Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng chục héc-ta 'đất vàng' bị ngâm tới... 'vàng đất'

Thứ Tư, 01/09/2021 13:53  | Quang Hà

|

(CATP) Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), nhiều dự án khu du lịch (KDL), khu phức hợp sau khi giao vào tay một số chủ đầu tư (CĐT) đã dẫn đến tình trạng bị chậm triển khai, triển khai cầm chừng hoặc bị dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng suốt nhiều năm. Một số dự án đã bị cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi đất song đến nay vẫn những khu đất vàng đó vẫn đang bị "ngâm".

Dự án khu du lịch qua hàng chục năm vẫn chưa nhúc nhích

Điển hình là Dự án KDL Trung Sơn - Hồ Tràm do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Sơn (trước đây là Công ty TNHH Trung Sơn) làm CĐT, có diện tích hơn 11 ha, tọa lạc tại đường ven biển xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BRVT. Năm 2003 UBND tỉnh BRVT ra quyết định (QĐ) thu hồi đất và giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Sơn làm dự án KDL Trung Sơn - Hồ Tràm với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, Nhà nước cho thuê đất trả tiền sử dụng đất hàng năm.

Ngày 15-7-2003, UBND tỉnh BRVT có QĐ phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án Trung Sơn bằng quyết định số: 6561/QĐ-UB. Tiếp đó, ngày 10-5-2005, cơ quan chức năng tỉnh BRVT đã điều chỉnh thay đổi từ hình thức cho thuê sang giao đất có thu tiền sử dụng đất. Từ năm 2005 đến 2014 Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Sơn bỏ hoang, không thực hiện dự án. Do đó đến năm 2014, UBND tỉnh ban hành QĐ thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư về dự án nhưng không thu hồi dự án.

Ngày 28-6-2016, Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh BRVT tiếp tục có kết luận Thanh tra số 1431/KL-STNMT về "Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Sơn tại huyện Xuyên Mộc". Theo đó, Sở TNMT tỉnh đã xác định vi phạm của doanh nghiệp là "chậm đưa đất vào sử dụng và gia hạn sử dụng đất - theo Điều 64 Luật Đất đai 2013". Văn bản nêu: "Hết thời gian gia hạn nếu công ty không tiến hành triển khai dự án theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, thì sẽ tiến hành lập thủ tục thu hồi đất theo quy định pháp luật".

Ngày 16-1-2017, UBND huyện Xuyên Mộc có văn bản số 248/UBND-VP đề xuất thu hồi dự án. Theo đó, UBND huyện Xuyên Mộc báo cáo tiến độ triển khai dự án chậm do "CĐT không đủ năng lực tài chính, chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng...". Vì vậy, UBND huyện Xuyên Mộc đề xuất thu hồi dự án.

Ngày 18-8-2017, Công ty Trung Sơn mới thực hiện thủ tục xóa thế chấp nhưng đến nay dự án cũng không hề triển khai, khu đất vẫn là bãi đất hoang. Như vậy, có thể thấy trong vòng hơn 18 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt dự án không thực hiện đầu tư xây gì, đất vẫn là để hoang hóa.

Theo báo cáo mới nhất số 1587 ngày 27-5-2021 của Sở KH và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Trung Sơn vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án như: lập và trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập thiết kế cơ sở, PCCC, giấy phép xây dựng, dự án thuộc diện chậm triển khai...

Dự án Khu du lịch Trung Sơn bị bỏ hoang, không triển khai suốt hàng chục năm và đến nay vẫn chưa thực hiện xong việc đền bù gây nhiều bức xúc cho những người đã bị thu hồi đất

Dự án qua bảy lần điều chỉnh quy hoạch vẫn còn dang dở

Một dự án khác là dự án Khu liên hiệp thương mại văn phòng, thể thao, trường học và nhà ở tại P.10, TP.Vũng Tàu, có diện tích hơn 13 ha do Công ty TNHH Khang Linh làm CĐT được UBND tỉnh BRVT phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 lần đầu tại QĐ số 2090/QĐ-UB ngày 28-4-2004. Quy hoạch này đã được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh mở rộng 7 lần.

Đáng chú ý là theo quy hoạch được phê duyệt lần đầu tại QĐ 2090/QĐ-UB thì CĐT phải bố trí diện tích đất 24.111m2 để xây trường phổ thông cơ sở. Nhưng sau 7 lần phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh mở rộng và thực hiện dự án, năm 2013 chủ đầu tư lại bàn giao đất để Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Vũng Tàu thực hiện đầu tư xây dựng trường tiểu học với diện tích chỉ còn 11.082m2; Khu thể thao kết hợp vui chơi trẻ em được hoàn thành chỉ có diện tích 5.340m2, giảm đi 14.123m2 so với quy hoạch được phê duyệt ban đầu tại QĐ số 2090/QĐ-UB trong khi dự án lại được mở rộng?

Được biết, theo quy định tại Khoản 3, Điều II của QĐ số 2090/QĐ-UB ngày 28-4-2004 của UBND tỉnh BRVT về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu liên hợp nhà ở, trường học, thể thao tại P.10, TP.Vũng Tàu do Công ty Khang Linh làm chủ đầu tư có nêu rõ: "Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và xây dựng nhà ở theo thiết kế kiến trúc đã được Sở Xây dựng thỏa thuận, với hình thức xây thô hoàn thiện mặt tiền, hoặc xây dựng hoàn chỉnh. Không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho dân tự xây dựng".

Thế nhưng, theo tố cáo của người dân, từ năm 2005, Công ty Khang Linh lại bán nền thông qua hợp đồng góp vốn theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 góp vốn nhận nền đất, giai đoạn 2 xây dựng nhà. Sau 16 năm dự án được triển khai, đến ngày 31-8-2020, Công ty Khang Linh có văn bản số 31/2020/DA-KL và ngày 28-5-2021, Công ty Khang Linh có văn bản số 03/2021/DA-KL đề nghị UBND tỉnh, Sở Xây dựng đề nghị cho phép Công ty Khang Linh được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền với lý do việc huy động vốn từ ngân hàng rất khó khăn nên doanh nghiệp không thể triển khai xây dựng đồng bộ công trình nhà ở(?!)

Việc xây dựng hạ tầng dự án, các công trình công cộng, phân lô bán nền không đúng với quy định dẫn đến không thể thực hiện các thủ tục cấp sổ hồng cho các hộ dân đã mua nền đất và tự xây dựng nhà. Hiện nay nhiều hộ dân mua đất phản ứng, gửi nhiều đơn thư đến cơ quan chức năng đề nghị Công ty Khang Linh thực hiện thủ tục cấp sổ hồng.

Được biết tại mục 5 Điều II QĐ số 6561/QĐ-UB của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 15-7-2003 quy định: "Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án trong quá trình triển khai công tác đầu tư và xây dựng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục đầu tư được theo kế hoạch đã cam kết trong tờ trình xin thuê đất, phải giao trả đất lại cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để UBND tỉnh xem xét cho đơn vị khác có nhu cầu thuê, đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt".

Bình luận (0)

Lên đầu trang