(CATP) Ngày 17/5/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1%/năm. Cụ thể, giảm 0,5%/năm lãi suất tái cấp vốn, giảm 1%/năm mức lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), giảm 1,0%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Các giải pháp
Để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, thời gian qua NHNN đã điều hành và kết hợp đồng bộ nhiều công cụ, giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) để triển khai định hướng này. Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Theo đó, NHNN liên tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá (GTCG) với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT, đảm bảo thanh khoản cho các TCTD luôn trong trạng thái dư thừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán của nền kinh tế.
Từ ngày 10/3/2023, để thực hiện mục tiêu tăng cung tiền, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tăng khối lượng và kéo dài kỳ hạn chào mua GTCG hàng ngày để phát tín hiệu sẵn sàng cung ứng vốn cho thị trường tiền tệ. Với việc điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở và sẵn sàng cung ứng thanh khoản kết hợp với việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất chào mua GTCG từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm (từ ngày 15/3/2023) và giảm xuống 5,0%/năm (từ ngày 03/4/2023), vốn khả dụng của các TCTD được bảo đảm và thường trong tình trạng dư thừa (số dư tiền gửi của hệ thống TCTD tại NHNN liên tục vượt số dư dự trữ bắt buộc).
Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo cao, diễn biến lạm phát quốc tế vẫn khó lường. Tuy nhiên, trong nước, lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn; thanh khoản các TCTD dư thừa, mọi nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá ổn định, lãi suất thị trường có xu hướng giảm.
Giảm lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS
Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các NHTM khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các NHTM khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022). Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vì sao lãi suất cho vay còn cao?
Hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Sau dịch Covid-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167 ngàn tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao.
Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống), nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước.
Áp lực trong và ngoài nước, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt CSTT và duy trì lãi suất ở mức cao. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong nước (lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%). Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên TCTD khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của TCTD ở mức cao. Huy động vốn đến ngày 27-4-2023 tăng 1,78%, chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN mới ban hành ngày 23/4/2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn tức là TCTD chưa thu nợ khi đến hạn trong khi TCTD vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất. Hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế... một số NHTM quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
Theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc TCTD điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, hoặc TCTD chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà TCTD và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì TCTD tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng.