Nhiều ý kiến tâm huyết tại toạ đàm "Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt"

Thứ Năm, 26/09/2024 17:43

|

(CAO) Sáng 26/9, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn ra buổi toạ đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” do Báo Pháp luật TPHCM phối hợp với UBND TP Đà Lạt tổ chức. Tham dự có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, các sở, ngành địa phương liên quan cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi toạ đàm

Nhiều tham luận, ý kiến về thực trạng nông sản đặc trưng của vùng đất Đà Lạt nói riêng và nông sản của cả nước nói chung. Trong đó, có tình trạng một số mặt hàng nông sản nổi tiếng của Đà Lạt như dâu tây, khoai tây, cà rốt, thi thoảng bị hàng ngoại nhập giá rẻ “đội lốt”. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người tiêu dùng, làm thiệt hại rất lớn đến bà con nông dân, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành tham dự

Bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt là nhiệm vụ mà chính quyền TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và các sở ban ngành địa phương, người nông dân, doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng cùng chung tay một cách quyết liệt và hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM phát biểu tại buổi toạ đàm

Định hình thương hiệu nông sản Đà Lạt

Các ý kiến, tham luận tại toạ đàm đều chung nhận định: TP Đà Lạt với lợi thế thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng... là vùng đất lý tưởng cho sản xuất nông nghiệp; trong đó có nhiều loại rau hoa, củ quả... mẫu mã, chất lượng cao, từ lâu đã xây dựng được uy tín, được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng. Sản lượng và giá trị của nông sản Đà Lạt đã và đang đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương, góp phần vào hình ảnh chung của đất nước.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy tại địa phương đạt 5.600 tỷ đồng/năm; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đạt khoảng 3.694 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng cây hàng năm 18.657 ha (trong đó diện tích rau củ các loại 12.057 ha, sản lượng đạt khoảng 450 ngàn tấn...). Ngành nông nghiệp chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế. Diện tích sản xuất NNCNC của Đà Lạt đạt 7.240 ha, chiếm 67,3% tổng diện tích canh tác. Nhờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất và chất lượng của các sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao như rau, hoa, cây đặc sản đã được nâng cao đáng kể, tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thương hiệu này cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn. Các sản phẩm giả mạo thương hiệu, việc lạm dụng tên Đà Lạt cho các mặt hàng không rõ xuất xứ từ địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của thương hiệu. Đồng thời, những khó khăn về tiêu thụ, đặc biệt là tìm kiếm thị trường xuất khẩu, vấn đề cạnh tranh về giá cả và chất lượng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho nông sản Đà Lạt trong tương lai...

Quang cảnh buổi toạ đàm "Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt"

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật TP.HCM, thay mặt Ban tổ chức Tọa đàm, Ban Biên tập Báo Pháp luật TPHCM chia sẻ thông tin: Việt Nam đón nhận một tin vui lớn là xuất khẩu rau củ trong tháng 9/2024 tăng trưởng vượt bậc, với giá trị đạt được hơn 920 triệu USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 9 năm nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành rau củ nước ta đã đạt mức 5,6 tỉ USD, bằng tổng giá trị xuất khẩu toàn năm 2023. Đây là mức tăng trưởng có thể nói là chưa từng có trước đó. Để có được kết quả to lớn này, chắc chắn suốt thời gian qua, Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, chính quyền địa phương (trong đó có tỉnh Lâm Đồng) và nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng thể chế, kết nối thị trường, xây dựng thành công các thương hiệu cho nông sản Việt. Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị canh tranh, đưa nông sản Việt đến với nhiều nước trên thế giới; đóng góp ngày càng cao vào nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, đi ngược những nỗ lực to lớn ấy, tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt vẫn còn diễn ra không ít, với những hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Mới đây, báo Pháp luật TPHCM đã vạch trần những chiêu trò “Hô biến khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt” của hàng loạt vựa rau củ lớn ở Lâm Đồng.

Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm trước đây, các cơ quan quản lý của địa phương cũng đã nhiều lần xử lý, cảnh báo, răn đe nhưng… vì lợi ích trước mắt, một bộ phận chủ vựa, vẫn cứ làm bất chấp những hệ lụy xảy ra.

Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt và lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng tại toạ đàm

“Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, nông sản Việt nói chung, đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, nhằm thúc đẩy các giải pháp hữu hiệu cho câu chuyện bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt”. Với trách nhiệm của cơ quan truyền thông, Báo Pháp luật TPHCM và các cơ quan báo, đài địa phương, trung ương sẽ cùng chia sẻ, truyền tải về những câu chuyện bảo vệ thương hiệu cho nông sản Đà Lạt nói riêng và nông sản Việt nói chung để lan tỏa sâu hơn nữa đến cộng đồng xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thương hiệu nông sản nước nhà...", ông Hiển chia sẻ.

Các giải pháp bảo vệ thương hiệu

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Lâm Đồng, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện dự án "Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp".

UBND tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển, thu hút du khách với sứ mệnh mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất đặc biệt đến với mọi người. Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" tại Quyết định số 87022/QĐ-SHTT ngày 08/12/2017.

Khách mời tham dự sự kiện

Ngày 29/12/2023 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2634/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhân “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong đó quy định: Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Quy chế này nhằm tập hợp các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP Đà Lạt và các vùng phụ cận cùng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Rau - Hoa Đà Lạt” trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước, tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong việc phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, hoa tại TP Đà Lạt và các vùng phụ cận.

Từ năm 2015, TP Đà Lạt đã phải đối mặt với vấn nạn xâm phạm thương hiệu nông sản khi một số tiểu thương nhập khẩu khoai tây Trung Quốc và tiêu thụ dưới danh nghĩa khoai tây Đà Lạt. Mặc dù chính quyền đã ban hành nhiều văn bản cấm và tăng cường kiểm soát, tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nông sản của thành phố.

Hiện nay, TP Đà Lạt đang phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia có nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore. Mục tiêu của chiến lược này là quảng bá thương hiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước và quốc tế, nâng cao uy tín và chất lượng các sản phẩm nông sản Lâm Đồng, khẳng định vị thế của thương hiệu "Đà Lạt" trên thị trường quốc tế.

Tỉnh Lâm Đồng đã đề ra 6 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, chung quy lại, để bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt, cần có sự chung tay từ các cấp quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi mọi người cùng hợp tác và nỗ lực, thương hiệu Đà Lạt mới có thể được bảo vệ và phát triển bền vững.

Bình luận (0)

Lên đầu trang