(CATP) Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiện nay đã có 57 doanh nghiệp bất động sản đề nghị UBND TPHCM xem xét tháo gỡ "vướng mắc" về pháp lý hoặc về thủ tục đầu tư xây dựng của 64 dự án (DA) bất động sản, nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Đáng chú ý, nhiều dự án vướng các thủ tục về đền bù giải tỏa suốt nhiều năm.
Theo đó, Công ty S.S.G 2 đề nghị UBND TPHCM hỗ trợ, tạo điều kiện được tự bỏ vốn đầu tư xây dựng đường đi bộ trên cao kết nối ga metro Thảo Điền (ga số 6) thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với DA khu chung cư Thảo Điền Pearl số 12 Quốc Hương, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức để phát huy hiệu quả việc khai thác khu vực lân cận nhà ga metro và tăng thêm tiện ích phục vụ người dân và khách vãng lai.
Thế nhưng đã hơn 8 năm qua Công ty S.S.G 2 không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối ga metro Thảo Điền với dự án chung cư Thảo Điền Pearl và khu vực lân cận.
Để gỡ rối vướng mắc này, UBNDTP đã có Văn bản số 60/TB-VP ngày 12-2-2019 chỉ đạo giao UBND Q2 rà soát pháp lý quy hoạch của cầu bộ hành kết nối dự án Thảo Điền Pearl với ga Thảo Điền và khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành để di dời các hộ dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án như cam kết, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được.
Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam cũng đề nghị UBNDTP được giao đất Dự án Khu nhà ở Him Lam là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, để công ty được thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm thủ tục cấp "Giấy chứng nhận" cho DA. Đây cũng là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc (P.Phước Bình, TP.Thủ Đức), do Công ty Cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính và chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án và các chủ đầu tư dự án thành phần có trách nhiệm đóng góp kinh phí theo thỏa thuận.
Sau khi xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng, Cty Res 10 phải giao đất lại cho UBND TPHCM để giao đất cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù chưa đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng Cty Res 10 vẫn ký kết hợp đồng kinh tế với một số đơn vị cho đăng ký tham gia thực hiện dự án. Hợp đồng có nội dung cho các đơn vị "được quyền tự tổ chức kinh doanh", dẫn đến các đơn vị này cho rằng được phân lô và thực hiện huy động vốn (thực chất là bán nền đất) cho các cá nhân.
Sai phạm tại Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc kéo theo hàng loạt các dự án thành phần bị "vạ lây"
Phía Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng. Thời gian qua, do DA Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, nên DA Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Công ty Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm "sổ đỏ” cho khách hàng.
Công ty Cổ phần Bất động sản Nova Lexington cũng đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng của dự án Khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ, phường An Phú, thành phố Thủ Đức.
Theo đó, DA đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT03012 do Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp ngày 27-10-2010. Cuối năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 11902/STNMT-QLĐ về cấp giấy chứng nhận đối với căn hộ ở cho người mua nhà. Tuy nhiên, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố vẫn không đồng ý cấp "sổ hồng" cho cư dân.
Một trường hợp khác là Công ty Phú Long cũng cho biết đã trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện Dự án Dragon City. DN này đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được UBNDTP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Đến nay, tại Phân khu số 15 của Dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại một căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty Phú Long không thể triển khai dự án.
UBND TP cũng đã giao Công ty Phú Long làm chủ đầu tư Dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV Nhà Bè - Tao Đàn (đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè). UBND TP cũng giao trách nhiệm cho Trung tâm phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè có trách nhiệm tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho Công ty Phú Long thực hiện Dự án ngầm hóa tuyến điện.
Theo phương án bồi thường được duyệt, Công ty Phú Long đã chuyển hơn 160 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng hơn 14 năm qua Trung tâm phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong.
Nhiều năm qua, Công ty Phú Long đã có rất nhiều văn bản gửi các ban ngành. Ngày 12-2-2019, UBNDTP đã có ý kiến tại Thông báo kết luận số 60/TB-VP giao UBND huyện Nhà Bè thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật. Nhưng cho đến nay chưa có bất kỳ sự tiến triển nào trong việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án Phân khu số 15 và Dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220Kv Nhà Bè - Tao Đàn...