Về khu tập kết Hàm Tân - Xuyên Mộc
Hàm Tân - Xuyên Mộc, nơi được chọn làm một trong hai khu vực tập kết ở miền Đông Nam Bộ, cách đây 70 năm thuộc huyện Long Đất, Bà Rịa - Chợ Lớn. Ban quân sự hai bên (Quân đội nhân dân Việt Nam và quân Pháp) đặt trụ sở tại Đất Đỏ để làm công tác tập kết chuyển quân. Đồng chí Lê Duẩn, trên cương vị Trưởng Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ đã về tận nơi đây để chỉ thị công việc trước mắt cho Tổ Liên hiệp đình chiến ở Xuyên Mộc.
Những đơn vị vũ trang và công an, các cơ quan dân - chính - Đảng của tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn có danh sách đi tập kết được phiên chế thành Trung đoàn Bà - Chợ, vừa làm nhiệm vụ chuẩn bị, vừa bảo vệ địa bàn cho các lực lượng của tỉnh và của Khu về khu vực tập kết.
Ngày 22/9/1954, lực lượng vũ trang 3 tỉnh miền Đông là Bà Rịa - Chợ Lớn, Gia Định - Tây Ninh, Thủ Dầu Một - Biên Hòa hành quân về khu Xuyên Mộc - Hàm Tân để chuẩn bị tập kết. Một tháng sau, những đơn vị này tập trung về Dốc Cây Cám, lên xe quân sự của Pháp đưa đến bến Gò Dầu để sang Vũng Tàu chuyển qua tàu lớn ra miền Bắc. Chính tại nơi đây - Dốc Cây Cám, cửa ngõ của khu tập kết (thuộc địa phận ấp Núi Nhọn, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đã diễn ra cuộc chia tay lưu luyến đầy xúc động của hàng vạn đồng bào huyện Đất Đỏ và các tỉnh miền Đông đến tiễn đưa lực lượng tập kết.
Về khu vực tập kết Cao Lãnh - Đồng Tháp
Thực hiện Hiệp định Genève theo điều 15, Khu tứ giác Đồng Tháp Mười và thị trấn Cao Lãnh được chọn làm điểm cho một số tỉnh ở miền Trung và miền Đông Nam Bộ, gồm các tỉnh Mỹ - Tân - Gò, Long Châu Sa, Gia - Định - Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2023
Khu tập kết Đồng Tháp Mười được giới hạn phía Bắc là biên giới Việt Nam - Campuchia; phía Tây từ Thông Bình thẳng xuống Bình Thành, phía Nam chạy dọc theo sông Tiền xuống phía Đông Nam Cao Lãnh 10km thẳng vào ấp Mỹ Điền, thẳng kinh Nguyễn Văn Tiếp đi qua Mỹ Hạnh Đông rồi Hưng Thạnh Mỹ, phía Đông thẳng từ Hưng Thạnh Mỹ lên biên giới về phía Nam đồi Báo Voi vùng Mỏ Vẹt tỉnh Tân An.
Ngày 15, 16/8/1954, quân Pháp và lực lượng võ trang các giáo phái thân Pháp rút đi, quân ta vào tiếp quản. Nhân dân Cao Lãnh vui mừng treo cờ đỏ sao vàng khắp nơi, 15.000 người kéo vào sân vận động Cao Lãnh tổ chức mít-tinh.
Từ ngày 10/10/1954 tại bến Bắc Cao Lãnh và Doi Me đã có 34 chuyến tàu, 4 chuyến máy bay chở khoảng 14,520 cán bộ, bộ đội (CBBĐ) ta đi tập kết ra miền Bắc, trong đó số người đi tập kết của tỉnh Long Châu Sa gần 2 tiểu đoàn 1.240 người.
Ngày 29/10/1954, chuyến tàu cuối cùng chở CBBĐ ta ra miền Bắc rời bến Cao Lãnh. Hàng ngàn quần chúng, người thân lưu luyến tiễn đưa, kẻ ở, người đi hẹn ngày trở về quê hương.
Trong 100 ngày tập hợp về đây, CBCS ta vừa học tập Hiệp định, vừa giúp dân sửa nhà, đắp đường, làm cầu, tuyên truyền xây dựng đời sống mới. Trong đó, có hai công trình mang ý nghĩa lớn là Đài Liệt sĩ và mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Bác Hồ. Những việc làm trên đây của CBBĐ ta đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và niềm tin sâu sắc của nhân dân.
Về khu tập kết Giá Rai - Cà Mau
Khu vực tập kết Giá Rai - Cà Mau là nơi chuyển quân tập kết lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà và quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Theo các điều khoản đình chỉ chiến sự và chuyển quân tập kết, vùng tập kết 200 ngày ở Cà Mau: phía Bắc là dòng sông Cái Lớn từ vàm đến ngã ba Nước Trong, từ rạch Nước Trong tới ấp Xẻo Lá; phía Đông chạy dọc theo kinh xáng Ngang Dừa đến Vĩnh Hưng, từ Vĩnh Hưng theo đường thẳng trực Nam ra biển. Như vậy, hầu hết đất đai tỉnh Bạc Liêu nằm trong khu vực tập kết Cà Mau.
Đây phần lớn là vùng giải phóng của hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá, cộng thêm vùng ven lộ Đông Dương 16 (này là QL1A), từ thị trấn Cà Mau - Tắc Vân lên thị tứ Hộ Phòng, thị trấn Giá Rai và thị tứ Hòa Bình (vùng địch tạm chiếm thuộc tỉnh Bạc Liêu).
Khu vực trung tâm của vùng tập kết và kinh xáng Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu - nơi Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Nam Bộ đã từng đóng bản doanh trong 5 năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngày 17/7/1954, quân Pháp cùng với cơ quan hành chính rút hết khỏi vùng tập kết Cà Mau. Ngày 28/8/1954, hai vạn đồng bào các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển và các xã ven thị trấn rầm rộ kéo về thị trấn Cà Mau mừng hòa bình.
Quân đội, chính quyền ta ở miền Tây và một phần của Nam Bộ tập kết về đây để chuyển quân ra Bắc. Ta chủ trương xây dựng khu tập kết này như một mô hình mẫu của chính quyền cách mạng, để đồng bào cảm nhận sâu sắc, so sánh với chế độ quốc gia giả biện của Pháp và tay sai, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đấu tranh giữ lấy những quyền lợi mà cách mạng đã đem lại cho họ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Sau khi tiếp quản khu tập kết Giá Rai - Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu đã xuất ngay ngân sách hàng trăm ngàn tiền Ngân hàng Đông Dương và 10.000 tấn gạo để hỗ trợ cho những gia đình bị đói ở 3 thị trấn Tắc Vân, Cà Mau và Giá Rai. Ủy ban Quân chính thị trấn Cà mau và thị trấn Giá Rai đã đổi giấy bạc Cụ Hồ ra giấy bạc Ngân hàng Đông Dương cho dân, tuyên bố xóa bỏ nợ tiền, nợ lúa của nông dân, tổ chức các buổi khám bệnh và phát thuốc cho người bệnh. Những ruộng muối, ruộng lúa của Cà Mau trước kia phải bỏ hoang nay được cách mạng giúp vốn, bộ đội giúp công cày đã sản xuất trở lại. Trước đây, đồng bào Cà Mau có 100 thuyền vận tải, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ta tiếp quản, trên sông đã có 1.000 thuyền đánh cá, 22 tàu vận tải. Bộ đội xây dựng hàng trăm căn nhà mới cho những gia đình không nơi nương tựa.
Về vấn đề văn hóa, chúng ta đã tiến hành sửa trường cũ, chống dột, cất thêm trường mới. Trong toàn khu tập kết, có 875 trường (có cả trưởng cho học sinh đồng bào Khmer). Trong thời gian 200 ngày, ta đã mở nhiều lớp bình dân học vụ cho 75% số người chưa biết chữ. Ta đã làm nhiều sân vận động mới, tuyên truyền vận động phong trào thể dục, thể thao, tổ chức luyện tập thi đấu bóng đá, bóng chuyền giữa các đơn vị bộ đội và thanh niên địa phương. Những buổi trình diễn của các đoàn văn công, đội ca múa thiếu nhi, đội múa lân đã thu hút nhiều quần chúng tham gia. Ngoài buổi chiếu phim ở các thị trấn, còn có một số đội chiếu phim lưu động phục vụ cho vùng sâu vùng xa. Phim Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên được Trung ương đưa vào chiếu cho đồng bào xem rất thích thú, nhất là thanh niên.
Về vấn đề y tế, chúng ta đã lập thêm 24 trạm y tế, nhà bảo sanh, điều trị hơn 10.000 lượt người bệnh trong khu vực và các nơi khác đến. Phong trào vệ sinh làm sạch đường phố, nạo vét cống rãnh, đào mương thoát nước ở các khu, xóm lao động được phát động, quần chúng tham gia đông đảo.
Vùng Cà Mau trong vùng tập kết chuyển quân (vùng ven lộ Đông Dương 16 và vùng Chắc Băng - Vĩnh Thuận - Rạch Giá) thường xuyên nhộn nhịp như ngày hội. Thân nhân của CBCS đi tập kết, đồng bào các giới khắp Nam Bộ và một số nơi ở Campuchia tới lui thăm nom người thân rất đông, không khí thật đầm ấm, vui vẻ. Trật tự an ninh khu tập kết được bảo đảm, ban đêm không có giới nghiêm, nhà không đóng cửa, đồ đạc không sợ bị trộm cắp. Bến xe, bến tàu ngày đêm tấp nập hành khách. Đường Bạc Liêu - Cà Mau trước đây mỗi tuần có hai chuyến xe đò thì nay lên 16 chuyến chạy suốt ngày đêm. Xe hàng từ 4 chiếc nay lên 14 chiếc, tàu ghe máy từ 100 chiếc lên hàng ngàn chiếc. Hàng quán mở thêm nhiều, hàng hóa dồi dào, mua bán náo nhiệt.
Qua 200 ngày đêm thăm khu tập kết Giá Rai - Cà Mau, đồng bào ta ghi nhận tinh thần phục vụ và thái độ đối xử vui vẻ, nhã nhặn, chân tình của CBBĐ cách mạng, khác hẳn với chính quyền của địch. Nhân dân khen văn nghệ cách mạng có nội dung lành mạnh, khác hẳn văn nghệ của vùng địch tạm chiếm. Bà con ta nhận thấy từ khi cách mạng tiếp quản một số thị trấn, thị tứ và một số nông thôn trong khu vực tập kết Giá Rai - Cà Mau, các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, hút thuốc phiện, trộm cắp, đĩ điếm, chửi tục, nạn bạo hành, tệ nạn mê tín dị đoan... hầu như mất hẳn.
Hình ảnh đẹp đẽ nhất và ấn tượng sâu đậm nhất để lại trong lòng đồng bào ta khi vào thăm khu vực tập kết Giá Rai - Cà Mau là đã được tận mắt chứng kiến việc chính quyền cách mạng chia ruộng đất cho dân nghèo. Bà con nông dân được cấp đất đến tận hàng rào dây thép gai đồn bốt địch. Chúng ta còn cấp giấy quyền sở hữu ruộng đất cho những người được chia và cả những trường hợp trước đây chưa có giấy chủ quyền.
Việc chia ruộng đất cho người nghèo được thực hiện trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, hơn thế cần được tiếp tục tổ chức thực hiện trong 200 ngày chuyển quân tập kết, được đánh giá là "lá bùa hộ mạng" cho cán bộ đảng viên ta bám trụ để hoạt động ở miền Nam, sau khi các chuyến tàu cuối cùng của Liên Xô và Ba Lan nhổ neo chở quân ta lên đường ra miền Bắc.
(Còn tiếp...)
(CATP) Để bảo đảm cho lệnh ngừng bắn, việc đình chiến có hiệu lực và sự chuyển quân của cả hai bên về các vùng tập kết được an toàn và đúng thời gian quy định, trong chương VI của Hiệp định Genève cũng như tại Hội nghị Trung Giã có quy định hai bên cần phải tổ chức Ủy ban Liên hiệp đình chiến (UBLHĐC). Trên chiến trường Nam Bộ, phía ta gọi là "UBLHĐC Nam Bộ".
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên cán bộ Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ, 9/1954 - 01/1955)