Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị đinh 24 để đề xuất biện pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thông tin nêu trên được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/6, sau những câu hỏi liên quan đến đề xuất gần đây về việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội Vàng Việt Nam.
“Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những quan điểm để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng, trước khi đưa ra các biện pháp quản lý theo đúng chủ trương của Chính phủ”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đề xuất lập sàn vàng quốc gia đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc, xem xét. Ảnh: BullionStreet
“Tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nền nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân”, người phát ngôn của Chính phủ nói thêm.
Cũng theo ông Dũng, sau 4 năm Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, đến nay thị trường đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Nhu cầu về vàng miếng đang ngày càng giảm.
Đại diện Chính phủ cũng cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, qua đó đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới. “Mục tiêu vẫn là tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Trước đó, việc huy động lượng vàng còn tồn trong dân lại được "xới" lên khi Hiệp hội vàng Việt Nam tiếp tục kiến nghị Thống đốc xem xét cho lập Sàn vàng quốc gia. Đặc biệt, trong thời điểm nền kinh tế đang "khát" vốn thì việc huy động bất kỳ nguồn lực nào vào nền kinh tế cũng được đánh giá là cần thiết.
Tuy nhiên, khi đề xuất này cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện từ các nhà phân tích, chuyên gia kinh tế. Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) nói thẳng, việc thành lập sàn vàng là khó khả thi.
Theo ông, thói quen lâu nay của người dân là tích lũy tài sản, thường là mua vàng cất giữ, động cơ nắm giữ chủ yếu mang tính dài hạn để bảo toàn tài sản, như một thứ của để dành. Với những người có thói quen này, để giao dịch trên sàn vàng là rất khó. Những đối tượng có thể tham gia sàn vàng có lẽ chủ yếu sẽ là giới đầu cơ hoặc những người có ít tiền nhàn dỗi, buôn bán nhỏ tranh thủ lướt sóng.
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/xem-xet-de-xuat-lap-san-vang-quoc-gia-3413355.html
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress)