Hậu Giang:

Một thương binh cầu cứu vì cho rằng bị đối xử không công bằng

Thứ Tư, 06/03/2019 10:59  | Thiện Thảo

|

(CAO) Bà Nguyễn Thị Phát (SN 1964) cùng chồng là ông Nguyễn Văn Nhiều (SN 1956, thương binh 3/4, ngụ ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) có đơn cầu cứu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra việc cơ quan chức năng Hậu Giang cấp phép bến phà cho ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh có nhiều dấu hiệu khuất tất.

Lùm xùm cấp phép bên phà

Vừa qua, ông Nhiều và bà Phát gửi đơn đến Báo Công an TP.HCM, nhờ giúp đỡ về việc ông bà khiếu nại quyết định của Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cấp giấy phép bến phà sai quy định.

Ông Nhiều cho biết, ông là thương binh ¾, mất sức lao động hơn 40%. Năm 2006, ông Nhiều thấy bãi đất trống cặp bờ sông nên xin chính quyền địa phương thuê mở bến phà đưa rước khách qua sông Hậu.

Bà Phát nhớ lại: “Gia đình tôi chạy ngược xuôi thực hiện đúng thủ tục để lập bến phà đưa rước khách từ ấp Phú Bình (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) sang ấp Phú Lợi (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long). Phía bên ấp Phú Lợi, tôi cũng thuê đất. Mấy năm trời đến nay nợ trả chưa hết. Bến đò ngang của tôi được cấp phép hoạt động, gia đình thực hiện đúng quy định của chính quyền địa phương”.

Đến năm 2011, vợ chồng bà Phát gởi đơn đến Sở GTVT tỉnh Hậu Giang xin được di dời bến phà về lộ số 03, ấp Phú Hưng, xã Đông Phú (cách bến cũ khoảng 700m) để thuận tiện cho công nhân KCN sông Hậu đi lại... Sở đã có nhiều văn bản trả lời cho bà Phát. Theo đó, đề nghị của bà không được chấp nhận bởi việc mở bến phà trong KCN không an toàn; mặc khác, KCN không có quy hoạch bến phà...

Vợ chồng bà Phát nhiều năm liền gởi đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết thỏa đáng
Bất ngờ, ngày 13-2-2019, vợ chồng bà Phát thấy một bến phà xuất hiện ngay tại vị trí mà mình đã bị từ chối cấp phép. Bến phà này do bà Nguyễn Thị Ao (ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) đứng tên và đã được Sở GTVT Hậu Giang cấp phép. Thời gian hoạt động từ 13-2-2019 đến 13-2-2020.
Trước đó ngày 25-8-2016, ông Nguyễn Tấn Hưng (SN 1957, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang) về hưu trước tuổi, hợp đồng mở bến khách ngang sông với bà bà Nguyễn Thị Ao (SN 1958, ngụ xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ). Ông Hưng ủy quyền cho bà Ao thực hiện các thủ tục mở bến đưa khách sang sông Hậu.
Mặc khác, ông Hưng có đơn gởi giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang xin cấp phép hoạt động bến phà tại KCN Sông Hậu để đưa rướt công nhân. Ngày 21-7-2017, ông Lê Thanh Việt, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang có văn bản thống nhất cho ông Nguyễn Tấn Hưng xây dựng bến khách sang sông tại vị trí đất của Công ty cổ phần MeKong Logistics để đưa rước công nhân trong KCN.

Lãnh đạo Sở GTVT nói gì?

Trước thông tin Sở GTVT tỉnh Hậu Giang ưu ái cho cán bộ, ông Lê Thanh Việt, Phó giám đốc Sở đã có văn bản gởi cơ quan báo chí. Theo đó, ông Việt cho rằng sở không có sự ưu ái, thiên vị hay gây khó cho bất kỳ ai. Bà Ao và ông Hưng thực hiện đầy đủ các văn bản xin cấp phép bến đò ngang phù hợp với quy hoạch bến khách ngang sông của tỉnh thì sở phài cấp phép.

Trường hợp bà Phát đã nhiều lần có đơn xin mở bến khách ngang sông nhưng không cung cấp hồ sơ theo quy định. Sở nhiều lần hướng dẫn bà Phát thực hiện hoàn chỉnh thủ tục nhưng bà Phát không thực hiện. Khi bến đò của bà Ao hoạt động, sở vẫn cấp phép bến đò của bà Phát. “Hiện nay, trên đoạn sông có hai bến đò với hai chủ khác nhau sẽ đảm bảo phục vụ người dân được liên tục và nâng cao chất lượng dịch vụ”, văn bản ghi.

Theo bà Phát, cách trả lời của sở chưa thuyết phục. Ban đầu ngày 9-11-2015, ông Võ Hoàng Khải, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang có văn bản trả lời bà Ao xin mở bến khách ngang sông trên sông Hậu thuộc ấp Phú Hưng (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang).

Văn bản trên cho rằng, tuyến sông Hậu đoạn qua địa bàn chiều dài khoảng 9km. Vị trí mà bà Ao xin mở bến cách vị trí của bà Phát khoảng 1.520m. Tuy nhiên, vị trí trên chưa phù hợp với vị trí được quy hoạch, nằm trong vùng nước cảng biển của Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang nên sở không chấp nhận.

Bà Ao hợp tác với ông Nguyễn Tấn Quang, em ruột của ông Hưng, sở cũng không chấp nhận. Đến khi bà Ao liên kết với ông Nguyễn Tấn Hưng thì hồ sơ được giải quyết.

Hai trong nhiều văn bản của Sở GTVT Hậu Giang không đồng ý cấp phép cho bà Ao.
Khi ông Hưng liên kết với bà Ao, sở giải quyết việc cấp phép.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nhiều cho biết: “Tôi là thương binh, mất sức lao động nhưng không được chính quyền địa phương hỗ trợ. Từ ngày bến phà bà Ao hoạt động, công nhân tập trung đi bến phà trên bởi ngay KCN. Bến phà của vợ chồng tôi ế ẩm, thu nhập thất thu. Tôi gởi đơn khiếu nại, các cơ quan ban ngành chuyển đơn về Sở GTVT tỉnh. Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra thì vụ việc mới được sáng tỏ”.

Bến phà của vợ chồng bà Phát trong tình trạng ế ẩm khi sở cấp phép hoạt động cho bà Ao

Lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cho biết, KCN Sông Hậu không có quy hoạch đầu tư bến khách. Hiện đất trong KCN, ban đã giao cho nhà đầu tư để triển khai thực hiện các dự án, do đó không có quy hoạch đầu tư bến khách ngang sông tại đây.

Bình luận (0)

Lên đầu trang