Chứng khoán ngày 30-3: Hiệu ứng VNM

Thứ Tư, 30/03/2016 17:41  | Sơn Dương

|

(CAO) Sau phiên lao dốc mạnh hôm qua, một số blue-chips đã gượng dậy, thị trường đã ổn định, cân bằng hơn. Lần lượt là VIC, VCB vào buổi sáng và đặc biệt là VNM buổi chiều đã tạo lực đẩy để VN-Index gượng dậy.

Hai cổ phiếu có mức vốn hoá cao VIC tăng tiếp 0,43%; VCB phục hồi 0,24% sau phiên giảm. Ngoài ra phải kể đến sự ổn định ở VNM, MSN, BVH và một số cổ phiếu khác như MBB, HPG, FPT, SSI, là những cổ phiếu trụ được tham chiếu.

Các cổ phiếu dầu khí vẫn chưa thể hồi phục và tiếp tục đà giảm GAS giảm 1,15%, PVD cũng giảm 1,23%.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 30-3, VN-Index giảm 0,32 điểm (-0,06%), xuống 567,96 điểm với 85 mã tăng,107 mã giảm.

Trong khi đó, HNX bị tác động nhiều hơn khi một loạt trụ như ACB giảm 1,08%, KLS giảm 3,66%, NTP giảm 0,74%, PVC giảm 0,73% và PCG giảm 1,27%; SHB, PVS đứng tham chiếu.

Kết phiên sáng, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,3%), xuống 79,55 điểm với 68 mã tăng và 94 mã giảm

Tổng giá trị khớp lệnh thị trường phiên sáng chỉ đạt 1.152,8 tỷ đồng, giảm gần 18% so với sáng hôm qua.

VN-Index đạt được mặt bằng điểm số tích cực hơn so với phiên sáng nhưng vẫn dừng bước trước ngưỡng 570 điểm. Ảnh Tvsi

Trong khi VIC, VCB đã hết đà sau buổi sáng đóng vài trò trụ thì chiều nay VNM tăng 2 bước giá, đóng cửa trên tham chiếu 1,49%, kéo VN-Index lên mặt bằng điểm số mới cao hơn so với phiên sáng.

Một số cổ phiếu vốn hoá khá lớn như CTG, STB, SSI, ITA, FPT tăng nhẹ. Các cổ phiếu khác như MSN, GAS, BID đứng im so với phiên sáng. Trong khi đó BVH giảm 0,96%, xuống 51.500 đồng, HPG giảm 1%, xuống 29.500 đồng. Đây là nguyên nhân chính làm VN-Index không giữ được mốc 570 điểm.

Kết thúc phiên 30-3, VN-Index tăng 1,63 điểm (+0,29%), lên 569,91 điểm với 123 mã tăng và 97 mã giảm.  

Cổ phiếu lớn nhất HNX là ACB bất ngờ giảm mạnh từ 18.300 đồng cuối phiên sáng còn 17.700 đồng. Cổ phiếu này kéo mạnh chỉ số HNX giảm 0,39%.

Kết thúc phiên ngày hôm nay, HXN-Index giảm 0,31 điểm (-0,39%), xuống còn 79,48 điểm với 116 mã tăng, 82 mã giảm.

VCSC phân tích CTCP Gemadept (GMD)​:

Tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ cảng Nam Hải - Đình Vũ và các trung tâm phân phối mới

VCSC Research điều chỉnh giả định tăng 4,5% giá mục tiêu dành cho GMD và giữ khuyến nghị MUA.

- Hiệu suất hoạt động cao giúp doanh thu từ cảng biển tăng mạnh 55%, đạt 100% dự báo của chúng tôi, qua đó kích thích tăng trưởng tổng doanh thu và biên lợi nhuận gộp. Tổng doanh thu tăng 18,9% trong khi biên lợi nhuận gộp tăng lên 92% nhờ hiệu suất hoạt động đột biến tại cảng Nam Hải – Đình Vũ, khiến LNST tăng mạnh 475% so với năm 2014, đạt 99% dự báo của VCSC.

- Năm 2016, cảng Nam Hải – Đình Vũ sẽ tiếp tục giúp GMD tận dụng cơ hội của ngành khi mà lưu lượng vận tải container tại miền Bắc hứa hẹn tiếp tục bùng nổ. Cảng Nam Hải – Đình Vũ sẽ sớm nâng công suất thiết kế lên 600.000-650.000TEU nhờ việc hoàn thành cụm logistics Nam Hải vao cuối quý 2. Điều này sẽ cho phép công ty tận dụng đà tăng trưởng mạnh về bốc xếp hàng hóa qua khu vực cảng Hải Phòng. Nam Hải – Đình Vũ, cùng với VIP-Green, sẽ nhiều khả năng giành được thị phần từ các cảng thượng nguồn sông Cấm, hiện đang bị ảnh hưởng do việc xây dựng cầu Bạch Đằng.

- Việc đẩy mạnh hoạt động các trung tâm phân phối mới sẽ kích thích tăng trưởng mạnh các dịch vụ liên quan trong toàn bộ chuỗi giá trị logistics. Các trung tâm phân phối mới dự báo sẽ hoạt động với công suất 70%-100%, cao hơn so với mức 50%-60% năm 2015, trong khi trung tâm logistics Hậu Giang dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng tám năm nay. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu các dịch vụ logistics như vận tải bằng xe tải, phà, và giao nhận.

- GMD có triển vọng tăng trưởng mạnh và vị thế dẫn đầu thị trường nên định giá cao hơn các công ty logistics khác. Tại mức giá hiện nay, 39.800VND, GMD hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 1 năm là 10,7 lần trên cơ sở EPS pha loãng, thấp so với mức trung bình ngành là 11,5 lần. VCSC đánh giá GMD có thể giao dịch ở mức P/E cao hơn 10% so với các công ty cùng ngành vì: (1) GMD là công ty logistic và điều hành cảng duy nhất tại Việt Nam liên tục có các dự án mở rộng công suất lớn từ cảng đến kho bãi. Các đối thủ như DPV và CLL không còn nhiều khả năng tăng trưởng trong trung hạn; (2) GMD, và sau đó là TMS, là các công ty duy nhất tại Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ 3PL, dự kiến sẽ tăng mạnh tại Việt trong những năm tới khi chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang