Thấy gì qua vụ "hoán đổi đất" ở Đại Tùng Lâm Hoa Sen?

Bài 1: Có hay không vụ "lật kèo" một thoả thuận... miệng?

Thứ Tư, 23/06/2021 10:43

|

(CATP) Báo Công an TPHCM nhận được đơn của Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) về việc, người được uỷ quyền tại cơ sở "vườn bà Tương" (thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Sen chiếm đất của bà Nguyễn Thị Tương. Sự thật vụ việc như thế nào?

Những hàng rào phân chia ranh đất giữa "vườn bà Tương" với dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen được hai bên thống nhất rào chắn, tồn tại một năm qua

Theo phản ánh của Công ty Hoa Sen, đầu năm 2020, giữa ông Lê Phước Vũ và sư cô Vĩnh Lạc (bà Nguyễn Thị Tương) - trụ trì chùa Dược Sư (H.Đức Trọng, Lâm Đồng) có sự thoả thuận miệng (không làm giấy tờ) đổi một phần diện tích đất cho nhau, do diện tích khoảng gần 1ha đất của bà Tương nằm trong diện tích đất gần 600ha của Dự án tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen (thuộc Công ty Hoa Sen) tại thị trấn Đạ M'ri; mỗi bên nhận tương ứng 4.300m2 đất.

Tại vườn đất của bà Tương hình thành một điểm tu, như cơ sở 2 của chùa Dược Sư, hiện có 58 sư cô, phật tử đăng ký tạm trú.

Nhưng theo Đại đức Thích Như Kiên - Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Đạ Huoai, Trụ trì chùa Phước Lạc, thị trấn Đạ M'ri, H.Đạ Huoai, khẳng định "vườn bà Tương" không được chính quyền và Giáo hội Phật giáo công nhận là một cơ sở tôn giáo.

Một năm sau, tháng 3/2021, lúc này, trên phần đất "vườn bà Tương" đổi cho Đại Tùng Lâm Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đang được Đại Tùng Lâm Hoa Sen san ủi mặt bằng, xây dựng khối công trình điện thờ; phần đất Công ty Hoa Sen đã đổi cho các sư cô vườn bà Tương có một dãy nhà bếp, nhà ăn hiện diện...

Bất ngờ bà Tương đổi ý, dãy nhà bếp bị phá bỏ để trả đất cho Công ty Hoa Sen. Bà Tương cho rằng, do chủ đất là bà Điểm (người hiến tặng đất cho vườn bà Tương - PV) không đồng ý đổi đất.

Lúc này, phía Công ty Hoa Sen được biết, bà Nguyễn Thị Tương đã uỷ quyền toàn quyền quản lý, sử dụng đất cho hai bà Võ Thị Kim Châu (sư cô Nhuận Đức) và bà Trần Thị Trân Châu (sư cô Vĩnh Thái) đang quản lý, tu hành tại vườn bà Tương.

Hai sư cô sau đó tiếp tục uỷ quyền cho ông Nông Minh Đức với nội dung giải quyết tranh chấp sử dụng đất với Công ty Hoa Sen. Ông Nông Minh Đức sau đó có đơn tố cáo, kiến nghị với các cơ quan chức năng cho rằng ông Lê Phước Vũ và Công ty Hoa Sen lấn chiếm của vườn bà Tương khoảng 5.000m2 đất.

Trước việc này, Công ty Hoa Sen đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, cho rằng, thực tế giữa ông Lê Phước Vũ và bà Nguyễn Thị Tương có sự thoả thuận đổi đất. Đơn tố cáo của người được uỷ quyền phía các sư cô đã vu khống, xúc phạm danh dự cá nhân ông Vũ và Công ty Hoa Sen.

Việc thoả thuận trao đổi đất giữa hai bên có sự chứng kiến của ông Nguyễn Sanh Kiên - Giám đốc dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen, một cán bộ công ty, hai người dân lao động trong dự án, hai sư cô Vĩnh Thái, Nhuận Đức; không có chuyện Công ty Hoa Sen tự xâm chiếm 5.000m2 đất như tố cáo.

Hình ảnh dãy nhà bếp nguyên trạng trong vườn bà Tương
Dãy nhà bếp sau đó bị máy múc phá nham nhở

Để làm rõ sự việc, ngày 17/6/2021, phóng viên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh đã đến hiện trường. Toàn bộ diện tích đất vườn bà Tương hình chữ nhật, nằm lọt trong khuôn viên dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen; một mặt giáp QL20, một mặt giáp suối. Trừ mặt giáp QL20, ba mặt còn lại thuộc khuôn viên đất của cơ sở này đều có hàng rào lưới B40 và kẽm gai, cọc bê tông rào chắn phân chia ranh đất rõ ràng giữa đất "vườn bà Tương" với Công ty Hoa Sen; trong đó, hai hàng rào lưới B40 nới phần đất vườn bà Tương rộng ra thêm, làm vuông vức mảnh đất.

Ông Nguyễn Sanh Kiên và nhân viên tại đây, cho rằng, đất từ hàng rào cũ của vườn bà Tương đến hàng rào mới là phần đất Công ty Hoa Sen hoán đổi cho các sư cô, tổng diện tích trên 4.300m2.

Đổi lại, bà Nguyễn Thị Tương "cắt đuôi" phần đất (khoảng gần 1/4 chiều dài lô đất) giáp suối cho Công ty Hoa Sen. Tại đây, công ty đã làm đường nhựa băng ngang và đang xây dựng dở dang các công trình khác của khu tâm linh. Bên trong cơ sở vườn bà Tương có dãy nhà bếp, nhà ăn (xây trên phần đất Công ty Hoa Sen hoán đổi) đã sử dụng thời gian dài, nay bị những người trong cơ sở này cho máy múc phá huỷ dở dang.

Khách quan mà nói, bà Nguyễn Thị Tương là chủ đất, nếu bà không đồng ý việc hoán đổi đất, không thể có sự hiện hữu của hệ thống hàng rào mở rộng diện tích đất và ngăn ranh đất giữa hai bên, không có chuyện khu bếp được xây dựng hoàn thiện và hoạt động suốt nhiều tháng trời trên phần đất trao đổi của Công ty Hoa Sen. Những người trong khu nhà vườn này sẽ ngăn cản, phá bỏ và nhờ các cơ quan chức năng can thiệp từ một năm trước đó; không phải đợi một năm sau mới xảy ra "tranh chấp"!

Lãnh đạo và cán bộ UBND hai cấp H.Đạ Huoai và thị trấn Đạ M'ri cho hay, khoảng ngày 20-3-2021, khi giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn, "tranh chấp", chính quyền mới nhận được đơn tố cáo, đơn kiến nghị, yêu cầu hoà giải của người được uỷ quyền của các sư cô, tố cáo Công ty Hoa Sen chiếm đất (phần đất giáp suối); trước đó, cơ sở này không có đơn thư nào khác phản ánh về Công ty Hoa Sen.

Nội dung tin nhắn của sư cô Vĩnh Lạc với ông Lê Phước Vũ thể hiện một năm trước, giữa hai bên có thoả thuận việc đổi đất

Phóng viên đặt câu hỏi với ông Lê Phước Vũ: Là chủ một doanh nghiệp có tiếng trên thương trường, sao ông dễ dàng chấp thuận một thoả thuận miệng trao đổi mấy ngàn m2 đất mà không lập giấy tờ cho rõ ràng, dẫn đến phát sinh kiện cáo?

Ông Lê Phước Vũ cho biết, nhiều người biết tôi là chủ doanh nghiệp Công ty Hoa Sen, thực tế tôi ăn chay trường suốt nhiều năm qua, đến Đại Tùng Lâm Hoa Sen ở ẩn, đã thế phát xuất gia mấy năm nay. Để xảy ra việc này lỗi do tôi quá tin người. Tôi có mối quan hệ thâm tình, rất kính trọng và hỗ trì cúng dường gần 25 năm nay với Sư bà Hải Triều Âm (cố trụ trì chùa Dược Sư, đã mất năm 2012, thọ 90 tuổi) và sau đó là sư cô Vĩnh Lạc.

Tôi gắn bó với chùa Dược Sư, lo cho các sư cô như người thân của mình. Tôi làm khu du lịch tâm linh, cam kết không thu một đồng nào mà sẽ dành nơi đây làm nơi dưỡng tâm, tu tập cho mọi người. Những việc tôi làm với các sư cô vì tấm lòng, nhất tâm trợ giúp suốt nhiều năm qua mà không lường được sự việc ra cơ sự này.

Ông Vũ còn nói rằng, việc không làm giấy tờ thoả thuận giữa đôi bên lỗi một phần do ông Nguyễn Sanh Kiên, vì khi đó ông hỏi ông Kiên có làm giấy tờ, hợp đồng không, ông Kiên nói không cần. "Hai cơ sở như một gia đình. Phần đất của các sư cô nằm trong dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen, mình giúp họ bao nhiêu năm, bao nhiêu công sức tiền của, họ ơn không hết. Người tu hành mà...", ông Vũ nhắc lại.

Ông Kiên cho biết, ông Lê Phước Vũ là mạnh thường quân của chùa Dược Sư và cơ sở vườn bà Tương suốt mấy chục năm qua với số tiền hỗ trợ hàng chục tỉ đồng. Việc Đại Tùng Lâm Hoa Sen đổi đất phía mặt tiền quốc lộ cho các sư cô và nhận phần đất giáp suối, các sư cô không thiệt thòi vì mảnh đất của khu nhà vườn này được thu gọn chiều dài, trở nên vuông vắn, đẹp hơn, đẩy diện tích mặt tiền quốc lộ rộng hơn, giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, khi trao đổi đất, không ai nghĩ đến điều đó, chỉ nghĩ đến sự hợp lý, cần thiết của đôi bên. Phía Công ty Hoa Sen có phần suối để trang trí khu dự án tâm linh, một phần mảnh đất được liền lạc.

Ngoài diện tích đất trao đổi, Công ty Hoa Sen cung cấp, hỗ trợ vật liệu cho các sự cô xây dãy nhà ăn, nhà bếp, tu sửa một số công trình khác, làm thủ tục đóng phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng) trên 700m2, tổng trị giá trên 4 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần chuyển đổi mục đích sử dụng đất hết 2,1 tỷ đồng (một số chứng từ chuyển khoản, nhập vật liệu xây dựng có chữ ký nhận của 2 sư cô trong chùa)...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang