Giải đáp pháp luật: Cách lập di chúc khi không được công chứng

Thứ Hai, 15/04/2024 08:29

|

Hỏi: Mẹ tôi đứng tên đồng sở hữu căn nhà, sổ đỏ do người dì cất giữ. Mẹ muốn lập di chúc cho tôi phần tài sản của mẹ nhưng người dì không cho mượn sổ đỏ nên công chứng từ chối chứng thực di chúc. Xin hỏi có cách nào để lập được di chúc không? (L.Hoa, Quận 4).

Trả lời: Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định có 2 hình thức di chúc gồm di chúc văn bản và di chúc miệng.

- Di chúc miệng được lập trong trường hợp tính mạng 1 người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

- Di chúc bằng văn bản bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Trường hợp công chứng từ chối chứng thực di chúc do không có bản chính sổ đỏ thì mẹ bạn có thể lập di chúc theo 2 hình thức sau:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Để bảo đảm giá trị của di chúc (di chúc hợp pháp) thì nội dung của di chúc phải có các nội dung chủ yếu sau: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang