(CATP) Hôm nay, 19-6-2015, tại khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) chính thức khánh thành Nhà máy chế biến thực phẩm Vissan Bắc Ninh, được xây dựng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP và GMP với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng. Nhân dịp này, PV Báo CATP đã có cuộc phỏng vấn ngắn ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan.
- PV: Thưa ông, Vissan là một thương hiệu mạnh, nhưng thời gian qua tại các tỉnh phía Bắc, sản phẩm của công ty vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều. Việc xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh có phải là chiến lược nhằm “chiếm lĩnh” thị trường nhiều tiềm năng này không?
+ Ông Văn Đức Mười: Là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty thương mại Sài Gòn (TMSG) - hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất chế biến lương thực thực phẩm và xuất khẩu, thời gian vừa qua với chiến lược phát huy ưu thế, liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên Tổng công ty TMSG đã hình thành và phát triển chuỗi giá trị cung ứng, trong đó có Vissan với thế mạnh là một trong những công ty
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan
hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực giết mổ gia súc, kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến.
Khu vực phía Bắc với quy mô dân số trên 32 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đang trong quá trình công nghiệp hóa, do đó nhu cầu về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến, ngày càng tăng về số lượng và đòi hỏi chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng được nâng lên.
Trước nhu cầu thị trường, Công ty đã xác định sứ mệnh bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng với chiến lược phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm từ nguồn nguyên liệu đến chế biến và phân phối nhằm có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó bảo đảm chất lượng một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, công ty sẽ phát triển hệ thống phân phối phù hợp với tính chất của kênh phân phối truyền thống, kênh phân phối hiện đại, kể cả các hình thức phân phối đến các vùng sâu, vùng xa để người dân có thể tiếp cận với các sản phẩm của công ty.
Phối cảnh nhà máy Vissan Hà Nội
- Hội nhập kinh tế giúp chúng ta có thêm nhiều cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vissan đã làm gì để thực hiện tốt cuộc vận động rất có ý nghĩa này, thưa ông?
+ Trước xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, mà trọng tâm năm 2015 là các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với EU, cộng đồng kinh tế ASEAN và tương lai là TPP..., đó chính là những cơ hội mới nhưng cũng là những thách thức cam go cho các doanh nghiệp trong nước.
Nhận thức được điều này, Tổng công ty TMSG và Công ty Vissan xác định cần nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị cung ứng, qua đó nâng sức cạnh tranh, tạo sự tin cậy của người tiêu dùng nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến đến công nghiệp hoá ngành thực phẩm cho sứ mệnh của mình trong bước đường phát triển đất nước vào năm 2020 theo hướng công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất xúc xích tự động hiện đại của Vissan
Qua nhiều cuộc khảo sát của công ty cho thấy thị trường Hà Nội và khu vực phía Bắc có tiềm năng phát triển lớn mạnh về sản lượng và yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng. Trước những mong đợi, tin tưởng và đòi hỏi của người tiêu dùng đối với thương hiệu thực phẩm Vissan, chúng tôi nhận thức trách nhiệm ấy.
Và để hiện thực chiến lược phát triển của mình, Tổng công ty TMSG đã đầu tư xây dựng mở rộng giai đoạn II Nhà máy chế biến thực phẩm Vissan tại khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh với tổng diện tích 5.000m2, gồm các hạng mục: phân xưởng sản xuất xúc xích tiệt trùng, đồ hộp, thịt nguội và các sản phẩm chế biến khác. Trạm xử lý nước thải công suất 150m3/ngày, hệ thống kho lạnh bảo quản nguyên liệu và thành phẩm. Quy trình sản xuất, tiêu chuẩn quản lý nhà máy thực hiện theo ISO, HACCP, GMP. Nhà máy có công suất thiết kế 20.000 tấn thực phẩm chế biến/năm.
Chúng tôi kỳ vọng việc hoàn thành, đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thực phẩm tại khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh là lời cam kết của Công ty Vissan trong việc phát triển thị trường phía Bắc và sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng và góp hiện nhiệm vụ hiện đại hóa nền công nghiệp của Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, với việc mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, công ty sẽ chủ động hơn trong việc chế biến thực phẩm theo khẩu vị riêng vùng miền, chủ động trong sản xuất, phân phối, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng tại các vùng sâu - vùng xa nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận với sản phẩm chất lượng cao và cũng là nhằm tiết giảm chi phí cho cung đường vận chuyển.
- Xin cảm ơn ông!