Tháng Tám về, nhớ bánh Trung thu

Thứ Bảy, 25/08/2018 10:18

|

(CAO) Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ngày nào góc phố Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu (Q1, TPHCM) cũng tỏa ngát hương thơm. Nơi đây có tiệm bánh nức tiếng của bà Như Lan. 

Dân Sài Gòn chánh hiệu gọi bánh Như Lan là một đặc sản khó thể pha lẫn của vùng đất này mỗi độ Thu về, bởi ngoài chất lượng hảo hạng có được, mỗi chiếc bánh còn đong đầy cả tấm lòng bao dung của một con người sống nặng tình với nghiệp, với đời…

Bà Như Lan có tên thật là Nguyễn Thị Dậu, năm nay đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” với mái tóc bạc phơ. Như Lan được biết đến là một doanh nhân góp công rất lớn làm rạng danh thương hiệu các loại bánh của Sài Gòn, nhưng lần nào gặp chúng tôi, bà vẫn giữ nguyên phong cách bình dân, gần gũi. Bà còn có tên gọi khác rất đời: Dì Gái.

Người Sài Gòn nhận xét, chiếc bánh Trung thu mà Dì Gái làm ra sau 50 năm vẫn giữ nguyên hương vị như thuở ban đầu. Vẫn là mùi thơm đặc trưng từ chiếc bánh nướng, vị béo ngậy của chiếc bánh dẻo và thấm đượm sự cần mẫn, trách nhiệm với khách hàng của người thợ làm bánh.

Từ một thương hiệu của Sài Gòn, nay bánh Như Lan đã vươn xa khắp trong và ngoài nước. Rồi cứ mỗi độ Thu về, người ta lại nhớ đến bánh Như Lan như một sự hoài niệm về chiếc bánh quê nhà.

Bà Như Lan hạnh phúc với sản phẩm do chính tay mình làm ra.

Con đường Hàm Nghi vừa lên đèn cũng là lúc những người thợ bên trong tiệm Như Lan bắt tay vào sản xuất những mẻ bánh Trung thu mới.

Tính đến nay, tiệm Như Lan đã cho ra lò không biết bao nhiêu mẻ bánh phục vụ cho Tết Trăng rằm suốt 50 năm qua. Xuyên suốt chặn đường ấy, chiếc bánh Trung thu Như Lan đã đem lại cho nhiều thế hệ người Sài Gòn những cảm xúc khó phai nhòa.

Bánh Trung thu Như Lan đã đem lại cho nhiều thế hệ người Sài Gòn những cảm xúc khó phai nhòa.

Hồi tưởng quá khứ, Dì Gái kể rằng bà bắt đầu công việc làm bánh từ những năm 70 của thế kỷ trước. Khởi nghiệp của hiệu bánh Như Lan nức tiếng ngày nay là một xe bánh mỳ không tên nằm lặng lẽ trên đường Lý Chính Thắng và Trường học Gia Long (nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai).

Vì quá mê hương vị của bánh mỳ Việt, Dì Gái quyết tâm mở cho mình một cửa hàng, bán riêng loại bánh do mình tự sản xuất, từ nguyên liệu đến công thức. Chẳng mấy chốc, bánh mỳ Như Lan dần trở thành một nét văn hoá ẩm thực rất riêng của đất Sài Gòn – Gia Định.

Khởi nghiệp của hiệu bánh Như Lan nức tiếng ngày nay vốn chỉ là một xe bán bánh mì

Sau này, Dì Gái tiếp tục mở một tiếm bánh ở đường Hàm Nghi (Q1). Kể từ đây, bà bắt đầu mày mò làm ra những chiếc bánh Trung thu mang đậm nét đặc trưng của thương hiệu do chính mình “đẻ” ra. Mẻ bánh đầu tiên ra lò ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của thị trường.

Từ đó đến nay, gần một đời người trôi qua, chiếc lò làm ra chiếc bánh Trung thu năm nào vẫn đều đặn đỏ lửa vào mùa Trăng rằm, với hương vị không thể phai lẫn.

Các nhân công trong tiệm bánh Như Lan đang sắp đặt bánh lên kệ.

Tâm sự với chúng tôi, Dì Gái nói rằng bánh Trung thu ở tiệm Như Lan làm ra ngoài mục đích kinh doanh, còn là niềm tự hào và trách nhiệm.

“Trách nhiệm là “rung chuông” báo hiệu mùa Trăng rằm tháng Tám đã đến. Còn tự hào ở chỗ người Nam bộ hoặc bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước, chỉ cần thấy bánh Như Lan là sẽ biết được Trung thu sắp về” – Dì Gái hồ hởi.

Những ngày này, ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân tìm tới để xếp hàng, chờ mua cho được những chiếc bánh mới ra lò của tiệm Như Lan. Bánh Như Lan có đặc điểm nhận dạng là vỏ bánh dạng hoa sen, 3 tầng, dễ phân biệt với các loại bánh khác.

Vỏ bánh bọc lấy lớp nhân, bánh nặng chắc, nhưng nhìn vẫn mềm mại, tròn trịa, sắc nét. Màu bánh vàng nâu đậm, bóng lưỡng, không rời rạc khi cắt, nhân bánh mềm, giữ đúng hương vị các thành phần. Bánh Trung thu Như Lan mang đậm hương vị Việt là ở chỗ đó.

Bánh của tiệm Như Lan đã trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Trung thu của người Sài Gòn.

Trong bối cảnh nhiều thương hiệu ẩm thực lớn của nước ngoài đang tìm đường len sâu vào thị trường Việt Nam, hiệu bánh Như Lan của Dì Gái vẫn giữ được “phong độ”, đứng vững trước cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Biết bao năm nay, tiệm bánh của bà luôn là địa chỉ đầu tiên mà người Sài Gòn hay rộng hơn là người dân khắp vùng Nam bộ nhắc tới mỗi khi cần đến một chiếc bánh Trung thu thắm đượm hương vị, nghĩa tình.

Tinh thần hăng say lao động được các nhân viên thừa hưởng lại từ bà Như Lan.

Có được sự tin yêu của bà con cho tới hôm nay, Dì Gái cho rằng thành công lâu bền của thương hiệu Như Lan đến từ sự chăm chút kỹ lưỡng trong từng sản phẩm bán ra. Bên cạnh đó, việc đề cao tinh thần lao động chân chính cũng là yếu tố quan trọng, đưa Như Lan từ một hiệu bánh truyền thống trở thành một đại diện của ẩm thực Sài Gòn.

“Lao động chân chính bằng trái tim và sự đam mê sẽ mang lại cho con người ta nhiều kết quả ngoài mong đợi. Có thể kết quả ấy không đến sớm nhưng một khi đạt được thì sẽ mãi bền vững, khó có gì lật đổ được. Tôi luôn nhắc nhở nhân viên của mình phải ý thức đến chất lượng của từng sản phẩm mang thương hiệu Như Lan. Chỉ có thế, chúng tôi mới có thể đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu ẩm thực của nước ngoài” – bà Như Lan bộc bạch.

Bánh Trung thu Như Lan đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi mùa trăng rằm tháng tám

Thú vị hơn, chúng tôi còn được các nhân viên tiệm bánh Như Lan kể, có lần dì Gái nghe người dân gọi đến, phản ánh bánh Như Lan ăn không đúng vị. Ngay lập tức, bà thuê xe ôm, vội vã mang một hộp bánh tìm tới nhà vị khách đó, tặng để anh này ăn thử. 

Ăn bánh xong, khách lại trầm trồ khen. Hỏi ra mới biết, hộp bánh mà vị khách ăn lúc đầu được bán ở vệ đường, nhái thương hiệu Như Lan. Thấy khách ăn ngon, hiểu được chất lượng của tiệm bánh, dì Gái lại thấy vui. 

Cũng là câu chuyện ứng xử với khách hàng, trong 3 năm qua, dù kinh tế khó khăn, vật giá, nguyên liệu tăng cao nhưng dì Gái vẫn quyết tâm giữ nguyên giá bán bánh - điều mà nhiều doanh nghiệp khác không thể làm được. Hỏi về sự "hy sinh" này, bà chậc lưỡi, nói gọn trơn: "Mình bớt một chút lời để người dân được ăn bánh Như Lan. Thấy người dân ở khắp nơi cầm bánh Trung thu ăn ngọn miệng là dì gái vui trong bụng rồi!"

Dù vật giá có thay đổi song bánh Như Lan vẫn được giữ nguyên giá ổn định

Có ở hiệu tiệm bánh Như Lan, được một lần trò chuyện với bà chủ tiệm, chúng tôi mới cảm nhận được ý chí, miềm đam mê, trách nhiệm và tâm huyết của những con người làm nên thương hiệu bánh của Sài Gòn.

Chính những điều ấy đã biến một xe bánh mì nhỏ năm nào trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường như ngày hôm nay. Nhắc đến Sài Gòn tháng Tám, phải nhắc đến bánh bà Như Lan!

Đoá hoa thiện nguyện giữa dòng ngược xuôi

Không những dốc sức vào phát triển chất lượng, thương hiệu của tiệm bánh, hằng năm Dì Gái vẫn đều đặn đồng hành cùng Báo CATP trong công tác từ thiện xã hội. Dì Gái nói, bà rất thương những phận đời bất hạnh, những miền quê nghèo còn khó khăn trên mọi miền đất nước. Và bà luôn thao thức khi nghĩ về họ.

Trong năm 2017 đầu năm 2018, thông qua Báo CATP, Dì Gái đã nhiều lần đóng góp hàng trăm triệu để xây nhà tình nghĩa và xây cầu cho người dân ở miền Tây Nam bộ. Chưa kể mỗi dịp Trung thu đến, hiệu bánh Như Lan luôn dành hàng ngàn chiếc bánh chất lượng để gửi tới tận tay trẻ em nghèo cả nước.

Tấm lòng nhân ái của bà, được nhiều bạn đọc phản hồi tích cực đến báo. “Tôi đọc Báo CATP hằng ngày và nhiều lần hay tin một miền quê nghèo nào đó được xây một cây cầu tình thương nhờ tấm lòng của bà chủ tiệm bánh Như Lan. Bà xứng đáng được gọi là “đoá hoa thiện nguyện” giữa dòng đời còn nhiều tất bật, người xuôi” – chị Huỳnh Minh Duyên (ngụ Q.Thủ Đức), đánh giá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang