“Cười ra nước mắt” chuyện đền bù nhà cho hộ nghèo ở An Giang:

Địa phương và nhà thầu lên tiếng

Thứ Năm, 28/06/2018 12:39  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Ngày 7-4, CAO có bài phản ánh về việc nhiều hộ nghèo ở huyện Thoại Sơn (An Giang) chưa nhận được tiền hỗ trợ di dời, phải bỏ thêm tiền bù cho đơn vị thi công… Chiều ngày 27-6, UBND huyện Thoại Sơn và nhà thầu có ý kiến phản hồi.

Tại buổi làm việc có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Điệp, Phó chủ tịch UBND huyện Thọai Sơn cùng các đại diện như: Ủy ban mặt trận, Phòng Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), Kinh tế hạ tầng (KTHT), lãnh đạo UBND thị trấn, Công an và đơn vị thi công.

Ông Điệp cho biết, sau phản ánh của báo, lãnh đạo huyện và tỉnh rất quan tâm nên nhanh chóng chỉ đạo các ngành liên quan nắm tình hình, làm việc các bên có liên quan. Cụ thể tổng số nhà được hỗ trợ cho dân là 30 căn. Trong đó TT.Núi Sập 12 căn, TT. Óc Eo 17 căn và xã Vĩnh Phú 1 căn.

Trường hợp báo phản ánh 9 hộ dân lấn chiếm đất đình có nhà ở ấp Sơn Đông 1, TT.Núi Sập được chính quyền địa phương thông báo giải tỏa để mở rộng đình sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng tiền cất nhà và 50 triệu đồng tiền di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên sau khi cất xong nhà số tiền hỗ trợ di dời họ chưa nhận được.

Ông Điệp cho biết: “Sau khi nhà tài trợ cho nhà, địa phương có mời dân và qua trao đổi với họ nếu bà con đồng ý di dời trước sẽ được cất nhà và hỗ trợ tiền di dời.

Tuy nhiên phần tiền di dời có nói khi nào có sẽ chi trả chứ không xác định thời gian cụ thể. Thời điểm xây xong nhà gần Tết Nguyên đán nên việc xử lý ngân sách chậm và đến thời điểm hiện tại người dân đã nhận đủ tiền hỗ trợ”.

Sau phản ánh của báo các hộ dân có nhà di dời đã nhận được tiền hỗ trợ

Đối với nội dung nhà thầu lập lờ nhiều hạng mục, thi công không theo thiết kế dẫn đến bỏ tiền một cách vô lý như: thiết kế là gạch bông nhưng phải bỏ ra 4 triệu đổi từ gạch tàu sang gạch bông, nền quy định 0,4m nhưng thi công chỉ 0,2 (mỗi tấc bù thêm 1,5 triệu đồng)…

Ông Điệp nói: “Địa phương chỉ triển khai thiết kế căn nhà còn việc thay đổi thiết kế, nâng giá vật tư là giữa đơn vị thi công và sự thỏa thuận của người dân”.

Ông Triều (đơn vị thi công) cho rằng, việc thu thêm tiền bởi giá cát, đá, xi-măng tăng cao. Việc thỏa thuận với dân diễn ra trước khi làm và giữa các bên có biên bản trong vấn đề phát sinh chi phí. Việc không làm theo thiết kế bởi sợ người dân không có tiền bù thêm…

Nơi mỗi hộ dân bù thêm 4 triệu để chuyển từ nhà lót gạch tàu sang gạch bông

Phóng viên thắc mắc là thiết kế đã được lãnh đạo huyện ký duyệt và thông qua tại sao đến thời điểm thi công lại có sự thay đổi? Đó chẳng phải đơn vị thi công lập lờ và “móc túi” dân nghèo?

Ông Huỳnh Lê Trung – Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thoại Sơn giải thích: “Quy định mẫu nhà ở cho hộ nghèo Sở Xây dựng có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên do mặt bằng tùy nơi cũng như tùy theo chương trình của các nhà tài trợ mà có sự điều chỉnh cho phù hợp”.

Ông Điệp giải thích thêm: “Có nhà tài trợ đến yêu cầu chọn đối tượng và kêu trong thời gian ngắn phải đưa ra bảng thiết kế. Do vậy địa phương chỉ còn cách linh hoạt lấy những bảng thiết kế bằng giá trị đưa vào thay thế cho những trường hợp hỗ trợ đột xuất”.

Đối với nội dung nhà xây dựng cho hộ nghèo mới đưa vào sử dụng đã rạn nứt. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Phó phòng LĐ-TB&XH cho biết: “Qua xác minh có 2 căn vết rạn chân chim trước mặt dựng và theo các vách nối giữa cột và vách.

Đối với hộ ông Phan Văn Sao đã tự xử lý bằng cách khoan đường dài theo vết nứt và trét xi-măng. Đối với các hộ khác đơn vị có liên hệ để nhằm hỗ trợ khắc phục nhưng người dân không có nhu cầu sửa lại”.

Trường hợp gia đình bà Trần Thị Nết (ngụ ấp Tân Hiệp B, TT.Óc Eo) phản ánh không được đứng ra đảm nhận xây nhà của gia đình mà phải giao lại cho nhà thầu, UBND huyện Thoại Sơn cho rằng gia đình bà Nết có một số con cháu là thợ hồ nhưng làm ăn ở xa nên việc xây nhà là có sự thỏa thuận và đồng ý của người con trai út của bà.

Tại buổi làm việc, ông Điệp cho rằng nhà xây dựng cho hộ nghèo đảm bảo chất lượng nhưng cũng khó tránh khỏi tình trạng rạn nứt chân chim. Địa phương có giám sát quá trình thi công nhưng không thường xuyên, bởi tin tưởng nhà thầu uy tín cũng như đơn vị này đã xây dựng hơn 1.000 căn nhà tại địa phương.

“Quan điểm của địa phương muốn làm sao cho người dân có chỗ an cư lạc nghiệp, chỗ ở ổn định. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng có một số trục trặc nhỏ gây ra bức xúc, địa phương cũng sẽ rút kinh nghiệm để những chương trình sau được tốt hơn…”, ông Điệp chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang