Năm 1955, chính quyền Diệm tiến hành chính sách tố cộng, diệt cộng, tập trung đánh phá phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. Tháng 11/1956, Diệm ra Đạo dụ cho phép bắt bất cứ ai xét thấy nguy hiểm đến an ninh quốc gia, kế đó ban hành Luật 10/59 lê máy chém đi khắp nơi để giết hại những người yêu nước. Theo số liệu thống kê xác nhận trong những năm 1954 - 1959, ở miền Nam nước ta có đến 466.000 đảng viên cộng sản và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết.
Chính vì lẽ ấy, trong bản Đề cương cách mạng miền Nam bắt đầu được sơ thảo vào mùa hè năm 1955 trong thời gian còn đang bí mật hoạt động cách mạng tại vùng rừng U Minh ở miền Tây Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã khẳng định: "Nhân dân miền Nam chỉ có con đường cứu nước và tự cứu mình là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng, không có con đường nào khác". Chúng ta đã thấy, trong những năm sau Hiệp định Genève tại khu vực bán đảo Cà Mau, trên vùng rừng núi của Khu 5 và Tây Nguyên với tinh thần đấu tranh bất khuất, có hàng vạn đồng bào đã kéo vào những nơi bưng hoang, rú rậm, xây dựng các "lõm du kích", "túi bất hợp pháp", lập "làng Rừng", "làng bất hợp tác" và những "địa bàn phòng ngự"... để chống lại Mỹ - Diệm. Hồi đó, nhân dân xã Hòa Hội, tỉnh Tây Ninh gửi thư lên Bác Hồ và hàng chục lão nông Thủ Dầu Một đã gửi đơn cho đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Xử ủy Nam Bộ, xin cho bộ đội miền Nam đi tập kết ra Bắc trở về để đánh giặc giải phóng quê hương. Ở Trị Thiên và Tây Nguyên, nhiều dân tộc thiểu số đã tổ chức giết trâu bò để lập ra các "Hội thể". Cán bộ thề không bỏ dân, dân thề đi theo Đảng tới cùng để bảo vệ buôn làng. Trong nhiều phum sóc tại miền Tây Nam bộ, đồng bào Khmer đã bí mật móc nối với cách mạng, đi "mời Đảng về với mình" để đánh giặc.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2024-12-17/3a-5639.jpg)
Ngày 20/12/1960, các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập Ảnh tư liệu
Để tồn tại trước sự đàn áp, khủng bố khốc liệt của Mỹ - Diệm, trong lực lượng cách mạng và trong quần chúng phải tìm mọi cách đối phó để sống còn. Từ giữa năm 1956, đã xuất hiện những hình thức hoạt động vũ trang tự vệ trong nhân dân. Ở một số địa phương, quần chúng tự động thành lập các đội vũ trang, núp dưới danh nghĩa đội dân canh, đội chống trộm cướp... Các đội này khi phát hiện bọn ác ôn, chỉ điểm, thám báo thâm nhập vào thôn xóm thì đánh mõ báo động, hô hoán có cướp, rồi xông ra trừng trị. Đến cuối năm 1957, bắt đầu đã có những trận đánh của các đơn vị tập trung cỡ nhỏ, nhằm đánh vào uy thế của địch, tạo thế cho ta hỗ trợ đồng bào đấu tranh chính trị và bảo vệ cơ quan lãnh đạo đầu não kháng chiến. "Tức nước vỡ bờ", "có áp bức thì có đấu tranh", "bạo lực cách mạng nhất định sẽ triệt tiêu bạo lực phản cách mạng". Đó là quy luật bất biến đã được chủ nghĩa duy vật lịch sử trong triết học mác-xít khám phá.
Trong việc nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, giai đoạn lịch sử từ sau ngày ký kết Hiệp định Genève đến khi xuất hiện cao trào Đồng Khởi là thời kỳ đặc biệt. Trong bài viết in trong sách Chung một bóng cờ, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng đã viết: "Bối cảnh và các diễn biến của tình hình miền Nam trong thời gian từ năm 1954 (đến năm 1960) như là cơn trở dạ của phong trào cách mạng nhất định bùng lên và đến lượt nó, Mặt trận Dân tộc giải phóng ra đời báo trước cho ngày toàn thắng của dân tộc ta".
Rõ ràng, 6 năm cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, chính là giai đoạn thai nghén của cách mạng miền Nam để khai sinh ra Mặt trận Dân tộc giải phóng trong "cơn trở dạ” của Đề cương Cách mạng miền Nam và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 lịch sử, chuyển sang thời kỳ chiến tranh cách mạng.
Chúng ta còn nhớ, tuy đến hạ tuần tháng 12/1960 cái tên "Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam" mới được xuất hiện sau cao trào Đồng Khởi, nhưng tên gọi "Mặt trận" quen thuộc đã từng gắn bó máu thịt với đồng chí và đồng bào vẫn sống mãi giữa lòng dân. Khi Ngô Đình Diệm bắt đầu các chiến dịch "tố cộng, diệt cộng" trên toàn miền Nam, cán bộ và đồng bào ta ở nhiều địa phương đã dựa vào uy thế chính trị của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt để hoạt động. Ở Nam Bộ, trong ngày 01/7/1955, cách mạng đã lấy danh nghĩa "Mặt trận Liên Việt Nam Bộ" để kêu gọi đồng bào và ngoại kiều buộc nhà đương cục miền Nam phải tôn trọng Hiệp định Genève chấm dứt các cuộc đàn áp, khủng bố; phải cùng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở cuộc hội nghị hiệp thương chính trị ngày 20/7/1955 bàn về việc tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước đúng thời hạn.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Liên Việt Nam Bộ, từ đầu tháng 7 kéo dài nhiều tháng, phong trào đấu tranh đòi hiệp thương, hòa bình thống nhất Tổ quốc đã lan rộng từ các tỉnh Nam Bộ ra Khu 5, Khu 6 và Trị Thiên.
Trong bản Đề cương Cách mạng miền Nam được hoàn thành việc soạn thảo vào mùa Thu năm 1956 tại thành phố Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn đã đề ra nhiệm vụ: "Xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng hiện nay để chiến thắng kẻ thù”, "Tích cực phổ biến cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân, ngay trong hàng ngũ địch".
Ở Tây Nguyên, năm 1956, tỉnh Đắk Lắk đã nhân danh "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" để vận động quần chúng tổ chức mít-tinh phản đối "Đại hội tố cộng miền Nam cao nguyên" của Ngô Đình Diệm.
Một điều ít ai ngờ là, do sự phát triển kinh tế và xã hội, do điều kiện đặc thù về địa lý nhân văn, trên "mái nhà Tây Nguyên" là nơi cách mạng đã sáng tạo ra việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với nhiều hình thức tổ chức rất mềm dẻo và linh hoạt như: Mặt trận Đoàn kết dân tộc; Mặt trận Dân tộc tự trị; Mặt trận Nơ Trang Long; Đại hội nhân dân hiến kế đánh Mỹ; Đại hội đoàn kết thống nhất các dân tộc; Đại hội nhân dân Nê Ốt...
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã lấy hình ảnh con chim chèo bẻo làm biểu tượng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là loài chim bách thanh có tiếng hót làm mê hoặc lòng người giữa chốn mưa ngàn thác lũ, có bản năng tự vệ và tính chiến đấu rất cao.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời trong không khí sôi sục cách mạng, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã về với miền Nam, thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở tất cả các địa bàn nông thôn, đô thị, rừng núi. Nghị quyết khẳng định rằng: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là dùng bạo lực của quần chúng nhân dân đánh đổ Mỹ - Diệm.
Ở Bến Tre tháng 01/1960, chỉ trong vòng một tuần lễ quân dân tỉnh Bến Tre đã nổi dậy mạnh mẽ, bức hàng, bức rút 47 đồn bót, diệt và bắt giam 300 tên lính địch, giải phóng hoàn toàn 22 xã, 150 ấp.
Từ tháng 8/1959 đến cuối năm 1960 tại miền Tây Nam Bộ đã giải phóng 150 xã, chuyển lên làm chủ bộ phận ở 41 xã với 1.500.000 dân.
Ở Đông Nam Bộ, sau khi ta diệt căn cứ Tua Hai (01/1961), nhân dân trong tỉnh Tây Ninh đồng loạt bao vây bứt hàng, bứt rút 30 đồn bót, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã khác, hơn 70% bộ máy kìm kẹp của địch ở nông thôn bị đánh tan rã.
Từ đó, phong trào ba mũi giáp công về chính trị, vũ trang và binh vận tấn công địch đã được vận dụng sáng tạo ở khắp các địa phương.
Song song với các cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ ở nông thôn, các địa phương dồn dập đẩy mạnh các cuộc đấu tranh xuống đường, kéo vào thị xã, thị trấn gây rối loạn; buộc địch phải bị động đối phó. Có thể nói đây là thời kỳ đấu tranh chính trị, kết hợp với nổi dậy của quần chúng sôi nổi nhất, mạnh mẽ nhất trong phong trào Đồng Khởi Nam Bộ.
Với thắng lợi của phong trào Đồng Khởi và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cách mạng miền Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn đen tối nhất để bước vào thời kỳ mới. Thời kỳ chủ động tiến công địch giành thắng lợi trên khắp địa bàn nông thôn, đô thị, đẩy Mỹ - ngụy vào con đường thất bại trầm trọng. Mọi kế hoạch nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa thực dân kiểu mới của Mỹ đã bị phá sản.
(Còn tiếp...)
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam - cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ)