Tuyên án phúc thẩm vụ thất thoát hơn 1600 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV

Thứ Ba, 29/06/2021 17:35  | T.Nam

|

(CAO) Tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo có kháng cáo; đồng thời chấp nhận 1 phần kháng cáo về tài sản kê biên của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Chiều 29/6, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Trung Dũng.

Tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với 3 bị cáo có kháng cáo; đồng thời chấp nhận 1 phần kháng cáo về tài sản kê biên của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) khai báo tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)

Bản án phù hợp với hành vi, mức độ phạm tội

Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án, đã có 3 bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn của Công ty Trung Dũng). Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng đã làm đơn kháng cáo kêu oan; hai vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu và lời khai tại phiên phúc thẩm, Tòa phúc thẩm bác kháng cáo của cả 3 bị cáo vì cho rằng mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm dành cho các bị cáo đã xem xét đúng vai trò, mức độ phạm tội của các bị cáo.

Theo đó, Tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Dũng 12 năm tù; Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù và Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm tù cùng vì tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Theo Tòa phúc thẩm, hình phạt 12 năm tù mà Tòa sơ thẩm tuyên đối với bị cáo Đinh Văn Dũng là không nặng, phù hợp với hành vi, mức độ phạm tội và số tiền rất lớn mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn có văn bản cam kết, trong vòng 36 tháng sẽ nộp cho BIDV tiền để khắc phục hậu quả, nhưng hiện tại bị cáo mới nộp được 100 triệu đồng. Số tiền này quá nhỏ so với số tiền 260 tỷ đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt. Do đó, kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn không được chấp nhận.

Giải tỏa việc kê biên 1 căn nhà do vợ ông Trần Bắc Hà đứng tên

Trong phiên phúc thẩm, Tòa án triệu tập bà Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) với tư cách là người thừa kế quyền và nghĩa vụ về việc kháng cáo của mẹ đẻ là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Hà, đã mất).

Trình bày tại tòa, bà Trần Lan Phương không đồng tình với một số nội dung trong bản án sơ thẩm đề cập đến việc phong tỏa, kê biên tài sản liên quan đến ông Trần Bắc Hà. Trong số những tài sản mà cơ quan tố tụng xác định cùng đứng tên sở hữu của ông Hà và bà Lan, chị Trần Lan Phương cho rằng có 2 bất động sản ở Quận 3 và TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) là tài sản riêng của bà Lan, đề nghị tòa không kê biên.

Theo Tòa phúc thẩm, bất động sản ở số 60A đường Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3 và tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) là tài sản của bà Ngô Kim Lan hình thành trong hôn nhân với ông Trần Bắc Hà, trước khi ông Hà phạm pháp. Hiện bà Lan đã mất, có 2 người con thừa kế tài sản là Trần Duy Tùng và chị Trần Lan Phương. Hiện Tùng đã bỏ trốn, đang bị truy nã.

Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu, Tòa phúc thẩm cho rằng có căn cứ để chấp nhận 1 phần kháng cáo đối với bà Phương Lan. Do đó, Tòa tuyên giải tỏa việc kê biên bất động sản tại số 60A đường Bà Huyện Thanh Quan, Phường 7, Quận 3 (TP.Hồ Chí Minh) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cấp ngày 19/9/2017 cho bà Ngô Kim Lan.

Gây thiệt hại lớn cho ngân hàng BIDV

Về diễn biến của vụ án, ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV, đã tử vong) là người trực tiếp chỉ đạo, gây sức ép với cấp dưới cho các Công ty Bình Hà và Trung Dũng vay, dẫn đến thiệt hại.

Cụ thể, vào năm 2015, ông Trần Bắc Hà trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Dự án dự kiến có quy mô 150.000 con bò/năm, tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỉ đồng, thời hạn hoạt động dự án 50 năm.

Ông Hà giới thiệu hai nhà đầu tư, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú, đồng thời cam kết BIDV sẽ tạo điều kiện về vốn với dự án. Công ty An Phú do con trai ông Hà là Trần Duy Tùng làm Tổng Giám đốc.

Do con trai ông Trần Bắc Hà làm Tổng Giám đốc Công ty An Phú nên theo quy định, BIDV không được cấp vốn cho công ty này. Ông Hà chủ trương thành lập Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) gồm 3 cổ đông, trong đó có Đinh Văn Dũng.

Trên thực tế, Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) là người chỉ đạo điều hành mọi việc. Hiện Trần Duy Tùng đang bị điều tra nhưng đã bỏ trốn.

Đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền bán bò của bị cáo Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) và đồng phạm, theo quy định, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ.

Do không có tiền góp vốn, theo chỉ đạo của con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng, bị cáo Đinh Văn Dũng và các bị cáo khác đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để ngân hàng tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác.

Bị cáo Đinh Văn Dũng phải chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền chiếm đoạt 23,5 tỷ đồng mà Công ty Hantechco thu tiền bán bò sau đó chuyển vào tài khoản của cổ đông và chịu trách nhiệm cá nhân về số tiền 11 tỷ đồng Dũng đã dùng để góp vốn vào Công ty Bình Hà.

Còn vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn đã thống nhất dùng thủ đoạn gian dối, mua bán số phôi thép và thép phế lòng vòng, bán tài sản bảo đảm của BIDV cho những công ty khác không đúng đối tượng và khi chưa được sự đồng ý của BIDV. Các bị cáo đã không chuyển tiền bán hàng về tài khoản do BIDV quản lý mà sử dụng vào mục đích cá nhân khác, chiếm đoạt của BIDV số tiền 263 tỷ đồng, dẫn đến BIDV không thu hồi được khoản vay, đến nay không có khả năng bồi thường, khắc phục hậu quả.

Trước đó, bản án sơ thẩm xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Bình Hà gây thiệt hại 799 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng gây thiệt hại 865 tỷ đồng cho BIDV.

Cụ thể, trong quá trình giải ngân cho Công ty Bình Hà vay vốn, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV... Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng.

Đối với Công ty Trung Dũng, trong quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), các bị cáo: Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.

Đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang