số 16.
Diễn biến mới của vụ án với nhiều tài liệu chứng cứ được TAND H.Bình Chánh thu thập, càng chứng minh việc Tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật.
Thứ nhất, liên quan đến khoản tiền vay: Hồ sơ thể hiện, từ ngày 05/8/2009 - 07/4/2011, Công ty Hòa Phong và ông Tân - bà Phượng đã cho Công ty N.T vay 10 lần, gồm 6 lần chuyển khoản và 4 lần tiền mặt, với tổng số tiền 89,5 tỷ đồng. Các lần vay thể hiện rất rõ, ông Tân có lúc là đại diện pháp nhân (Công ty Hòa Phong), có lúc là cá nhân ký. Trong 6 lần chuyển khoản, có 5 lần do Công ty Hòa Phong chuyển, 1 lần do cá nhân bà Phượng chuyển. Trong 4 lần cho vay tiền mặt, có 2 lần do ông Tân - bà Phượng ký hợp đồng (ngày 04 và 07/4/2011) với tư cách cá nhân, mỗi lần 5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 16/7/2015, bị đơn đã thanh toán 66 lần (51 lần trả tiền mặt và 15 lần chuyển khoản) với tổng số tiền 97,25 tỷ đồng.
Bị đơn có đầy đủ căn cứ chứng minh ông Tân - bà Phượng không chỉ cho vay lãi cao (6,5 - 12%/ tháng) mà còn tính lãi nhập vốn, lãi chồng lãi, dẫn đến "lãi mẹ đẻ lãi con, sinh lãi cháu". Với "công thức" tính lãi của chủ nợ, từ món vay 89,5 tỷ đồng tăng lên 209 tỷ vào ngày 21/4/2011; nhảy vọt lên 759,86 tỷ ngày 14/3/2013; thành 790,433 tỷ thể hiện trong "giấy XNTN &PTTTN" ngày 15/01/2015. Như vậy, mối quan hệ pháp nhân hay cá nhân ông Tân - bà Phượng trong vụ án này dính liền ngay từ đầu, không thể nào tách rời thành hai quan hệ độc lập. Việc vay tiền (10 lần) và thanh toán (66 lần) cũng là quan hệ duy nhất, xuyên suốt giữa Công ty Hòa Phong, ông Tân, bà Phượng cùng hai con (ký nhận tiền lãi) với Công ty N.T.
QĐ kháng nghị số 59 cho rằng, khoản vay 89,5 tỷ đồng của Công ty Hòa Phong đã tất toán, còn 790,433 tỷ đồng của cá nhân ông Tân - bà Phượng là hoàn toàn không có căn cứ.
Thứ hai, quá trình giải quyết lại sơ thẩm, TAND H.Bình Chánh nhận thấy có dấu hiệu của tội "cho vay lãi nặng" theo quy định của Bộ luật hình sự nên đã có văn bản (VB) số 703/TANDBC-DS ngày 12/3/2024 kiến nghị khởi tố. Ngày 26/7/2024, Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh có VB số 7065/TB-ĐCSKT "tiếp nhận kiến nghị khởi tố" của TAND H.Bình Chánh.
Như vậy, Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh đã tiến hành giải quyết nguồn tin về tội phạm từ ngày 26/7/2024. Đây là tình tiết mới cần được làm rõ theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, trước khi giải quyết vụ án dân sự. Do đó, QĐ kháng nghị số 59 ngày 22/10/2024 "giữ nguyên bản án sơ thẩm" là không có cơ sở.
"Giấy XNTN&PTTTN" ngày 14/3/2013
Thứ ba, liên quan đến một loạt hành vi của chủ nợ, Công ty N.T đã có nhiều đơn tố giác tội phạm. Đầu tiên là đơn đề ngày 25/11/2017 gửi Bộ Công an, trước thời điểm TAND H.Bình Chánh thụ lý sơ thẩm lần 1 (ngày 05/12/2018). Sau khi làm việc với đại diện Công ty N.T, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng có VB số 83/PC-C46B-P14 ngày 28/01/2018 chuyển đơn tố cáo đến C45B - Bộ Công an.
Ngày 28/6/2019, Công ty N.T tiếp tục có đơn tố giác tội phạm về "hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng; làm giả tài liệu; cưỡng đoạt tài sản...". Ngày 12/7/2019, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu có VB số 369/PC-C03-P1 chuyển đơn đến Công an TPHCM để xem xét, giải quyết theo quy định.
Ngày 06/12 và 27/12/2021, Công ty N.T tiếp tục có đơn tố giác tội phạm gửi Bộ Công an, Công an TPHCM...
QĐ số 59 cho rằng, bà Quí không phản đối việc đã ký "giấy XNTN&PTTTN" ngày 15/01/2015 trước khi tòa thụ lý vụ án là suy đoán vô căn cứ.
Thứ tư, liên quan đến Kế toán trưởng Ngô Thị Thanh Loan: Không chỉ "nắm hầu bao" của Công ty N.T, bà Loan còn ký vào "giấy XNTN &PTTTN" ngày 15/01/2015, nên phải có nghĩa vụ khai báo để làm sáng tỏ vụ án. Bản án số 16 loại bỏ bà Loan khỏi vụ án là vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên bị Viện trưởng VKSND H.Bình Chánh kháng nghị, Tòa phúc thẩm hủy án là có cơ sở. Thụ lý lại sơ thẩm, TAND H.Bình Chánh đã đưa bà Loan vào vụ án với tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" là có căn cứ, đúng pháp luật.
Thứ năm, liên quan đến biên bản họp HĐQT Công ty N.T ngày 15/5/2012: Biên bản này có dấu hiệu giả mạo do Công ty N.T không phát hành. Mặt khác, biên bản này không có giá trị pháp lý vì chỉ có 2/3 số thành viên HĐQT dự họp, trong khi theo quy định phải có ít nhất 3/4 thành viên. QĐ kháng nghị số 59 căn cứ vào biên bản này để kháng nghị là không có cơ sở.
Thứ sáu, liên quan đến "giấy XNTN&PTTTN" lập ngày 15/3/2013 với món nợ 759,86 tỷ đồng: Giấy này không có trong hồ sơ tại tòa sơ thẩm; quá trình xét xử tại cấp phúc thẩm cũng không đề cập. Công ty N.T đã chứng minh đầy đủ, món nợ 759,86 tỷ đồng (sau lên 790,433 tỷ) khởi nguồn từ khoản vay 89,5 tỷ đồng. Vì tính lãi cao nên tại buổi hòa giải ngày 07/9/2020, nguyên đơn chỉ yêu cầu trả 700 tỷ đồng, "cho không, biếu không" hơn 625,78 tỷ đồng, gồm 90,433 tỷ "vốn gốc" và 535,35 tỷ tiền lãi. Điều này chứng minh 790,433 tỷ đồng không phải "nợ gốc".
Từ những cơ sở pháp lý vừa nêu trên, Công ty N.T đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM xem xét, rút toàn bộ QĐ kháng nghị số 59, chờ kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an H. Bình Chánh đối với hành vi "cho vay lãi nặng" xảy ra trong vụ án này theo kiến nghị của TAND H. Bình Chánh...
(CATP) Bản án sơ thẩm của TAND H.Bình Chánh bị hủy vì hàng loạt vi phạm về tố tụng lẫn nội dung. Quá trình giải quyết lại, Tòa án nhận thấy có dấu hiệu của tội "cho vay lãi nặng" nên kiến nghị khởi tố hình sự. Trong khi Cơ quan điều tra đang xử lý thì bất ngờ xuất hiện kháng nghị giám đốc thẩm theo yêu cầu của vợ chồng nguyên đơn, đã bị bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ án khác...