(CATP) Nhằm chủ động giữ vững ổn định giá cả thị trường, bảo đảm an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân TP, mới đây, UBND TPHCM đã ra quyết định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ học tập, tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ hỗ trợ năm 2025 - Tết Bính Ngọ năm 2026 trên địa bàn. Thời gian thực hiện từ ngày 01/4/2025 đến hết 31/3/2026.
Theo kế hoạch, Chương trình năm nay tập trung vào 4 nhóm mặt hàng chính, gồm: lương thực, thực phẩm thiết yếu; hàng tiêu dùng thiết yếu; hàng hóa phục vụ học tập; các dịch vụ hỗ trợ. So với thời điểm năm 2024, chương trình năm nay dự kiến tăng 4 - 6% lượng hàng hóa bình ổn. Vào các tháng thường, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm từ 21 - 32% thị phần, các tháng Tết sẽ chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường. Các mặt hàng chủ lực được bình ổn bao gồm: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, rau củ quả, thực phẩm chế biến, sữa, nước uống, cùng các mặt hàng học tập như tập vở, cặp sách, đồng phục, giày dép và thiết bị điện tử; vật dụng gia đình...
UBND TP nhấn mạnh, bên cạnh hình thức bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, TP sẽ tăng cường phương thức bán hàng trực tuyến. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích xây dựng gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong Chương trình tham gia các gian hàng Bình ổn thị trường trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường, tiếp cận phân khúc khách hàng mới, kích cầu tiêu dùng thông qua việc trao tặng các mã khuyến mãi khi mua sắm bằng phương thức trực tuyến, kết hợp khai thác tối đa Chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp, các đợt khuyến mãi theo mùa, hưởng ứng các chương trình lớn của Bộ Công Thương, Thành phố phát động.

Bình ổn hàng hóa nhưng phải bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng (ảnh minh họa)
Để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, UBND TP yêu cầu phải bám sát chủ đề năm 2025 của Thành phố: "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của Thành phố". Hơn nữa, cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, hướng tới đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt tỷ lệ 2 con số của TP trong bối cảnh cả nước đang ưu tiên tập trung thực hiện công tác sắp xếp bộ máy hành chính.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm chuỗi cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường gắn kết chặt chẽ, vận hành hiệu quả, ổn định từ sản xuất đến phân phối, tiêu dùng; chuẩn bị nguồn cung hàng hóa bình ổn thị trường dồi dào, ổn định; bảo đảm cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân TP, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá phù hợp; tuyệt đối không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Có thể thấy, song song với việc bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ hỗ trợ năm 2025 - Tết Bính Ngọ năm 2026 còn mang tính chiến lược trong việc thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn.