Khi tàu chuẩn bị nhổ neo, hai đồng chí Văn Viên và Cao Đăng Chiếm đã ra đón đồng chí Lê Duẩn trở về đất liền hoạt động. Nhiều cán bộ lão thành thường gọi vui đây là chuyến đi "tập kết ngược".
Trong hơn hai năm trời nằm sương gối đất, dãi nắng dầm mưa, vượt qua biết bao gian khổ hiểm nguy, đồng chí Lê Duẩn đã có mặt ở nhiều địa phương, từ Hòn Khoai đến cù lao Thái Sơn, từ đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long đến vùng cao nguyên Lâm Đồng, từ TP Sài Gòn đến Thủ đô Nam Vang (Vương quốc Campuchia). Tuy nhiên, bán đảo Cà Mau và vùng Tây sông Hậu là nơi đồng chí Lê Duẩn hoạt động lâu ngày nhất. Theo sự hồi tưởng của đồng chí Võ Văn Kiệt, trong thời gian sống lăn lộn trong lòng quần chúng cách mạng chí cốt của tỉnh Cà Mau, đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã ở nhiều nơi như: Giáp Nước, Đất Sét, Cái Bát, Quản Pháo, Rạch Liêm, Rạch Chệt, Biển Bạch...
Qua lời kể của đồng chí Võ Cương (Mười Năng) - bác sĩ của đồng chí Lê Duẩn và hai cán bộ cận vệ thân tín là đồng chí Tư Hoành (Nguyễn Văn Hoành), Năm Hoành (Trần Văn Hoành), đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã có mặt tại các địa phương: rạch Bà Đặng (xã Thới Bình, H.Thới Bình), kinh Ngang (xã Khánh Bình, H.Trần Văn Thời), kinh Tư (xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời), ấp Láng Cháo (xã Phú Tân, H.Phú Tân), ấp Tân Quảng (xã Nguyễn Việt Khái, H.Cái Nước), Năm Căn (xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển), rạch Gốc, rạch Cái Tắc (xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển), kinh Năm Khai Long (xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển), vàm sông Bồ Đề (xã Tam Giang, H.Ngọc Hiển).
Đồng chí Lê Duẩn với các gia đình cơ sở cách mạng miền Nam những năm 1955 - 1956 (Ảnh chụp năm 1980)
Qua sự thống kê của một số đồng chí đã từng được tiếp cận với đồng chí Lê Duẩn, trong thời gian bí mật hoạt động ở Cà Mau năm 1955, đồng chí Lê Duẩn đã ở 18 nơi thuộc phạm vi 14 xã, 5 huyện. Những địa phương ở nhiều nhất, lâu nhất là các huyện Cái Nước, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời. Do thời gian trôi qua quá lâu, những việc nhớ lại, tuy có sự "đại đồng tiểu dị”, nhưng về cơ bản trùng khớp với kết quả công tác sưu tầm "địa chỉ đỏ” của đội ngũ cán bộ ngành bảo tàng, Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau. Đến nay, toàn bộ danh sách của 17 hộ nông dân chí cốt với cách mạng đã có công nuôi dưỡng, chở che đồng chí Lê Duẩn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được đồng chí Võ Văn Kiệt ký giấy xác nhận để được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa.
Trong chuyến đi khảo sát dài ngày, ngồi trên chiếc vỏ lãi nhỏ bé len lỏi trong các con rạch nhỏ mọc đầy cây hoang cỏ dại, để đến thăm các gia đình cơ sở cách mạng trước đây đồng chí Lê Duẩn đã ở. Tại một số xóm ấp, kinh rạch, mương vườn, bờ tre, bụi bình bát... cho đến nay vẫn còn lưu lại không ít dấu vết những cái chòi con, những chiếc hầm bí mật đã một thời che giấu đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Đến H.Trần Văn Thời, chúng tôi ghé thăm gia đình ông bà Bảy Tốt (Bùi Văn Tốt) tại ấp Vườn Tre, nay gọi là ấp Kinh Tư thuộc xã Trần Hợi. Ông Bảy đã qua đời sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Còn bà Bảy mất năm 1985. Chúng tôi ngồi quây quần với những người trong gia tộc trên nền cũ của ngôi nhà nhỏ 3 gian, bồi hồi nghe kể lại chuyện xưa. Vào mùa xuân năm 1955, chính tại vùng này, đồng chí Lê Duẩn đã tiến hành cải trang để hoạt động bí mật. Từ tên gọi "anh Ba" thân thương đối với mọi người trong kháng chiến chống Pháp, nay biến thành ông lão nông với biệt danh "chú Chín". Cũng từ dạo ấy, anh Ba đã ăn trầu, hút thuốc, đầu đội nón lá và bịt khăn rằn, mặc áo quần bà ba bằng vải nâu, đựng đồ đặc trong bao cà-ròn không khác gì những ông già "Hai Lúa" ở miệt U Minh.
Để bảo đảm cho sự an toàn tuyệt đối, ở đây ban ngày đồng chí Lê Duẩn làm việc và nghỉ ngơi trên bộ ván kê kín đáo ở trong buồng. Lúc đêm về, khi bốn bề tĩnh lặng, đồng chí mới bước ra ngoài hàng hiên rảo bước quanh nhà để vận động và tìm những giây phút thư giãn. Hàng ngày, quần áo của đồng chí được giặt giũ và phơi phóng ở một nơi kín đáo, có canh phòng. Những lúc dùng bữa, cơm nước được đưa qua khung cửa hẹp khoét trên vách lá.
Rời ấp Vườn Tre, lướt trên những giề lục bình đơm bông tím ngắt, chiếc xuồng máy vượt qua Rạch Ruộng, vượt qua kinh Hào Sai, kinh Sáu Thước, kinh Tư... đưa chúng tôi đến gia đình bác Năm Đô (Phạm Văn Đô) ở ấp Đòn Dong, vẫn thuộc xã Trần Hợi, H.Trần Văn Thời. Bác Năm trai đã qua đời.
Xưa kia ấp Đòn Dong chỉ có mấy chục ngôi nhà. Đồng chí Lê Duẩn đã hai lần tá túc ở nơi này. Trong khoảnh khắc được trở về với những kỷ niệm xưa, bác Năm gái xúc động kể: "Hồi đó bà con nhân dân trong ấp này còn nghèo lắm. Trong thời gian ở nhà tôi, ông Chín (tức đồng chí Lê Duẩn) đóng vai cha chồng tôi. Người ổng ốm nhom, đen đúa, để râu dài và nói tiếng rất khó nghe. Vợ chồng tôi nấu cơm, đi câu cá nuôi ổng. Suốt ngày ổng làm việc ở trong buồng, cặm cụi viết ở trên cái rương gỗ kê bên cạnh các lỗ nhỏ được khoét trên vách để ánh sáng lọt vào".
Theo sự hướng dẫn của anh Phạm Hoàng Tân, người con thứ mười trong gia đình bác Năm, chúng tôi ra vườn phía sau nhà, đến một cây xoài lão ngã nằm chắn ngang mương vườn. Năm xưa một cái chòi nhỏ được cất dưới gốc xoài này. Trong chòi kê một bộ ván và ở dưới là hầm bí mật của đồng chí Lê Duẩn. Giờ đây cả chòi và bộ ván ở hầm bí mật không còn nữa, di vật còn sót lại trước mắt chúng tôi là thân cây xoài bị tróc gốc nằm bên bụi trúc, cành lá xơ xác trong bóng chiều bảng lảng.
Một "địa chỉ đỏ” không thể nào quên mà chúng tôi đã đến trong chuyến hành hương về nguồn kỳ thú này là ngôi nhà lịch sử của vợ chồng ông Huỳnh Văn Diêm (Năm Diêm) và bà Trịnh Thị Xuyến ở ấp 1, xóm Láng Cháo, xã Phú Tân, H.Phú Tân. Đây là nơi đồng chí Lê Duẩn đã đến nhiều lần và tá túc lâu nhất. Vợ chồng bác Năm Diêm đều đã qua đời cách đây hơn 30 năm. Người con gái thứ 6 của gia đình là chị Sáu Đến (Huỳnh Thị Đến) - người có công trong việc chăm sóc sức khỏe đồng chí Lê Duẩn cũng đã quá cố. Hiện nay chỉ còn anh Mười Lợi - người con trai út của bác Năm Diêm là nhân chứng trong gia đình, có thể kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện liên quan đến thời gian hoạt động cách mạng bí mật của đồng chí Lê Duẩn tại ngôi nhà này.
Theo lời kể của anh Mười, ngày trước ngôi nhà của anh khang trang nhất địa phương, phía trước có hàng rào hoa râm bụt, hai bên hông nhà trồng mãng cầu xiêm rất sai trái, phía sau là vườn trầu. Thời gian đầu mới đến, đồng chí Lê Duẩn ở tại ngôi nhà lớn và làm việc trong buồng. Những lúc sáng sớm hoặc chiều tối, đồng chí mới bước ra khỏi nhà để đi bộ và hít thở không khí trong lành. Về sau, bác Năm Diêm cất thêm một căn chòi nằm cách biệt ở phía sau vườn để đồng chí Lê Duẩn được làm việc yên tĩnh. Trong chòi kê một bộ ván lớn, thường trực bên cạnh đồng chí Lê Duẩn có thư ký riêng Châu Quốc Tuấn, bác sĩ Mười Năng và hai cán bộ cận vệ tin cẩn là anh Tư Hoành và Năm Hoành.
Anh Mười Lợi cho biết thêm, lúc ông Chín ở đây, chị Sáu Đến và vợ tôi lo chuyện cơm nước, còn tôi đêm đến giả làm người đi cắm câu để lo bảo vệ vòng ngoài. Sau khi cất chòi, ông Chín và những phụ tá đều làm việc, nghỉ ngơi và ăn uống tại chòi. Ông Chín sinh hoạt cần kiệm và giản dị lắm, đặc biệt ổng rất thích cá rô. Hàng ngày ông Chín vẫn mang theo bên mình một chiếc máy thu thanh sử dụng một loại pin đại để theo dõi tin tức và tình hình thời cuộc.
Một điều đặc biệt thú vị khi đến thăm nhà bác Năm Diêm, đó là chúng tôi phát hiện ra được nơi phát tích những dòng sơ thảo đầu tiên của bản Đề cương cách mạng miền Nam nổi tiếng. Theo lời kể đáng tin cậy của những người đã từng sống cận kề với đồng chí Lê Duẩn trong hai năm 1955 - 1956, như Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, thư ký Châu Quốc Tuấn và các cận vệ, ý tưởng ban đầu của bản sơ thảo Đề cương cách mạng miền Nam đã được đồng chí Lê Duẩn phác họa trong cái chòi ở phía sau nhà bác Năm Diêm.
Người có công chắp bút viết lại các ý tưởng và thể hiện được tư duy sắc sảo của đồng chí Lê Duẩn thành những trang sơ thảo đầu tiên bản Đề cương cách mạng miền Nam tại nhà ông Năm Diêm là đồng chí Châu Quốc Tuấn - một cán bộ tận tụy, thư ký của đồng chí Lê Duẩn hồi đó. Nhưng do chữ của đồng chí Châu Quốc Tuấn khó xem, nên khi viết tới đâu phải nhờ đồng chí Trần Văn Hoành (Năm Hoành) - một cán bộ cận vệ chép tới đó, rồi trình cho đồng chí Lê Duẩn đọc lại để chỉnh lý và bổ sung. Bản đề cương lịch sử này đã bước đầu hoàn thành vào mùa thu năm 1956 tại Văn phòng Thường vụ Xứ ủy ở TP Sài Gòn và gửi ra thủ đô Hà Nội tháng 12 năm đó. Hiện nay bản gốc vẫn được trân trọng lưu giữ.
Bản đề cương này đã được Đảng ta đánh giá là cơ sở của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 - cuộc hội nghị lịch sử do Bác Hồ chủ tọa họp tại Hà Nội vào tháng 01/1959, để xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng. Tuy nhiên, để cho bản đề cương này hóa thân nhuần nhuyễn vào trong nghị quyết, cả một tập thể đã tốn biết bao thời gian và tâm lực, phải viết đi viết lại đến 27 lần dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn.
(CATP) Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Nam Bộ có 3 khu tập kết: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc; Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười; Khu tập kết 200 ngày ở Giá Rai - Cà Mau. Các khu tập kết là nơi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ta tập hợp về đây để học tập các chủ trương của Trung ương, tổ chức mít-tinh, liên hoan mừng hòa bình, mừng kháng chiến thành công. Từ các vùng trước đây do giặc tạm chiếm đóng, đồng bào ta đến các khu tập kết để gặp mặt và chia tay với người thân và bạn bè sắp đi tập kết ra miền Bắc.
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên cán bộ Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ, 9/1954 - 01/1955)