Thấy gì qua vụ "hoán đổi đất" ở Đại Tùng Lâm Hoa Sen?

Bài cuối: Cơ quan chức năng nói gì?

Thứ Năm, 24/06/2021 09:25

|

(CATP) Việc thoả thuận đổi đất giữa ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) từ một năm trước với sư cô Vĩnh Lạc (bà Nguyễn Thị Tương) - trụ trì chùa Dược Sư (H.Đức Trọng, Lâm Đồng) thể hiện qua tin nhắn giữa hai người.

Tuy nhiên, bà Tương chỉ thừa nhận đổi một ít đất, đủ cho ông Vũ làm một đoạn đường đi nội bộ trong dự án; đổi lại, phía Đại Tùng Lâm Hoa Sen hỗ trợ các sư cô xây bếp. Trên thực tế, việc ngăn chia đất đã diễn ra, hai bên đã xây dựng, sử dụng các công trình trên đất, một năm sau mới phát sinh mâu thuẫn. Hầu hết hoạt động tại vườn bà Tương đều do Công ty ông Vũ bảo lãnh, hỗ trợ giấy tờ.

Hàng rào ngăn chia phần đất của vườn bà Tương hoàn đổi với Công ty Hoa Sen tồn tại suốt một năm qua

Các ngành chức năng địa phương cho biết, sinh hoạt tôn giáo tại "vườn bà Tương" (thị trấn Đạ M'ri) là trái phép, không đảm bảo tính pháp lý, chưa được Giáo hội Phật giáo công nhận là một cơ sở tôn giáo. Trước năm 2011, bà Điểm (chủ đất cũ) sử dụng nơi này làm điểm tu nên ở địa phương gọi là cơ sở bà Điểm, sau đó bà Điểm tặng toàn bộ diện tích đất cho sư bà Hải Triều Âm. Năm 2015, nhân viên Đại Tùng Lâm Hoa Sen đã giúp bà Tương làm giấy CNQSDĐ từ tên bà Điểm sang bà Tương, sau đó còn giúp đăng ký tạm trú cho 58 người ở đây.

Ông Đồng Gia Khánh - nhân viên pháp lý tại dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen cho rằng, do mối quan hệ thân tình giữa cán bộ, nhân viên Đại Tùng Lâm Hoa Sen với sư cô Vĩnh Lạc và các sư cô ở vườn bà Tương, không muốn các sư cô vất vả nên khi họ nhờ việc gì hoặc thấy việc gì hỗ trợ, chia sẻ được với các sư cô, họ rất sẵn sàng. 

Mới đây, khoảng 20 giờ 30 ngày 23-4-2021, tổ bảo vệ của Đại Tùng Lâm Hoa Sen đi kiểm tra an ninh khu vực dự án, ngang qua vườn bà Tương, nghe tiếng đập phá, máy múc hoạt động bên trong, xung quanh che chắn kín, tổ bảo vệ lại gần xem có chuyện gì, mới phát hiện việc các sư cô cho phá bếp. Khi UBND, công an thị trấn Đạ M'Ri đến làm việc, cơ sở này không chịu mở cửa chính khiến nhiều cán bộ phải tìm cách đi vòng vào bằng cổng phụ bên hông dãy nhà.

Ông Đặng Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri cho biết, khoảng 21 giờ ngày 23/4/2021, ông nhận được tin báo về việc tại cơ sở bà Tương đang đập phá dãy nhà bếp, ông đã cùng cán bộ uỷ ban, công an thị trấn đến kiểm tra sự việc. Lúc này, tại đây có rất đông ni sư và một số lao động khác dùng máy múc phá huỷ dãy nhà bếp.

Ông đã chỉ đạo lập biên bản vụ việc, khuyên giải các sư cô và mấy chục người có mặt ở đây cần giải quyết sự việc có tình có lý. Ông Chinh cho rằng, ngay từ đầu, nếu các sư cô không đồng ý thoả thuận đổi đất đã không có việc tự rào đất, xây dựng nhà bếp.

Nay phát sinh mâu thuẫn thì cần bĩnh tĩnh, hai bên ngồi lại, trao đổi cụ thể... Thời điểm này, hai sư cô phụ trách cơ sở là sư Nhuận Đức và Vĩnh Thái không có mặt. Ông Chinh đã chỉ đạo và cùng cán bộ của mình, công an thị trấn làm việc, lập biên bản... kéo dài đến gần 3h hôm sau mới kết thúc.

Một hàng rào khác phân chia ranh đất giữa hai bên, chạy dài trên phần đất vườn bà Tương. Nếu không đồng ý đổi đất, có lẽ các sư cô đã phản ứng, nhờ chính quyền địa phương can thiệp từ một năm trước

Trước đó, ngày 20/3/2021, hai sư cô Vĩnh Thái, Nhuận Đức cùng gần 20 người ngăn cản Đại Tùng Lâm Hoa Sen xây dựng công trình trên phần đất giáp suối (đã thoả thuận đổi). Phía Đại Tùng Lâm Hoa Sen cho rằng, do sư cô Vĩnh Lạc có sự thoả thuận đổi đất, Công ty Hoa Sen đã thuê vẽ thiết kế, lập công trình xây dựng, thi công xong phần khung một số công trình thì bị cản trở là rất bất công với họ.

Lãnh đạo thị trấn Đạ M'ri sau đó đã làm việc với các bên. Tại cơ sở bà Điểm, một sư cô xác nhận có việc thoả thuận đổi đất nhưng nay bà Điểm không đồng ý (ông Chinh không nhớ chính xác sư cô này là sư Nhuận Đức hay sư Vĩnh Thái vì ông rất ít khi gặp họ). Ông Chinh đã khuyên giải vị sư này và mọi người, sau đó nói chuyện với bà Điểm việc đã hiến tặng đất từ lâu, đã thoả thuận đổi đất cả một năm trời, hai bên đã sử dụng vào mục đích của mình trên phần đất đã hoán đổi thì nên vui vẻ.

Chẳng ngờ mấy hôm sau, ông Nông Minh Đức nhận uỷ quyền từ sư cô Vĩnh Lạc gửi đơn kêu cứu, kiến nghị... nội dung tố cáo Công ty Hoa Sen chiếm đất, sau đó rút đơn, rồi lại tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng. Cấp tỉnh chuyển đơn, yêu cầu UBND huyện, thị trấn chỉ đạo kiểm tra, báo cáo sự việc.

Tin nhắn của bà Nguyễn Thị Tương với ông Lê Phước Vũ ngày 16-3-2021, có nội dung: "Thưa chú Vũ, bà Điểm thành tâm nên Sư Bà mới nhận miếng đất, cộng với công đức của chú nên ngôi Tam Bảo mới thành tựu... Năm ngoái, chú đề nghị đổi đất, Ni chúng thấy có lợi cho chú vì chú thích suối để trang trí quang cảnh cho đẹp. Vả lại, miếng đất của chùa nằm ở giữa khiến đất của chú không liền lạc nên ni chúng đồng ý đổi để tiện việc cho chú mà cũng là tiện cho chùa cần xây cái bếp.

Tưởng như thế là êm xuôi, nhưng không ngờ bà chủ đất không chịu, bà muốn giữ nguyên vẹn kỷ niệm cũ, thành ra ni chúng rất khó xử vì bên nào chùa cũng chịu ơn. Ni chúng rất biết ơn chú nhưng không dùng pháp thế gian để đền đáp mà vâng lời Phật chuyên tu giới định tuệ, đem công đức hồi hướng để trả ơn thí chủ...".

Căn bếp xây xong lại bị phá huỷ

Ông Vũ đã nhiều lần hẹn gặp bà Tương để làm rõ việc thoả thuận trao đổi đất, nhưng bà Tương báo nhà có người đau ốm nên không gặp. Sau đó, ông Nguyễn Sanh Kiên - Giám đốc dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen cùng một số nhân viên cũng nhiều lần đến chùa Dược Sư (H.Đức Trọng) để gặp bà Tương nhưng không được vì bà từ chối tiếp khách. Nhân viên Đại Tùng Lâm Hoa Sen đã gặp bà Điểm, con gái bà Điểm và thật bất ngờ khi không thấy họ "căng thẳng" về việc đổi đất.

Phía Đại Tùng Lâm Hoa Sen cho rằng, có thể ngay từ đầu bà Tương không có ý muốn đổi đất mà chỉ vờ thoả thuận đổi, cho người ngăn hàng rào lưới kẽm gai, trụ bê tông, giao đất phía sau cho Công ty Hoa Sen. Công ty Hoa Sen đã thực hiện các thoả thuận hỗ trợ chi phí xây dựng (nhà bếp, nhà ăn lớn, các công trình khác...), chi phí chuyển đổi mục đích đất, xin giấy phép xây dựng nhà bếp cho bà Tương với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng (theo dạng hỗ trợ chi phí xây dựng, chi phí tài trợ). Nay phía bà Tương không tiếp tục thoả thuận, tố Công ty Hoa Sen xâm chiếm 5.000m2 đất...

Công ty Hoa Sen cho rằng vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo nên Công ty đã có đơn tố giác tội phạm, gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vu khống của bà Nguyễn Thị Tương.

Qua tham khảo ý kiến một số cán bộ đầu ngành địa phương, một số bậc hoà thượng trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh Lâm Đồng và H.Đạ Huoai, chúng tôi được chia sẻ rằng, về lý, ông Lê Phước Vũ "dở" vì không làm các thủ tục pháp lý đăng ký biến động quyền sử dụng đất, nhưng về cái tình thì ông ấy "thắng", bởi nhiều người biết việc ông Vũ ân đức với các sư cô. Theo đó, việc này, rất cần hai bên cư xử sao cho có lý, có tình để "tốt đời đẹp đạo", đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, không gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự, hợp đồng vay mượn tài sản giữa cá nhân với nhau không bắt buộc phải lập thành văn bản. Pháp luật cũng coi thỏa thuận miệng là một dạng giao dịch dân sự hợp đồng. Tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể".

Ngoài ra, Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp".
Bài 1: Có hay không vụ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang