Gia Lai: Từ chối bồi thường cho người dân... vì hết thời hạn?

Thứ Ba, 07/01/2020 16:54

|

(CATP) Năm 2017, UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) tiến hành thu hồi đất của 116 hộ dân để thực hiện dự án mở rộng khu trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê. Dự án có tổng diện tích đất được bồi thường, hỗ trợ là 194.663m2, trong đó có 1.650m2 đất ở, còn lại 193.013m2 đất trồng cây lâu năm.

Năm 2019, 42 hộ dân phát hiện cơ quan chức năng đã bồi thường còn thiếu về tài sản, thiếu các khoản hỗ trợ như chi phí đầu tư vào đất (bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại) và hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm (bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại hoặc do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương) theo như quy định tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ nên đã làm đơn kiến nghị lên UBND huyện Chư Sê để yêu cầu được hưởng các khoản đó.

Sau đó, UBND huyện Chư Sê chỉ thụ lý giải quyết lần đầu đối với 4 trường hợp, 38 trường hợp còn lại đều nhận được thông báo không thụ lý vì... đã hết thời hiệu giải quyết(?). "Chúng tôi là nông dân, không am tường pháp luật. Với lại, không hiểu sao chính quyền ngay từ đầu không bồi thường và hỗ trợ đầy đủ cho dân, để khi chúng tôi phát hiện sai phạm, khiếu nại thì họ lại lấy lý do là quá thời hiệu để không giải quyết", người dân bức xúc chất vấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thu hồi các quyết định giải quyết khiếu nại trước đó đối với các hộ này. Đồng thời, yêu cầu huyện Chư Sê tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc để rút kinh nghiệm việc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục trong việc thu hồi đất để làm dự án. Tại công văn chỉ đạo ngày 16-12-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai xác định rằng, hầu hết kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân đều đã phát sinh ngay từ khi huyện Chư Sê lập phương án bồi thường dự án và kéo dài cho đến nay.

Nguyên nhân là do UBND huyện Chư Sê thực hiện không đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi thiếu chế độ theo quy định của pháp luật. UBND huyện Chư Sê xác định khiếu nại của các hộ dân đã quá thời hiệu nên không thụ lý giải quyết là không đúng. Các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, nội dung yêu cầu hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là có cơ sở đối với 33 hộ bị thu hồi đất thuộc diện trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

 

Kết luận của Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai giải quyết khiếu nại cho dân

Cũng trong ngày 16-12-2019, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang cũng đã giao cho UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo UBND huyện Chư Sê xem xét giải quyết kiến nghị của công dân và triển khai thực hiện theo quy định; báo cáo kết quả về thường trực HĐND, Ban tiếp công dân tỉnh trước ngày 10-1-2020.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai về việc xử lý đơn khiếu nại của người dân, ngày 25-12-2019, UBND huyện Chư Sê đã tổ chức buổi đối thoại với 28 hộ ở thị trấn Chư Sê. Tại buổi đối thoại, đã có 16 lượt ý kiến xoay quanh việc hội đồng bồi thường của huyện này đã để xảy ra thiếu sót trong quá trình kiểm đếm để thu hồi đất phục vụ dự án như vật kiến trúc trên đất, cây cối, phân lô tái định cư... căn cứ dựa trên các kiến nghị như đã nêu trên.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân, ông Nguyễn Hồng Hà - Bí thư Huyện ủy Chư Sê hứa sẽ giải quyết những vướng mắc xoay quanh việc bố trí tái định cư, sai sót trong kiểm đếm cây trồng và vật kiến trúc trên đất trong thời gian sớm nhất. Đối với các ý kiến về việc phải chi trả số tiền hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, ông Hà cho rằng không đủ điều kiện.

Lý do là vì các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành sau một năm khi UBND huyện Chư Sê thực hiện kiểm kê thu hồi đất để phục vụ dự án(?). Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Hồng Linh còn giải thích thêm rằng, khi lập phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư thì UBND huyện đã nói rõ là không có đền bù bằng tiền mà chỉ hỗ trợ bằng cách là dạy nghề nếu ai có nhu cầu.

Do vậy, UBND huyện chỉ hỗ trợ bằng cách dạy nghề chứ không có hỗ trợ bằng tiền. Đối với những hộ viết đơn khiếu nại, theo quy định hành chính, từ khi nhận tiền đền bù khi phát sinh đơn là 16 tháng, vì thời gian đã quá lâu nên không thể áp dụng được(?).

Kết thúc buổi đối thoại, những người khiếu kiện cho rằng, cách trả lời của những người có trách nhiệm huyện Chư Sê là không thỏa đáng theo như hướng dẫn của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai nên sẽ tiếp tục khiếu nại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang