(CATP) Vụ mùa tết của nhiều người dân ở huyện nông nghiệp Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long lâm cảnh mất mùa, rớt giá kèm theo đó là chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sau thời điểm này, hàng trăm hộ dân ở các xã nhận được thông báo đóng nhiều loại quỹ tự nguyện theo kiểu bắt buộc với mức thu hàng trăm ngàn khiến họ bức xúc. Đáng nói hơn việc thu này còn có dấu hiệu sai đối tượng.
Nhiều địa phương ra thông báo thu các quỹ, phí tự nguyện như kiểu bắt buộc và chung chung.
Hộ khó khăn, tàn tật đóng như… nhà giàu
Vừa qua, Báo Công an TPHCM nhận được thông tin phản ánh của người dân ở các xã Tân Lược, Tân Bình, Tân An Thạnh… của huyện Bình Tân về việc cán bộ xã, ấp đi thu các nguồn quỹ với… giá trên trời! Từ đó phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu.
Chạy dọc theo con đường có một đoạn đổ bê tông, một đoạn đổ đá dù cùng ấp, chúng tôi ghé vào nhà của anh P.V.N (ngụ ấp Tân Thới, xã Tân Bình) và được cho biết: “Đường lộ phía trước là dân tự hùn tiền đổ đá để có đường đi lại, học sinh đi học, trong khi đó năm nào chúng tôi cũng đóng tiền giao thông nông thôn. Mỗi gia đình hộ nào khổ cũng 200 ngàn đồng, còn nhiều thì hơn 1 triệu đồng. Lộ chúng tôi tự bỏ tiền làm nhưng cũng phải đóng khoản tiền giao thông nông thôn chứ không được miễn”.
Theo giấy UBND xã Tân Bình thông báo, gia đình anh N. phải đóng các khoản gồm: Quỹ giao thông nông thôn, phí Phòng chống thiên tai, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo với tổng cộng số tiền là 250 ngàn đồng. “Trong giấy chỉ thông báo là 250 ngàn đồng nhưng mấy ổng đi thu 280 ngàn đồng nên gia đình chưa đóng. Vụ mùa tết vừa quan rau màu thất mùa, giá cả không có nên nông dân sản xuất không có lãi hoặc lỗ. Ngoài ra việc lo cho con ăn học đã là gánh nặng, giờ còn đóng thêm nhiều loại quỹ thì người dân sẽ càng khó khăn hơn”, anh N. bức xúc.
Bản thân không còn nhiều sức khỏe để lao động và đang nuôi 2 đứa cháu nhưng vẫn bị đoàn của ấp thu các nguồn quỹ với số tiền 250 ngàn đồng. Bà N.T.Đ (61 tuổi) cho biết: “Khi họ đến thu tôi cũng nói không có lao động được, làm gì ra tiền có xin giảm 100 ngàn, chỉ đóng 150 ngàn nhưng họ không chịu nên phải “bóp bụng” đóng. Bên kia gia đình có con đi nước ngoài gửi tiền về, nhà tườngg, đất đai cả héc-ta mà chỉ đóng có vài chục ngàn đồng nên ai ở đây cũng lấy làm khó hiểu”.
Theo ghi nhận của phóng viên tại xã Tân Lược và Tân An Thạnh có trường hợp 1 chủ hộ nhận thông báo đóng tiền của 2 xã, người đang nhận trợ cấp, làm mướn và không đất vườn vẫn được xã gửi thông báo đóng tiền. Cụ thể là trường hợp bà C. thuộc đối tượng tàn tật và hưởng trợ cấp hàng tháng vẫn được UBND xã Tân Lược gửi thông báo đóng các nguồn quỹ năm 2021 gồm: Giao thông nông thôn, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo số tiền 205 ngàn đồng. Các hộ dân khác được thông báo nguồn thu từ 320 ngàn đồng cho đến gần 400 ngàn đồng.
Đối với xã Tân An Thạnh mức thu trên còn cao hơn. Đáng nói là các khoản tiền trên được ghi chung chung chứ không có mức giá cụ thể. Trong khi đó nguồn thu tại xã Đông Bình, TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - địa phương giáp ranh thì nguồn thu các khoản chỉ 100 ngàn đồng (?!).
Con đường người dân bỏ tiền đổ đá để có đường nhưng vẫn phải đóng quỹ giao thông nông thôn.
Chủ tịch huyện nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, ông Nguyễn Văn Tập (Chủ tịch UBND huyện Bình Tân) cho biết: “Theo quy định Quỹ phòng chống thiên tai (30 ngàn đồng - PV) và Quỹ vì người nghèo (35 ngàn đồng - PV) là bắt buộc, còn Quỹ đền ơn đáp nghĩa, giao thông nông thôn là tự nguyện, vận động. Đây là các nguồn quỹ thực hiện nhiều năm rồi, bà con đa phần ủng hộ rất tốt. Nguồn quỹ này thật ra không có bao nhiêu, chỉ góp phần để xây dựng nhà, hỗ trợ cho các đối tượng bệnh tật, đau ốm… Trước đây xã hay cán bộ đi thu còn được hưởng phần trăm, còn giờ không được hưởng”.
Theo ông Tập, đầu năm huyện có tổng kết công tác chiến dịch mùa khô. Trên cơ sở đó các xã đăng ký trong năm thu bao nhiêu tiền, nguồn nào để thực hiện các công trình. Đa phần việc thu phí các địa phương ra thông báo hoặc thư ngõ chứ không có họp dân. Đối với những quỹ bắt buộc thì có quy định đối tượng để miễn giảm, địa phương xem xét.
“Việc ra thông báo để thu tiền là không đúng. Tuy nhiên nếu không ra mà đi vận động các nguồn người dân thường đóng rất ít, nên các địa phương vận dụng vì sự phát triển của xã hội. Việc làm của địa phương là ý nghĩa nhưng cần phải rút kinh nghiệm”, ông Tập cho hay.
Ông Tập cũng lý giải địa phương là huyện nông nghiệp nên vận động các Mạnh thường quân, doanh nghiệp rất khó. Những nguồn quỹ vận động người dân không đóng thì thôi chứ địa phương không có xử phạt, hay làm khó gì.
Phóng viên đặt vấn đề về việc kiểm tra nguồn thu ở các xã như thế nào? Ông Tập cho biết thêm: “Mỗi hộ đóng tiền đều có biên lai thu, thể hiện số tiền. Hàng tuần thu xong ở xã, ở ấp phải tiến hành đăng nộp về kho bạc. Việc thu các nguồn quỹ có thể có một số đối tượng không phù hợp huyện sẽ chỉ đạo chấn chỉnh, tránh trường hợp tận thu”.