(CATP) Liên quan vụ Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản (Eximbank AMC) thuộc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gửi thông báo yêu cầu khách hàng P.H.A (ngụ Quảng Ninh) trả nợ quá hạn (gốc và lãi) đối với nợ quá hạn thẻ tín dụng (TTD) lên tới hơn 8,83 tỷ đồng, trong khi nợ gốc chỉ hơn 8,5 triệu đồng, chúng tôi nhận được thông tin không chỉ riêng Eximbank có cách tính “lãi chồng lãi” tùy tiện như vậy. Trong khi hiện nay, pháp luật nước ta ràng buộc rất chặt chẽ về mức lãi suất cho vay nhằm ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
XÀI THẺ TÍN DỤNG 1 TRIỆU ĐỒNG, PHẢI TRẢ NỢ QUÁ HẠN GẤP 10!
Khi dư luận đang ồn ào về vụ khách hàng P.H.A ở tỉnh Quảng Ninh bị phía Eximbank gửi thông báo đòi khoản nợ TTD quá hạn lên đến hơn 8,83 tỷ đồng, chúng tôi được biết có một ngân hàng (NH) khác cũng từng thu nợ quá hạn của khách hàng với lãi quá hạn cao ngất ngưỡng cho 2 năm khách quên trả tiền nợ TTD. Trao đổi với chúng tôi, một đồng nghiệp cho biết từng rơi vào trường hợp tương tự khách hàng P.H.A. Trước đây, chị này cũng từng mở TTD của một NH trên địa bàn TPHCM. Sau đó, chị quẹt thẻ thanh toán mua hàng, nhưng sơ ý không kiểm tra và thanh toán nợ thẻ. Thời gian này, chị đổi số điện thoại nên không nhận được thông báo về khoản nợ quá hạn và việc khóa TTD từ phía NH. Bẵng đi hai năm sau, đồng nghiệp trên có việc liên hệ với NH và được biết phải đối mặt với khoản nợ TTD quá hạn tính đến thời điểm đó là hơn 10 triệu đồng. Tính trung bình lãi suất khoản nợ quá hạn 1 triệu đồng bị NH áp mức lãi suất khoảng 450%/năm! Dù nhận thấy cách tính lãi suất của NH là bất hợp lý, nhưng vị khách này đã “dĩ hòa vi quý”, chấp nhận đóng tiền để thoát cảnh bị liệt vào diện có “nợ xấu”.
Như bài kỳ trước chúng tôi đã thông tin, cách tính lãi suất như trên là không đúng quy định của NHNN Việt Nam về mức lãi suất tối đa đối với nợ quá hạn (150% mức lãi suất ngay trước thời điểm khoản nợ trở thành nợ quá hạn). Đặc biệt, khi nợ đã trở thành nợ quá hạn thì chỉ được thu lãi suất nợ quá hạn, không được áp thêm các mức lãi chậm trả hay lãi phạt (áp dụng với trường hợp khi NH đồng ý cơ cấu lại khoản nợ quá hạn của khách hàng). Việc tính “lãi chồng lãi” mà dân gian thường gọi là “lãi mẹ đẻ lãi con” có dấu hiệu của hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Rõ ràng việc NH tính lãi suất cao ngất ngưởng đối với TTD có nợ quá hạn không hải là cá biệt.
Để tránh rắc rối xảy ra, khách hàng vay vốn và sử dụng thẻ tín dụng nên chú ý theo dõi khoản nợ để trả đúng hạn.
“HAI BÊN THỎA THUẬN” CHƯA CHẮC ĐÃ HỢP PHÁP
Do tín dụng là một hoạt động đặc biệt của ngành NH nên pháp luật nước ta quy định về lĩnh vực này rất nghiêm ngặt. Điều này để bảo đảm an ninh tiền tệ, bảo vệ quan hệ vay tiền của cá nhân và tổ chức được thuận lợi, phù hợp và nhất là không bị phía cho vay (như NH) lạm dụng để tính mức lãi suất và các chi phí khác vượt quá mức quy định của Nhà nước.
Có một điều mà nhiều người nhầm lẫn khi xem xét về quan hệ tín dụng giữa Eximbank và khách hàng P.H.A. Theo Eximbank, về phương thức tính lãi, phí là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013, có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank). Nhiều người cho rằng, mức lãi suất và phương thức tính lãi của Eximbank dẫn đến số lãi kỷ lục đối với khách hàng P.H.A sau hơn 10 năm là do hai bên tự nguyện thỏa thuận và đồng ý, nên việc NH áp mức lãi suất cao ngất ngưởng đó là đúng luật.
Tuy nhiên, những người đó đã quên rằng, Điều 123 của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội” như sau: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Theo Khoản 3, Điều 132, BLDS năm 2015, thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với trường hợp quy định tại Điều 123 của Bộ luật này không bị hạn chế (không giới hạn là bao nhiêu năm). Xét thời điểm hợp đồng TTD của khách hàng P.H.A cho đến thời điểm NH đơn phương chấm dứt hợp đồng thì BLDS năm 2005 đang có hiệu lực, Điều 128 của Luật này quy định tương tự như Điều 123 của BLDS năm 2015.
Ở nước ta, không có quy định của pháp luật nào lại cho phép NH tính lãi suất theo kiểu “lãi chồng lãi” như vụ khách hàng P.H.A mà chúng tôi đã phân tích trong bài trước. Cho nên nếu Eximbank có đủ chứng cứ chứng minh là đã có thỏa thuận với khách hàng P.H.A và có chữ ký của khách hàng này về lãi suất cũng như phương pháp tính lãi suất “lãi chồng lãi” thì hợp đồng mở TTD đó vẫn vô hiệu ngay từ khi hai bên ký hợp đồng.
Mặt khác, nhiều người còn nhầm lẫn về thời hạn thực hiện hợp đồng. Đối với TTD, phía NH giao kết có nghĩa vụ cung ứng số tiền theo định mức hợp đồng cho khách hàng tiêu xài trong một thời gian nhất định. TTD thường có giá trị khoảng 2 - 3 năm, thời hạn có giá trị in trên thẻ. Khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ (chậm nộp tiền hoặc không nộp tiền) và NH bắt đầu đơn phương thực hiện quyền của họ là chấm dứt hợp đồng bằng cách “khóa thẻ”, khách hàng không còn được cung cấp tiền để tiêu xài qua thẻ nữa. Lúc này, hợp đồng TTD đã chấm dứt chưa? Chưa. Vì nếu sau đó giữa khách hàng và NH có thỏa thuận về việc trả khoản nợ định kỳ, lãi suất chậm trả, tiền phạt..., khách nộp số tiền đó và NH “mở thẻ” tiếp tục cung cấp tiền để khách hàng tiêu xài thì hợp đồng tiếp tục được thực hiện.
Nhưng đến khi khách hàng không trả nợ quá một thời hạn nhất định, mà giữa hai bên không thỏa thuận giải quyết việc trả nợ - thu nợ thì NH đơn phương chấm dứt hợp đồng TTD, “chốt” lại các khoản nợ gốc, lãi, tiền phạt, phí chưa nộp, liệt khoản vay TTD này vào diện nợ quá hạn và thông báo đến khách hàng. Thời điểm đưa khoản nợ TTD vào diện nợ quá hạn này được xem là thời điểm chấm dứt hợp đồng. Mọi việc sau đó được giải quyết theo quy định của pháp luật liên quan về hậu quả của hợp đồng tín dụng. Nếu khách hàng không trả nợ, phía NH có quyền kiện ra tòa để đòi nợ và khách hàng bị liệt kê vào nhóm khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).
Vậy tại sao phía NH không kiện khách hàng ra tòa mà đòi nợ và liên tục áp lãi suất tăng cao chất ngất theo từng năm tiếp theo?
THỜI HIỆU NGÂN HÀNG KHỞI KIỆN ĐÒI NỢ ĐÃ HẾT
Hiện nay, đối với các hợp đồng được phát sinh trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì theo Điểm d, Khoản 1, Điều 688 của BLDS năm 2015, thời hiệu được áp dụng theo quy định của BLDS năm 2015. Điều 427 của BLDS năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm. Tuy nhiên, hiện nay được kéo dài hơn, cụ thể là thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Căn cứ các quy định trên, giả sử hợp đồng TTD giữa Eximbank và khách hàng P.H.A đúng luật và khách hàng không trả khoản nợ quá hạn mà mình sử dụng thì NH có quyền kiện khách hàng ra tòa để yêu cầu khách hàng trả nợ quá hạn. Nhưng với vụ việc trên thì đã hết thời hiệu mà NH không khởi kiện khách hàng ra tòa. Theo một số luật sư, do quá thời hiệu khởi kiện đòi khoản nợ quá hạn nên phía NH chỉ còn cách kiện khách hàng ra tòa để đòi lại số vốn gốc đã cho vay.
Điều 468 BLDS năm 2015 quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận:
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại Khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.