Mỹ phẩm nhái đang 'giết' người tiêu dùng

Thứ Sáu, 26/06/2015 15:39  | Song Ngọc

|

(CATP) Thời gian qua, hàng loạt trường hợp bị tai biến do sử dụng mỹ phẩm nhái, không rõ nguồn gốc khiến không ít người phải nhập viện, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài việc mỹ phẩm kém chất lượng khiến người tiêu dùng hoang mang, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng “méo mặt” vì hàng giả gây thiệt hại không nhỏ.

GẶP HỌA VÌ MỸ PHẨM DỎM

Chị M.H (ở Bình Dương) mua mỹ phẩm mủ trôm hiệu VT B1,B2 có chức năng dưỡng da ban ngày và ban đêm giá 160 ngàn đồng/hộp, dù giá niêm yết là 220 ngàn. Chỉ mới sử dụng ngày đầu, da mặt của chị đã xuất hiện các đốm đỏ, kèm theo cảm giác bỏng rát, sang đến ngày thứ ba thì sưng tấy đến nỗi mắt không thể mở ra được, buộc phải đến bệnh viện.

Kết quả, chị M.H bị bỏng da do sử dụng mỹ phẩm có hàm lượng corticoid quá lớn gây phản ứng. Khi nạn nhân đến công ty sản xuất loại mỹ phẩm này khiếu nại, chủ cơ sở đã đề nghị cơ quan chức năng can thiệp. Qua kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hóa đơn, chủ cửa hàng không biết nhà cung cấp do đặt hàng qua... điện thoại!

Thêm trường hợp gặp họa vì mỹ phẩm giả là chị Y.N (ngụ TPHCM), bắt đầu sử dụng sản phẩm trị nám hiệu D.M.P do người quen giới thiệu với giá gần 800 ngàn đồng/hộp. Ngay ngày đầu sử dụng, da chị đã có cảm giác ngứa, sau đó bỏng rát, sưng tấy. Đến bác sĩ khám, chị bàng hoàng khi biết mình bị viêm da dị ứng khá nặng, phải điều trị nhiều lần mới thuyên giảm.

Điều đáng nói, khi đến cơ sở sản xuất khiếu nại, chị Y.N chỉ nhận được những lời hứa. Càng bất ngờ hơn khi sản phẩm chị sử dụng từng bị Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đề nghị thu hồi, tiêu hủy cùng 16 sản phẩm khác do một công ty sản xuất.

Theo thống kê của Chi cục quản lý thị trường TPHCM, năm 2014 cơ quan này phát hiện 281 vụ hàng nhái, hàng dỏm, đa phần tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có mỹ phẩm.

Sự việc mỹ phẩm không đảm bảo an toàn càng trở nên “nóng” khi mới đây, Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành trên toàn quốc hơn 50 loại mỹ phẩm của Công ty TNHH sản xuất thương mại XNK Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương), do không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất mỹ phẩm

Trước đó, chính công ty này nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Lần thứ nhất vào tháng 5-2014, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi kiểm tra đã ra quyết định phạt 20 triệu đồng do cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất sản phẩm xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang chính hiệu đã được bảo hộ của Công ty cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú, đồng thời buộc phía Tân Đại Dương chấm dứt sản xuất và thu hồi toàn bộ sản phẩm vi phạm.

Mặc dù vậy, các nhãn hàng nhái mủ trôm Sắc Ngọc Khang vẫn được bày bán ở các chợ, cửa hàng tạp hóa. Tháng 8-2014, công ty này tiếp tục bị kiểm tra, xử phạt lỗi tương tự.

Theo ông Ngô Bách Phong - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - làm đẹp là nhu cầu của con người, tuy nhiên sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường (không xuất xứ, không qua đại lý chính thức), kể cả một số “hàng xách tay” thì quả là người tiêu dùng đang coi thường sức khỏe,â tính mạng của mình.

Do tâm lý ham rẻ, muốn nhanh đạt kết quả hoặc do sự lừa đối tinh vi của kẻ bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà hiện nay số nạn nhân vẫn ở mức cao.

Thống kê cho thấy mỹ phẩm gây dị ứng nhiều nhất là kem dưỡng da (chiếm 1/3 số ca dị ứng mỹ phẩm), tiếp đó là kem tổng hợp chiếm 22%, thuốc nhuộm là 20% và đến phấn trang điểm.

DOANH NGHIỆP “MÉO MẶT”

Theo ông Vũ Cao Thăng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú: “Thiệt hại do hàng nhái gây ra không thể đo đếm được, vì không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà quan trọng hơn, uy tín của thương hiệu cũng giảm sút. Hàng nhái kém chất lượng dễ làm khách hiểu nhầm là sản phẩm chính hiệu”.

Xây dựng niềm tin thương hiệu với khách hàng là quá trình vô cùng khó khăn, vất vả. Nhưng chỉ do hành vi vi phạm của một số DN mà phút chốc có thể khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm.

Đại diện Công ty Hoa Thiên Phú cũng cho biết thêm: “Đối phó với vấn nạn hàng nhái, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế hành vi vi phạm cũng như bảo vệ người tiêu dùng: chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt, chấm dứt sản xuất cũng như lưu hành những sản phẩm nhái kém chất lượng.

Đặc biệt, công ty áp dụng bộ tem kỹ thuật số hiện đại chống hàng nhái, hàng giả cho sản phẩm Sắc Ngọc Khang, Finomas,...

Khách hàng chỉ cần cào nhẹ lớp tráng bạc trên tem này lấy mã an ninh và soạn tin theo cú pháp: Mã an ninh gửi về Tổng đài 8077 là xác nhận được hàng chính hãng.

Hiện thương hiệu Sắc Ngọc Khang của Công ty Hoa Thiên Phú chỉ gồm ba nhãn hàng, gồm: Sắc Ngọc Khang (viên uống); kem Sắc Ngọc Khang và Sắc Ngọc Khang ++ (viên uống)”. Song Ngọc

Bình luận (0)

Lên đầu trang