Thanh toán online tăng mạnh chưa từng thấy
Chưa bao giờ ngân hàng số lại len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống rõ nét như hiện nay khi thói quen người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng vì Covid-19. Lo sợ dịch bệnh, người dân ngày càng có xu hướng mua sắm trực tuyến, thanh toán online. Về phía người bán, không chỉ các các cửa hàng, trung tâm thương mại lớn mà giờ đây, tiểu thương tại các chợ truyền thống, ngõ nhỏ… cũng đã chuyển dịch dần sang khuyến khích người mua thanh toán online.
“Gần 3 tháng nay tôi hầu như không ra khỏi nhà, thậm chí hiếm khi đi siêu thị do lo ngại dịch bệnh. Toàn bộ cuộc sống của tôi chỉ xoanh quanh chiếc điện thoại, từ giải trí, mua sắm đến thanh toán hóa đơn, hợp đồng”, chị Hoàng Thị Thanh Giao, nhân viên công ty Đồng Tâm (Hà Nội) cho biết.
Thanh toán số ngày càng phổ biến trong cuộc sống người dân (Internet)
Thống kê của hàng loạt ngân hàng 6 tháng đầu năm cho thấy, giá trị thanh toán trực tuyến tăng chóng mặt. Đơn cử, tại VPBank, đến 30/6/2021, tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh digital đạt 73%, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch online tăng 200% so với cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, điều bất tiện nhất với nhiều khách hàng hiện nay là để trải nghiệm các dịch vụ số hóa, họ phải tải quá nhiều ứng dụng như app ngân hàng số, ví điện tử, giao dịch chứng khoán, gọi xe, mua sắm, các trang bán hàng trực tuyến, … khiến bộ nhớ quá tải, màn hình rối mắt và mất thời gian khi tìm đúng ứng dụng mình cần.
Điều này đặt ra bài toán cho những nhà hoạch địch chính sách và chuyên gia công nghệ trên toàn cầu làm thế nào để tích hợp toàn bộ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng của người dân chỉ trên một nền tảng. Và mô hình Open Banking chính là lời giải đáp hoàn hảo đó.
Open Banking - Sân chơi của ngân hàng số thế hệ mới
Theo các chuyên gia tài chính, Open Banking là một thuật ngữ tuy mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng nhận được chào đón tích cực từ các thị trường tài chính lớn toàn cầu như châu Âu, châu Mỹ…. Open Banking không chỉ giúp ngân hàng giải quyết được bài toán đa dạng hóa dịch vụ mà còn tiếp cận các tệp khách hàng khác nhau với chi phí hợp lý. Đặc biệt, nhờ mô hình này, khách hàng có thể quản lý thông tin của mình chỉ trên một nền tảng duy nhất thay vì phải vất vả đăng nhập vào các ứng dụng và công cụ riêng biệt.
Tại Việt Nam, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ, hiện đã có rất nhiều ngân hàng đang ứng dụng mô hình Open Banking. Việc các ngân hàng tích cực kết nối với với bên thứ ba (trung gian thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ, trang web thương mại điện tử…) sẽ vừa mang lại lợi ích cho khách hàng, cho các nhà cung cấp dịch vụ, vừa giúp ngân hàng hiểu rõ hơn hành vi của khách hàng, từ đó cung ứng các sản phẩm phù hợp. Về mặt pháp lý, các ngân hàng Việt Nam vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định của luật, an ninh thông tin và quản trị rủi ro.
Minh chứng cho mô hình này, VPBank cuối tháng 6 vừa qua đã ra mắt thị trường VPBank NEO - một nền tảng ngân hàng số toàn năng. Theo mô hình Open Banking, VPBank NEO tạo ra một nền tảng hệ sinh thái rộng lớn từ đầu tư tài chính đến thương mại điện tử, cung cấp một trải nghiệm người dùng liền mạch ở mọi điểm tiếp xúc, vượt xa quy mô của một sản phẩm ngân hàng số thuần chức năng thanh toán thông thường.
VPBank NEO vượt xa chức năng thanh toán của một ngân hàng số thông thường
Với lợi thế vượt trội về công nghệ, VPBank NEO đang là nền tảng ngân hàng số có kết nối hệ sinh thái đa dạng nhất tại thời điểm này ở Việt Nam với hơn 10 ví điện tử phổ biến nhất (Momo, ShopeePay, ZaloPay, SmartPay…), 7 công ty chứng khoán lớn nhất (VPS, Mirae Asset, KS Securities, VNDirect, TVSI, VCSC CK Bản Việt, AIS…), 3 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobilephone), 3 hãng hàng không chủ lực (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways)… Khách hàng chỉ cần sử dụng VPBank NEO là có thể “nắm trọn vũ trụ” trong lòng bàn tay mà không cần bất kỳ ứng dụng hỗ trợ khác đi kèm.
Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân VPBank cho hay, Open Banking được cho là sẽ dẫn đầu cho kỷ nguyên số hóa của ngành tài chính, ngân hàng. VPBank NEO ra đời cũng là để hoàn thiện những mảng chưa "tới" của ngân hàng truyền thống khi trên thế giới các hoạt động online và liên kết với cộng đồng hệ sinh thái rộng lớn vốn được xem là sở trường của các Fintech.
“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống, đồng thời kêu gọi và tạo điều kiện hợp tác với các đối tác Fintech, công ty cung cấp dịch vụ…để mở rộng hệ sinh thái, để giải quyết hơn nữa nhu cầu cuộc sống ngày càng đa dạng của người dân. Với phương châm “Lướt chung nhịp sống”, VPBank NEO cam kết đồng hành và kết nối với nhịp sống hiện đại của khách hàng, để không ai bỏ lỡ bất kỳ cơ hội tận hưởng cuộc sống trong kỷ nguyên 4.0”, ông Khương khẳng định.