Hoạt động mua bán doanh nghiệp: Sôi động hơn nhờ nguồn vốn ngoại

Thứ Hai, 13/03/2017 11:40

|

(CAO) Theo nhiều chuyên gia, việc tìm kiếm nguồn lực ngoài hệ thống tín dụng như các quỹ tín thác, quỹ đầu tư nước ngoài… có thể giúp hồi sinh đáng kể một lượng lớn trong khoảng 500 dự án đang bị ngừng triển khai do thiếu vốn, giải phóng mặt bằng dở dang.

Những dự án này đã ngốn một lượng vốn lớn của nhà đầu tư, của ngân hàng và của xã hội rất lớn, tiềm ẩn nhiều hệ quả rủi ro cho thị trường nên rất cần được giải quyết càng sớm, càng tốt. Do đó, hoạt động mua- bán dự án (M&A) được dự báo sẽ là hướng đi chính của thị trường trong thời gian tới.

Để làm được điều này, nhiều doanh nghiệp (DN)đang tìm cách thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để thay thế nguồn vốn từ hệ thống tín dụng, vốn chiếm tời 70-80% vốn đầu tư của DN.

Thị trường BĐS tại TPHCM vừa chứng kiến một cú sốc lớn khi TAND TP HCM vừa mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Bất Động sản xây lắp dầu khí Việt Nam – (PVCLand, chủ dự án PetroVietNam LandMark (quận 2).

Trong giai đoạn năm 2009-2011, PVCLand đã bán 412/418 căn hộ chung cư thuộc dự án PetroVietNam LandMark (quận 2) cho hàng trăm khách hàng với số tiền 740 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án đã nhanh chóng chết yểu dẫn đến việc các khách hàng mua nhà của PVCLand không được nhận nhà. Không chỉ riêng dự án PetroVietNam LandMark, tại TPHCM những năm vừa qua chứng kiến khá nhiều cái chết yểu của chủ đầu tư khi nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt, việc thi công phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền huy động từ khách hàng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản đã kinh doanh khởi sắc nhờ tìm được nhiều kênh huy động vốn, giảm dần sự lệ thuộc vào vốn tín dụng và vốn của người mua nhà thông qua các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, dừng, giảm, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp nhu cầu và sức mua của thị trường, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, mở rộng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A).

Lãnh đạo An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group tổ chức họp báo công bố thương vụ mua khu phức hợp Lacasa (Q.7)

Cú bắt tay với An Gia Investment và Quỹ đầu tư Creed Group là một ví dụ. An Gia Investment đã được Creed Group cam kết rót 200 triệu USD vào An Gia và đưa DN này trở thành một công ty có nguồn tiền hàng ngàn tỷ đồng. Có tiền, họ đã mạnh dạn mua lại hàng loạt dự án như dự án The Garden (Q. Tân Phú) từ tay của Công ty TNHH đầu tư Nakyco, dự án của Công ty CP đầu tư xây dựng Tân Bình. Đình đám nhất là việc họ hợp tác với Công ty CP Phát Đạt tái khởi động dự án River City có quy mô hơn 11,25 ha và triển khai thi công, dự kiến bàn giao vào 2019.

Vừa qua, một thương vụ M&A của An Gia Investment và Creed Group lớn được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú hích lớn đối với thị trường BĐS phía Nam TP, làm giảm đáng kể lượng tồn kho hơn 14.000 căn hộ của TP là hai đơn vị này hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu phức hợp Lacasa (Q7) từ tay tập đoàn Vạn Phát Hưng với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Dự án có quy mô lên tới 6 ha, cung cấp trên 2.000 căn hộ và office-tel. Vào thời điểm tháng 3-2015, An Gia Investment đã mua lại 2 block của dự án trên. Được biết, đây cũng là dự án M&A thứ 6 mà DN này đã thực hiện cho tới nay.

Chia sẻ với PV Báo CATP, ông Nguyễn Bá Sáng- Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc An Gia Investment cho biết sở dĩ doanh nghiệp này chọn con đường mua lại dự án hơn là đầu tư quỹ đất để phát triển dự án là do việc mua lại dự án sẽ giúp DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, đền bù, giải phóng mặt bằng…

Những công đoạn này tốn rất nhiều thời gian, tối thiểu cũng phải mất từ 1-2 năm trong khi thị trường đang có những tín hiệu tốt để giới thiệu dự án. An Gia tự tin sẽ thành công với dự án này bởi vừa qua hàng loạt dự án của họ đã thành công tại nhiều dự án. Riêng dự án The Garden (Q. Tân Phú) đã có mức gia tăng giá trị ấn tượng khi tăng giá 40%, tạo ấn tượng rất tốt đối với khách hàng.

Ông Masakazu – Giám đốc Quỹ đầu tư Creed Group tại Việt Nam cũng chia sẻ, tăng trưởng kinh tế của VN mang tính ổn định hơn rất nhiều so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, việc đầu tư vào VN cũng cho lợi nhuận khá cao, trong khi tiền để tại ngân hàng của Nhật Bản chỉ cho lãi suất khoảng trên dưới 1%/năm. Được biết, hiện nay An Gia Investment đang vay của quỹ này với lãi suất khoảng 5%, thấp hơn khá nhiều so với lãi suất của các ngân hàng thương mại trong nước.

Bên cạnh An Gia, các công ty khác như Novaland, Hưng Thịnh, Phúc Khang, Khang Điền... đã mua lại nhiều dự án bị "trùm mền" trước đây và tái khởi động lại, được thị trường hấp thụ tốt. Nhiều DN lớn Vingroup, Phú Mỹ Hưng cũng đang có ý định tiến hành nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án.

Được biết, hiện nay nguồn vốn tín dụng vẫn là một trong những kênh đóng vai trò quyết định trong việc phát triển thị trường BĐS. Ước tính, cơ cấu vốn tín dụng trong thị trường có thể chiếm tới 70-80% giá trị. Trên thực tế, khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng, Chính phủ đã nới lỏng chính sách tiền tệ, tín dụng bằng cách giảm lãi suất cơ bản từ 14% năm 2008 xuống dần còn 7% vào năm 2010, giảm hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản xuống còn 150%.

Thị trường BĐS TPHCM năm 2017 được dự báo vẫn có thanh khoản tốt

Năm 2014, NHNN cho phép sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn lên mức trần đối đa 60% và thực hiện nhiều gói kích cầu 20.000 tỷ đồng năm 2009, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng... đã tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng. Hiệp hội BĐS TPHCM đã nhìn nhận được những nguy cơ lớn khi nguồn vốn DN phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng nên đã có những cảnh báo, đề xuất các DN của hiệp hội tìm đến những kênh vốn khác nhau. Đồng thời đề xuất NHNN, Chính phủ cho phép mở thêm các kênh vốn cho các dự án BĐS ngoài ngân hàng.

Theo HoREA, thông qua hoạt động mua bán dự án, những DN gặp khó khăn cũng thu lại được nguồn vốn, có vốn trả nợ và tái hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với những động thái tích cực của hoạt động M&A mang lại, dự kiến thị trường BĐS trong những năm tới đây sẽ tiếp tục là hướng đi chủ đạo của các DN kinh doanh BĐS.

Bình luận (0)

Lên đầu trang