(CAO) Với tỷ lệ người sử dụng Internet thuộc top đầu thế giới tính theo quy mô dân số với 84% người sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của một cuộc cách mạng số. Trong đó, dịch vụ ngân hàng cũng không thể đứng ngoài cuộc trước làn sóng công nghệ này.
Do đó, Ban lãnh đạo của Vietbank đã có định hướng chiến lược rõ ràng và nhất quán trong việc tập trung phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhằm nhanh chóng bắt kịp và tận dụng xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành ngân hàng.
Sự phát triển của ngân hàng số cần một kế hoạch dài hơi
Theo ông Hồ Phan Hải Triều – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối ngân hàng số của Vietbank cho biết “Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay vẫn cần một kế hoạch dài hạn. Bởi hiện tại còn một số lượng lớn khách hàng vẫn quen sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các kênh dịch vụ truyền thống nên Vietbank đã lựa chọn phương án đầu tư phát triển cho ngân hàng số song song với việc số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, tiến tới định hướng khách hàng chuyển sang dịch vụ không dùng tiền mặt”.
“Trong đó, trọng tâm chính mà Vietbank đặt trọng tâm là đầu tư phát triển bộ máy nhân sự có chuyên môn vững chắc về công nghệ để vận hành hệ thống hiện đại của ngân hàng số Vietbank một cách an toàn và hiệu quả. Kết hợp với đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Triều nhấn mạnh.
Xác định chiến lược đầu tư cho con người là yếu tố quyết định thành công của chiến lược ngân hàng số trong tương lai. Vietbank đã tiến hành thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức và nhân sự phục vụ cho chiến lược ngân hàng số.
Do đó, song song với việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, Vietbank đã thành lập Khối Dịch vụ Ngân hàng số với đội ngũ nhân sự có chuyên môn tốt, được đào tạo và cập nhật các kiến thức công nghệ hiện đại, chuyên trách phát triển, vận hành các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu về công nghệ, bảo mật, tốc độ triển khai sản phẩm dịch vụ ra thị trường.
Đầu tư về khoa học công nghệ
Đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng công nghệ thông qua ba mũi nhọn chính gồm: thay thế mới toàn bộ hệ thống phần mềm ngân hàng lõi corebanking của Finastra, đầu tư mới toàn bộ hệ thống lõi cho Thẻ của Cardzone, chuẩn bị thay thế Internet banking bằng hệ thống DC (digital channel) mới.
Đồng thời ngân hàng đã đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn trong nước và quốc tế như: Finastra, CISCO, VNPAY,… nhằm mang đến những ứng dụng tích hợp các chức năng, tiện ích đa dạng, phong phú cho khách hàng.
Chiến lược kết hợp sức mạnh công nghệ của các đối tác, đặc biệt trong đó có các công ty công nghệ tài chính (Fintech) giúp Vietbank có các giải pháp công nghệ thông minh phục vụ khách hàng như: tổng đài thông minh xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC), ứng dụng thanh toán QR code trên điện thoại thông minh, thanh toán bằng thẻ phi tiếp xúc (contactless)
Chú trọng phát triển nhanh về khoa học công nghệ nhưng yếu tố bảo mật cũng luôn được Vietbank đặt lên hàng đầu bằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật PCI – DSS trong thanh toán thẻ, hỗ trợ chứng thứ số CA, Soft token cho các giao dịch tài chính trên các kênh ngân hàng số nhằm đem đến sự an tâm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số của Vietbank
Số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống
Đẩy mạnh số hóa các dịch vụ ngân hàng truyền thống, đưa các sản phẩm truyền thống như mở tài khoản, gửi, rút tiết kiệm, vay tiêu dùng, lên các kênh ngân hàng số đồng nhất (Mobile banking, Internet banking, website,…); rút ngắn các quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ ngân hàng hướng tới mục tiêu nâng cao trải nghiệm của khách hàng một cách tiện lợi và thỏa mái. Mang đến các tiện ích tối ưu, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho khách hàng.
Chú trọng mở rộng hệ sinh thái cho các sản phẩm dịch vụ của Vietbank thông qua các kết nối với các trường học, bệnh viện, các khu căn hộ, các hệ thống thanh toán giao thông công cộng, đem lại tiện ích tất cả trong 1 khi khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số của Vietbank.