Xin giảm 2% lãi suất vì... doanh số bán hàng "rơi thẳng đứng"

Thứ Năm, 26/08/2021 14:19  | Quang Hà

|

(CATP) Qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là giai đoạn đầu năm 2020 cho đến nay và trong tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, vừa qua Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã đề nghị với Ngân hàng Nhà nước có những khuyến nghịvới các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm.

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch CoViD-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn,có nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản luôn khẳng định không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, chỉ xin tháo gỡ các "ách tắc, vướng mắc" về thể chế, pháp luật và kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh thì doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi và phát triển trở lại sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong lúc thị trường bị "đứng hình", giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng "rơi thẳng đứng", không thể huy động được vốn như trước đây thì vấn đề "thiếu dòng tiền" mới là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA

Theo ông Châu, cái khó "thiếu dòng tiền" có liên quan trực tiếp đến "cái khó về tín dụng" vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng "đều đặn" hàng tháng.

Vừa qua, trong công văn đóng góp ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về "cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021), HoREA cho biết rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp.

Các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay cho khoảng gần 800.000 khách hàng, bao gồm các doanh nghiệp, hộ gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Trong đó đã giảm lãi vay trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỷ đồng.

Doanh số của thị trường BĐS TPHCM đang rơi thẳng đứng vì ảnh hưởng dịch bệnh

Thế nhưng hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, trong đó rơi vào tình trạng "bị mất thanh khoản" là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến "thiếu dòng tiền", có thể khiến doanh nghiệp bị "chết trên đống tài sản" của chính mình nếu không được tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng là doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhânvà được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022, nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghịcác ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang