Bị cáo kêu oan, viện kháng nghị...
Ngày 26/9/2023, TAND H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đưa vụ án "hủy hoại rừng" ra xét xử sơ thẩm với 4 bị cáo, gồm: Nguyễn Tiến Dũng (SN 1960), Nguyễn Hoàng Cẩn (SN 1963) và Nguyễn Văn Hiền (SN 1963) - Phó GĐ Công ty TNHH Phước Sang (Công ty PS), bị truy tố tội "Hủy hoại rừng" và ông Phạm Văn Lang (SN 1974, công chức Kiểm lâm) bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Qua 3 ngày diễn ra căng thẳng, HĐXX do Thẩm phán Đỗ Quốc Hội ngồi ghế chủ tọa, cùng hai Hội thẩm Hoàng Văn Tâm và Nguyễn Thanh Phương, tuyên Bán án sơ thẩm số 151/2023/HS-ST (Bản án số 151) ngày 29/9, xử phạt hai bị cáo Dũng - Cẩn mỗi người 3 năm tù; hai bị cáo Hiền - Lang, mỗi người 1 năm tù, cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc hai bị cáo Dũng - Cẩn liên đới bồi thường thiệt hại về lâm sản cho UBND tỉnh Bình Thuận 1,412 tỷ đồng (mỗi bị cáo chịu 706 triệu); bị cáo Hiền bồi thường 23,77 triệu đồng.
Bản án số 151 có sự khác biệt lớn so với Cáo trạng số 09/CT-VKSBT-P1 (Cáo trạng 09) ngày 03/6/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Thuận. Theo cáo trạng, ngày 15/10/2011, ông Dũng đại diện Công ty LNBT (trực thuộc UBND tỉnh Bình Thuận) ký hợp đồng số 59/HĐKT (HĐ số 59) với Công ty PS, hợp tác đầu tư trồng rừng tại tiểu khu 279, xã Hàm Cần, H.Hàm Thuận Nam với diện tích 74ha (khu 1); khoanh nuôi, bảo vệ rừng 44ha (khu 2). Cộng chung 118ha.
Đối với khu 1: Ông Dũng căn cứ vào đề xuất của nhóm cán bộ tham mưu, xác định hiện trạng rừng theo kết quả kiểm kê năm 1999, trạng thái "RI" (trảng cỏ, lùm bụi), nên chấp thuận cho Công ty PS san ủi 63,06ha. Đối với khu 2: Ông Dũng đồng ý với ý kiến đề xuất của ông Cẩn, ký phụ lục HĐ số 59 với Công ty PS, để công ty này san ủi 21,63ha.
Phiên tòa sơ thẩm do Thẩm phán Đỗ Quốc Hội làm chủ tọa
Tại KLGĐ số 01, GĐV Nguyễn Tử Kim xác định: Trong phần diện tích bị san ủi, có 60,77ha trạng thái "RII" (rừng non mới tái sinh, chưa ổn định) bị hủy hoại với trữ lượng gỗ "ước tính" 2.455,5m3. Tổng giá trị thiệt hại là 5,775 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại về lâm sản (1,444 tỷ) và thiệt hại về môi trường (4,331 tỷ).
Cáo trạng quy kết: Hành vi của ông Dũng, ông Cẩn dẫn đến 59,79ha rừng "RII" bị hủy hoại, với trữ lượng gỗ 2.401,4m3, gây thiệt hại quy bằng tiền là 5,648 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về lâm sản là 1,412 tỷ, thiệt hại về môi trường là 4,236 tỷ. Ông Hiền làm 41,63ha rừng "RII" bị hủy hoại với 1.664,99m3 gỗ, gây thiệt hại 3,916 tỷ.
Ông Lang là Kiểm lâm tiểu khu 279, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao để Công ty PS hủy hoại 60,77ha rừng "RII".
Bản án số 159 xác định, các bị cáo không gây thiệt hại về môi trường, bởi khu vực rừng bị hủy hoại được quy hoạch là "rừng sản xuất". Thực hiện theo HĐ số 59, khu vực này đã trồng cây cao su, được chăm sóc qua từng năm. Đến nay, cây đã sinh trưởng hơn 10 năm, phát triển thành rừng cao su, xem như thiệt hại về môi trường đã được khắc phục.
Đối với ông Hiền, chỉ làm 0,98ha rừng "RII" bị hủy hoại, với 40,44m3 gỗ, trị giá 23,77 triệu đồng.
Sau khi án tuyên, cả hai bị cáo Dũng - Cẩn đều kháng cáo kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm tuyên vô tội. Ngày 12/10/2023, Viện trưởng VKSND H.Hàm Thuận Nam ký quyết định (QĐ) kháng nghị một phần Bản án số 151, đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm theo hướng: Tăng hình phạt đối với bị cáo Cẩn, không cho bị cáo Hiền hưởng án treo, buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại về môi trường như cáo trạng đã quy kết.
Một góc khu đất 118ha, nay là rừng cao su bạt ngàn, đưa vào khai thác
Các bị cáo kêu oan điều gì?
Trong đơn kháng cáo, ông Dũng và ông Cẩn cùng các luật sư trợ giúp pháp lý đã trưng ra các tài liệu chứng cứ, chứng minh Bản án số 151 tuyên hai bị cáo phạm tội "Hủy hoại rừng" là không có căn cứ, gây oan sai nghiêm trọng.
Thứ nhất, điểm mấu chốt trong vụ án này chính là việc xác định phần diện tích 60,77ha thuộc khu 118ha trạng thái "RI" được phép tác động, trồng rừng hay trạng thái "RII" không được phép?
Ngày 05/01/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 03/2001/QĐ-TTG (QĐ số 03) "phê duyệt kết quả tổng kiểm kê rừng toàn quốc năm 1999".
Theo đó, khu vực được tác động trên 118ha được xác định hiện trạng là "RI". Từ năm 2001 - 2015, để xác định trạng thái rừng, tỉnh Bình Thuận và các địa phương cả nước đều áp dụng QĐ số 03 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất.
Bằng chứng là tại văn bản số 691/UBBT-NLN ngày 19/3/2003, chấp thuận cho Công ty LNBT thực hiện dự án trồng 3.000ha rừng (bao gồm khu 118ha), UBND tỉnh Bình Thuận đã căn cứ QĐ số 03, xác định rõ: "Hiện trạng vùng dự án theo kết quả kiểm kê năm 1999".
Các cơ quan tố tụng thừa nhận kết quả kiểm kê rừng năm 1999, diện tích được tác động trồng rừng và cao su đều có hiện trạng "RI". Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Bình Thuận cũng có nhiều văn bản khẳng định như thế.
Căn cứ QĐ số 03, văn bản số 691/UBBT-NLN, cùng một loạt văn bản có liên quan cho phép thực hiện dự án trồng rừng, ông Dũng đại diện Công ty LNBT ký HĐ số 59 với Công ty PS, tuân thủ quy định của pháp luật. Từ năm 2007, cây cao su được Bộ NN&PTNN điều chỉnh là "cây lâm nghiệp", nên việc trồng cao su là hoàn toàn phù hợp. Mục tiêu, động cơ của các bị cáo không gì khác ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo chủ trương của Nhà nước giao cho đơn vị trồng rừng. Thực tế, phần diện tích 118ha nay đã thành rừng cao su, đây là kết quả của việc thực hiện HĐ số 59.
Hiện trạng đất rừng tại tiểu khu 279 được xác định là "RI" theo QĐ số 03 của Thủ tướng Chính phủ
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo và luật sư đã nhiều lần tranh luận về tính pháp lý của QĐ 03 của Thủ tướng Chính phủ và KLGĐ số 01? HĐXX không làm rõ mà vẫn lấy KLGĐ số 01 làm căn cứ kết án.
Thứ hai, KLGĐ số 01 là tài liệu quan trọng nhất của vụ án, nhưng thể hiện "5 không": Không tuân thủ về phương pháp giám định; không có biên bản giám định ngoại nghiệp; không có mẫu vật giám định, mẫu vật so sánh tại hiện trường; sử dụng tài liệu không có giá trị pháp lý; tính giá trị thiệt hại không chính xác (chỉ "ước tính").
Tại thời điểm giám định, toàn bộ khu đất đã là rừng cao su rộng lớn, không còn vết tích gì của hiện trạng cũ, nhưng GĐV Kim vẫn cho ra con số 60,77ha rừng trạng thái "RII" bị hủy hoại với trữ lượng gỗ được "ước tính". Khôi hài hơn, ngay tại phiên tòa, trước HĐXX, GĐV Kim xác định "củi cũng là gỗ", để tính giá trị thiệt hại (?!).
Chính Thẩm phán Đỗ Quốc Hội khẳng định việc GĐV Kim "ước tính" là không phù hợp nên ký QĐ trả hồ sơ điều tra bổ sung để trưng cầu giám lại, xác định cụ thể, chính xác con số thiệt hại xảy ra. Lạ thay, Viện Kiểm sát không thực hiện, nhưng Thẩm phán Hội vẫn đưa vụ án ra xử.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các luật sư tiếp tục chứng minh KLGĐ số 01 không khách quan, GĐV Kim chỉ "ước tính" và "suy đoán", có dấu hiệu sử dụng số liệu "khống". Chưa hết, phương pháp mà GĐV Kim sử dụng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên không có giá trị chứng minh. Mặt khác, hồ sơ vụ án có hai KLGĐ của GĐV Nguyễn Văn Minh (lần đầu) và KLGĐ số 01 của GĐV Kim (giám định lại). Hai KLGĐ này cho kết quả khác nhau về diện tích rừng bị hủy hoại và trữ lượng gỗ, dẫn đến kết quả định giá không chính xác. Căn cứ khoản 3, Điều 211 và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), các bị cáo đề nghị trưng cầu giám định lại lần 2 (giám định tập thể) là có căn cứ, đúng pháp luật. Không chỉ các bị cáo, cả Công ty LNBT cũng có văn bản đề nghị tòa cho trưng cầu giám định lại.
Lẽ ra phải cho trưng cầu giám định lại theo quy định của pháp luật, HĐXX chấp nhận KLGĐ số 01, tuyên Bản án số 151 mà không cần xác định chính xác con số thiệt hại, chỉ "ước tính" là được (?!).
HĐXX sơ thẩm đã tước quyền yêu cầu giám định lại của bị cáo và Công ty LNBT, dẫn đến Bản án số 151 không khách quan, lộ rõ dấu hiệu oan sai.
Cả hai ông Dũng - Cẩn cùng tin tưởng: "HĐXX phúc thẩm sẽ xem xét toàn bộ các tài liệu chứng cứ, đặc biệt là KLGĐ "ước tính" của GĐV Kim, từ đó đưa ra phán quyết công tâm, khách quan. Với quyền được pháp luật quy định tại Điều 214 BLTTHS, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu HĐXX cho giám định lại để có con số thiệt hại chính xác, làm cơ sở xử lý toàn diện vụ án".
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/4/2024, đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận đã gửi cho HĐXX tập hồ sơ gồm 36 bút lục, trong đó có văn bản số 7222/BNN-PC của Bộ NN&PTNN do Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Thị Tuyết ký lúc 16 giờ 30 ngày 30/9/2019, cử ông Nguyễn Tử Kim thực hiện việc giám định. Theo các luật sư, đây là văn bản quan trọng xác định tư cách của GĐV Kim, nhưng chỉ mới xuất hiện tại thời điểm xét xử phúc thẩm, lộ rõ bất thường. Như vậy, suốt 5 năm qua, khi không có văn bản số 7222/BNN-PC, GĐV Kim có đủ tư cách để tiến hành giám định trong vụ án này hay không? Vấn đề này cùng nhiều điểm "mờ" của bản án sơ thẩm sẽ được HĐXX xem xét, làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm.