Xét xử lại vụ án kéo dài hơn 20 năm: Tờ ủy quyền giúp kẻ gian ‘ẵm gọn’ 68 tỷ đồng

Thứ Sáu, 26/07/2024 19:21

|

(CAO) Đây là vụ án hi hữu, kéo dài 20 năm. Trước khi vụ án khởi tố, kẻ chủ mưu tẩu tán tài sản rồi cùng vợ con trốn sang Hoa Kỳ và bị truy nã quốc tế nên hiện không có cơ sở để kê biên thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Theo thông tin từ TAND TPHCM, ngày 2/8 sẽ mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty Xuất nhập khẩu ngành in Hà Nội - Chi nhánh TP.HCM (Công ty XNK)- trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) gây thiệt hại cho nhà nước 68 tỷ đồng.

Các bị cáo gồm: Phương Đình Chiến (SN 1950, cựu Giám đốc), Nguyễn Văn Quân (kế toán trưởng), Nguyễn Thị Thu Vân (kế toán chi nhánh) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Phan Thị Ngọc Diệp (cựu thủ quỹ) bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

4 bị cáo trong vụ án tại tòa trong phiên sơ thẩm tháng 11/2019

Lợi dụng được ủy quyền để làm bậy

Theo hồ sơ, ngày 10/11/2004, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Sơn (Trưởng Chi nhánh TPHCM của Công ty XNK) về tội “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 5/2004, Nguyễn Khắc Sơn tẩu tán tài sản, hiện không có cơ sở để kê biên thu hồi tài sản cho Nhà nước và đối tượng đã trốn sang Mỹ. Cơ quan CSĐT cũng đã áp dụng các biện pháp tố tụng đối với bị can này.

Công ty XNK ngành in là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Để hoạt động, công ty này thành lập chi nhánh tại TPHCM, hoạt động hạch toán nội bộ theo hình thức báo sổ, trực thuộc công ty.

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động kinh doanh của công ty, mọi hoạt động kinh doanh của chi nhánh đều phải được báo cáo và được sự đồng ý của Giám đốc công ty trước khi thực hiện. Tuy nhiên, Phương Đình Chiến đã ký giấy ủy quyền cho Sơn tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế để mua bán giấy in các loại, vay vốn tại ngân hàng.

Lợi dụng ủy quyền này, từ năm 1999 đến tháng 5/2004, Sơn đã ký và thực hiện nhiều hợp đồng mua bán giấy in các loại với các nơi nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Sau khi nhận thanh toán tiền từ các doanh nghiệp, Sơn đã chỉ đạo Phan Thị Ngọc Diệp, thủ quỹ chi nhánh, lập phiếu thu ghi số tiền ít hơn số tiền thực nhận thanh toán. Số tiền còn lại Diệp để ngoài sổ sách và đưa cho Sơn sử dụng cá nhân. Tổng số tiền Sơn đã chiếm đoạt của công ty là hơn 60 tỉ đồng. Ngoài ra, Sơn còn làm thất thoát của Công ty XNK ngành in số tiền hơn 8 tỉ đồng.

Ngày 13/11/2019, TAND TPHCM mở phiên sơ thẩm. Vì vụ án xảy ra quá lâu, các bị cáo đã phải sống trong sự quản lý, cấm đi khỏi nơi cư trú, có bị cáo bị trầm cảm, già yếu, ăn năn hối cải… nên tòa đã tuyên Nguyễn Văn Quân 3 năm tù giam, các bị cáo còn lại 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, tòa tách phần dân sự về bồi thường thiệt hại để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (khi nào bắt được Sơn sẽ xử lý).

Sau bản án sơ thẩm, Viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị, Quân kháng cáo xin giảm nhẹ.

Trong phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của Quân, chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM về phần trách nhiệm dân sự, sửa bản án sơ thẩm buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường.

Tháng 3/2023, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại.

 VKSND Tối cao đề nghị rút kinh nghiệm

Bên cạnh việc các cấp tòa đã quyết định như trên, VKSND Tối cao cũng ban hành văn bản về việc rút kinh nghiệm nghiệp vụ 4 vấn đề trong vụ án này.

Thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án của VKSND Tối cao

Thứ nhất, về tên tội danh hai cấp tòa xử phạt bị cáo Diệp thừa hai chữ “trật tự”, tên tội danh đúng theo Điều 165 BLHS 1999 phải là "Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường dân sự, trong vụ án này, Chiến, Quân, Vân phạm tội do lỗi vô ý, không có ý thức chiếm đoạt tài sản và không được hưởng lợi từ số tiền hơn 68 tỉ đồng mà Sơn chiếm đoạt nên không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Do đó, việc tòa buộc các bị cáo này liên đới bồi thường là chưa chính xác.

Thứ ba, về việc tách phần dân sự trong vụ án hình sự, Diệp với vai trò thủ quỹ đã giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tiền. Sơn bỏ trốn, tẩu tán tài sản, hiện đang bị truy nã nên chưa thể buộc Sơn chịu trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, với vai trò giúp sức, Diệp phải bị liên đới bồi thường nên việc TAND TP.HCM tách phần dân sự để không giải quyết là không đúng theo Điều 30 BLTTHS, không triệt để vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Thứ tư, về phạm vi xét xử phúc thẩm theo Điều 357 BLTTHS, thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm khi sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự là giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng hoặc tăng mức bồi thường thiệt hại. Đối với vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định tách phần dân sự về bồi thường thiệt hại để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Như vậy, tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét về phần trách nhiệm dân sự nhưng tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKS để buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường là vi phạm phạm vi xét xử phúc thẩm, làm mất quyền kháng cáo của các bị cáo…

Bình luận (0)

Lên đầu trang