(CAO) Đại diện thương hiệu phụ tùng ô tô mang thương hiệu Aozoom tại Việt Nam vừa có đơn khiếu nại gửi Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương cho rằng mình bị “cạnh tranh không lành mạnh” khi phát hiện một trang web có tên miền Aozoom nhưng lại đăng bài, ảnh có tính chất quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp khác kinh doanh cùng ngành nghề.
Theo đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu MT Group (MT Group) là đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm đèn chiếu sáng, phụ tùng, thiết bị xe ô tô mang nhãn hiệu “Aozoom” của Guangzhou Aozoom Auto Lighting Co..,Ltd (Công ty Aozoom) tại thị trường Đông Nam Á.
Ngày 26-3-2021, Công ty MT Group phát hiện 1 website có tên miền: https://www.aozoom.com.vn đã được đăng ký bởi một chủ thể (không phải Công ty Aozoom hay Công ty MT Group).
Điều đáng nói, website này lại đăng các bài không liên quan đến sản phẩm của Aozoom. Thay vào đó, trang web này đăng các bài, ảnh mang tính chất quảng bá cho các sản phẩm mang thương hiệu của công ty G..., kinh doanh cùng lĩnh vực ngành hàng, thậm chí cùng phân khúc khách hàng với Aozoom.
Trang web mang tên miền Aozoom nhưng lại đăng bài, hình ảnh mang tính chất quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp khác kinh doanh cùng ngành nghề
Ngay sau đó, đại diện Aozoom tại Việt Nam đã tiến hành tra cứu thông tin tại Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) và được cung cấp thông tin chủ thể đăng ký website nêu trên là ông V., người này được biết đến là một lãnh đạo của công ty G...
Đại diện Aozoom tại Việt Nam cho rằng việc sử dụng website có tên miền là “Aozoom” nhưng lại đăng tải các bài viết và sản phẩm có tính chất quảng bá của nhãn hiệu khác kinh doanh cùng ngành nghề, ngành hàng là có dấu hiệu của hành vi “cạnh tranh không lành mạnh", được quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018.
Việc làm này được nhìn nhận là khi khách hàng tìm kiếm thương hiệu Aozoom trên mạng, sẽ đưa khách hàng tiếp cận với website trên, trong đó có đăng các sản phẩm của nhãn hiệu G..., dẫn đến việc dễ gây hiểu lầm rằng các sản phẩm của công ty G... thuộc Aozoom, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Aozoom cũng như của Công ty MT Group.
Được biết, vụ việc đã được gửi tới Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương và các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hồ Minh Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM): Với sự phát triển của internet, tên miền trang web trở thành một “tài sản” giá trị giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Cũng chính vì thế mà tình trạng “chiếm dụng” tên miền ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí một số cá nhân, doanh nghiệp còn đăng ký tên miền của chính “đối thủ” để thực hiện những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp tên miền đã được quy định rõ trong Luật Công nghệ Thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, doanh nghiệp nào phát hiện tên miền trang web bị chiếm dụng có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trung tâm trọng tài để được giải quyết.
Căn cứ để giải quyết tên miền theo yêu cầu của nguyên đơn được quy định rõ trong Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của nguyên đơn; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà nguyên đơn là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp.
Đồng thời, bị đơn không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó nhưng vẫn chiếm dụng, ngăn cản không cho nguyên đơn là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.