(CATP) Từ đầu năm đến nay, dù giá xăng dầu liên tục giảm 4 lần liên tiếp nhưng giá hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngược lại, diễn biến giá cả hàng hóa cho thấy một nghịch lý, giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo. Nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá hàng hóa, dịch vụ, cước vận tải vẫn giữ nguyên… khiến giá cả thị trường đang hình thành mặt bằng khung giá mới. Thậm chí, một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng giá. Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả hàng hóa tăng "phi mã” đang ảnh hưởng trực tiếp vào nền kinh tế trong nước vì các hộ gia đình đang phải lo thắt chặt chi tiêu.
Giá vẫn tăng phi mã
Trong những ngày đầu tháng 8-2022, sau 4 lần giá xăng dầu được điều chỉnh giá theo xu hướng giảm nhưng giá cả trên thị trường vẫn đứng yên, thậm chí nhiều mặt hàng thiết yếu như mì gói, gia vị, thịt heo, trứng gia cầm... hiện vẫn không giảm mà còn có xu hướng tăng. Vì sao lại có nghịch lý như vậy? Đi tìm hiểu về đời sống của người công nhân, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Nhung (công nhân Công ty TNHH Kenjin Tech Việt Nam) cho biết, do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, khiến nhiều hàng hóa thiết yếu cũng bị "đội giá" theo khiến những bữa cơm của người công nhân vốn không dư dả, nay phải dè sẻn đến từng cọng rau.
Do cuộc sống khó khăn, nhiều người còn phải nói tạm biệt với những thói quen lối sống trước kia để tiết kiệm chi phí. Khi đi chợ, nhiều công nhân phải chi li từng đồng chi tiêu, cân nhắc kỹ càng hơn trong chi tiêu. Theo chị Nhung, không phải đến lúc khó khăn như lúc này, tôi mới tính toán tới chuyện dè sẻn chi tiêu, mà đó là thói quen từ trước. Nhưng đến thời điểm này, phải thắt chặt hơn nữa, cắt giảm hết mức, thậm chí phải chia từng lon gạo, mớ rau từng ngày. Bởi tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng hơn 2 tháng qua, chỉ còn khoảng 10 triệu đồng, thu nhập chỉ bằng gần 2/3 so với bình thường.
Để chủ động được cuộc sống của chính mình, chị phải tự thắt chặt chi tiêu, dè sẻn từng lon gạo, mớ rau để sống qua ngày. Với đồng lương đóng khung trong mức khoán, người lao động không chỉ vất vả nay càng lao đao hơn khi giá cả ngày một tăng cao. Họ phải "thắt lưng, buộc bụng", chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể. Ngoài những nhu cầu thiết yếu như: ăn, ở, đi lại... họ không dám mơ tưởng đến những nhu cầu giải trí, mua sắm cho bản thân.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn cũng như các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, nguồn cung các mặt hàng rau tươi, củ quả, thủy hải sản, thịt vẫn rất dồi dào, nhưng giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh. Nhiều mặt hàng thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn TP đã thiết lập mặt bằng giá mới và đang có chiều hướng tăng "phi mã”.
Giá các loại thực phẩm tại chợ truyền thống đang tăng "phi mã”
Anh hưởng đến nồi cơm gia đình
Hầu hết các bà nội trợ đều cho rằng, do giá xăng dầu tăng lên gấp đôi khiến mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường tăng theo đã ảnh hưởng trực tiếp đến "nồi cơm" của không ít gia đình. Không chỉ giá lương thực, thức phẩm tăng cao mà vào những ngày trung tuần tháng 7, giá các loại sữa phục vụ trẻ em bán trên thị trường cũng được điều chỉnh tăng từ 5-10%. Để đối phó với cơn "bão giá”, nhiều gia đình đang phải thắt chặt chi tiêu mới đủ tiền cho sinh hoạt hàng tháng. Thế nhưng điều khó hiểu là khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm xuống thì giá cả hàng hóa vẫn giữ nguyên hoặc tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Giang (giáo viên cấp 2 trên địa bàn quận 8) cho biết, làm nghề đã 15 năm, lương giáo viên của chị chỉ hơn 6,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chồng chị Giang làm cán bộ phường cũng chỉ có mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập của cả 2 vợ chồng chỉ hơn 10 triệu/tháng nhưng phải nuôi 2 con nhỏ, cộng thêm bố mẹ chồng nên mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào đồng lương. Trước đây giá hàng hóa thấp nên gia đình còn để dư được 1-2 triệu đồng/tháng. Nhưng nay giá cả tăng cao, nguồn thu lại không tăng nên đến tháng lại rơi vào cảnh hết tiền.
Mặt hàng thủy hải sản tăng giá cao
Được biết, mặt bằng thu nhập của người lao động trên địa bàn TP chỉ ở mức 6,5-10 triệu đồng/tháng nhưng khi vật giá leo thang, người lao động phải cố gắng tiết kiệm mới có thể trụ vững được ở thành phố. Hiện nay không chỉ đội ngũ giáo viên mà còn một đội ngũ công chức nhà nước đang công tác tại phường, xã, thị trấn, dân quân tự vệ, người lao động tự do... ở nhà thuê cũng đang phải đối diện với đời sống rất khó khăn.
Theo chị Giang, lương viên chức nhà nước đã không khá khẩm, tiền lương ít ỏi của hai vợ chồng nhưng phải gồng gánh đủ mọi chi phí nên đời sống trở nên ngột ngạt bao trùm lên cả gia đình. Trước đây mỗi ngày chị đi chợ hết 250-300 nghìn đồng nhưng nay từng bó rau, miếng thịt cái gì cũng tăng giá. Trong khi đó, thu nhập của người lao động không tăng. Để trụ lại TP, nhiều gia đình trẻ đã phải tính đến phương án gửi con về quê cho ông bà nuôi, vì không đủ tài chính nuôi con ở thành thị.
Cùng cảnh ngộ nói trong nỗi buồn, chị Lê Thị Thanh (ngụ quận 3) cho rằng, ngày trước các bà nội trợ cầm 500 nghìn đồng đi chợ là có thể mua thực phẩm đủ dùng cho cả nhà 5 người trong một ngày. Còn hiện nay, cũng với số tiền ấy các bà nội trợ không mua đủ thực phẩm cho một ngày. Vì vậy, để tiết kiệm chi tiêu, thay vì mua nhiều thực phẩm tươi sống như trước, chị Thanh đã tính toán chuyển sang mua rau, củ nhiều hơn và giảm số lượng cần mua. "Đối với mặt hàng nào tăng giá cao, tôi sẽ không mua và chuyển sang mua mặt hàng khác với giá rẻ hơn", chị Thanh chia sẻ.
Thịt heo tại các chợ đầu mối cũng tăng giá
Để kìm giữ giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, UBND TPHCM vừa có công văn chỉ đạo cho các sở, ban, ngành việc thực hiện các biện pháp bình ổn, kiềm chế tốc độ tăng giá. Các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ giữ giá bình ổn để giữ sức mua, đồng thời có thể chia sẻ khó khăn với người dân. Sở Công Thương có vai trò tham gia điều phối, dẫn dắt thị trường và giữ giá bình ổn phục vụ người dân.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay miễn giảm thuế đối với mặt hàng xăng, dầu sẽ là động thái tích cực để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Đây là chìa khóa then chốt nhằm giảm áp lực tăng giá lên các mặt hàng thiết yếu cũng như giảm hiệu ứng tăng giá dây chuyền đến các mặt hàng khác. Theo đó, nếu giảm được 50% thuế xăng dầu sẽ góp phần vào việc bình ổn thị trường cũng như tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.