Hiệp định Genève 1954 - khát vọng hòa bình Việt Nam:

Bài 2: Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ - Những năm tháng không thể nào quên

Thứ Năm, 18/07/2024 09:29

|

(CATP) Để bảo đảm cho lệnh ngừng bắn, việc đình chiến có hiệu lực và sự chuyển quân của cả hai bên về các vùng tập kết được an toàn và đúng thời gian quy định, trong chương VI của Hiệp định Genève cũng như tại Hội nghị Trung Giã có quy định hai bên cần phải tổ chức Ủy ban Liên hiệp đình chiến (UBLHĐC). Trên chiến trường Nam Bộ, phía ta gọi là "UBLHĐC Nam Bộ".

Tại thị trấn Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (ngày nay là thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) được chọn để đóng trụ sở UBLHĐC Nam Bộ. Ở đây có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao thoa giữa hai điểm tập kết Cà Mau và Cần Thơ. Đường bộ nằm giữa Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, cách TP Cần Thơ 30km và cách sân bay Sóc Trăng 30km. Đường thủy nằm bên sông Cái Côn, nối liền sông Hậu Giang lên TP Sài Gòn và xuống Ngã Năm, Chắc Băng (Cà Mau) ra biển rất thuận tiện cho việc chuyển quân tập kết.

UBLHĐC phía Pháp do Đại tá Duque làm trưởng đoàn (sau đổi đại tá Colelen Bazien), một trung tá làm phó đoàn và một thành viên. Họ còn có phiên dịch viên và một nữ thiếu úy người Pháp sử dụng máy tốc ký để ghi biên bản.

UBLHĐC phía ta do Đại tá Phạm Hùng làm trưởng đoàn; đồng chí Phan Trọng Thệ - Phó đoàn và một số ủy viên cấp tá như: Hoàng Gia Lợi, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Hoàng, phiên dịch viên chính là Nguyễn Kim Cương, thư ký ghi tốc ký là Phạm Hưng.

Trung ương Cục còn cử thêm một số cán bộ đến Phụng Hiệp để phục vụ cho các mặt hoạt động khác của UBLHĐC Nam Bộ như: đồng chí Phạm Chung (Chánh văn phòng Trung ương Cục) chuyên trách công tác quản lý nội bộ; đồng chí Cà Mau phụ trách đại đội bảo vệ; đồng chí Nguyễn Văn Tông (Trưởng Phòng chính trị Sở Công an Nam Bộ) chuyên trách về công tác an ninh; đồng chí Tô Bửu Giám làm thư ký cho đồng chí Phạm Hùng; đồng chí Trần Hữu Phước (thư ký đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Cục miền Nam) chuyên trách công tác thông tin, văn hóa - văn nghệ.

Một số cán bộ trong cơ quan Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ (Ảnh chụp tại vùng Phụng Hiệp, Cần Thơ. Người đứng hàng đầu, từ phải sang trái là đồng chí Trần Hữu Phước - tác giả bài viết này)

Nơi ở của Phái đoàn Pháp tại thị xã Cần Thơ, cách Phụng Hiệp 30 km. Nơi ở của Phái đoàn Việt Nam tại Búng Tàu (nằm ở bờ kênh Quản Lộ), cách Phụng Hiệp khoảng 4,5km. Mỗi khi hai phái đoàn họp, có một chiếc tàu nhỏ đưa rước đoàn ta đi lại giữa Búng Tàu và Phụng Hiệp. Chiếc tàu này là chiến lợi phẩm của quân ta thu được trong một trận đánh trước ngày đình chiến không lâu, được cán bộ ngành quân giới tân trang và tu sửa lại. Hai bên hông tàu vẽ đôi chim bồ câu trắng vỗ cánh tung bay. Tàu được đặt tên là Hòa Bình.

Hồi nhớ lại 70 năm trước đây, mỗi khi chiếc tàu này lướt sóng trên kênh Quản Lộ đưa Phái đoàn ta ra Phụng Hiệp để làm việc với Phái đoàn Pháp, chúng tôi vui mừng khôn xiết được chứng kiến cảnh tượng hai bên dòng kênh, nhà nhà đều bày bàn thờ, hương đèn, cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, vừa vẫy tay chào đón phái đoàn vừa hoan hô vang dậy. Trên kênh này, trước đây nhân dân đã làm rất nhiều cản cây và cản cỏ để ngăn tàu chiến giặc đi hành quân càn quét. Nay đồng bào đã phá bỏ để khai thông dòng nước cho tàu Hòa Bình đi qua.

Chúng tôi không thể nào quên cảnh tượng đặc biệt trong ngày đầu tiên khai mạc phiên họp lịch sử của UBLHĐC Nam Bộ. Khi chúng tôi tới đây, bà con từ các nơi đổ dồn về trong cảnh trên bến dưới thuyền. Trên cả hai đầu cầu Phụng Hiệp cũng như tại khu chợ, dân thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn cũng như đồng bào ở lục tỉnh kéo về đông vui như ngày hội. Họ vui mừng ngắm những lá quốc kỳ màu đỏ sao vàng đang phất phới bay trên nóc trụ sở UBLHĐC Nam Bộ cũng như trước mũi tàu Hòa Bình. Họ cũng không giấu được sự tự hào khi nhìn thấy đội quân bảo vệ ta đứng canh gác trụ sở UBLHĐC trong tư thế của "bộ đội Việt Minh" chiến thắng, ăn mặc quân phục chỉnh tề, trên mũ có gắn quân hiệu hình lá quốc kỳ Việt Nam.

Nhớ mãi phiên họp đầu tiên bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 phút, từ hai căn nhà nhỏ làm nơi nghỉ chân, do công binh Pháp cất vội bằng vật liệu dã chiến, hai đoàn cùng tiến vào phòng họp. Mỗi đoàn ngồi một phía cạnh dài của chiếc bàn hình chữ nhật. Đại tá Duque - Trưởng đoàn Pháp tỏ ra lúng túng, mặt hơi cúi xuống, ngượng nghịu, đôi khi đảo mắt nhìn Trưởng phái đoàn ta. Đại tá Phạm Hùng rất nhạy cảm, hiểu được tâm trạng ít nhiều mặc cảm của đối phương, đã lên tiếng trước cắt đứt sự im lặng: "Thưa Đại tá, chúng ta bắt đầu". Duque ngước lên: "Thưa Đại tá, vâng, chúng ta bắt đầu". Đương nhiên là còn phải qua nấc phiên dịch. Phiên dịch của phái đoàn Pháp là đại úy phòng nhì người Việt nói: "Chắc quý vị đã hiểu cả”. "Không, đại úy cứ làm đầy đủ phần việc của mình", Đại tá Phạm Hùng nhắc. Viên sĩ quan phiên dịch vội nói: "Thưa Đại tá, trước khi đến phiên họp này, chúng tôi đã tìm xem hồ sơ tù Côn Đảo hai lần án chém của Đại tá, chúng tôi rất khâm phục". Nét mặt Đại tá Phạm Hùng trở nên rất cương nghị, gõ nhẹ tay xuống bàn: "Trước mắt, xem chương trình cuộc họp chiều nay. Tôi đề nghị anh nói thật nhã nhặn và lịch sự. Hãy lấy sự tôn trọng quyền bình đẳng đối với ngoại giao trên bàn hội nghị”.

Những phiên họp giữa hai phái đoàn ta và Pháp trong UBLHĐC Nam Bộ từ những tháng cuối năm 1954 đến đầu tháng 01/1955, nội dung chủ yếu là phái đoàn ta đã đấu tranh buộc phía Pháp phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Genève; tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, trao trả tù binh bị giam giữ. Chúng ta đòi Pháp phải cung cấp toàn bộ hồ sơ, danh sách tù nhân cho ta quản lý (khoảng 4.000 người), buộc họ không được phân biệt đối xử, không trả thù những người kháng chiến cũ. Trong vấn đề chuyển quân, ta kiên quyết đấu tranh buộc Pháp không được che kín tàu xe khi chở quân ta đến địa điểm tập trung để xuống tàu đi tập kết.

Mỗi khi phát hiện chính quyền Ngô Đình Diệm vi phạm hiệp định (như đàn áp các cuộc mít-tinh mừng hòa bình, bắt bớ, giam cầm, giết chết những người kháng chiến cũ...), phái đoàn ta thông báo cho Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát (gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada) biết để phái người đến tận nơi điều tra, buộc chính quyền Diệm phải chấm dứt vi phạm và cam kết không tái phạm, buộc chúng phải trừng trị kẻ có tội và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Ngoài nhiệm vụ chính trị nói trên, phái đoàn ta trong UBLHĐC Nam Bộ còn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên - dưới danh nghĩa là thành viên của đoàn - đi lại công khai hợp pháp, đặt biệt là những người bị lộ ở địa phương này có thể an toàn chuyển sang địa phương khác.

Sự có mặt của phái đoàn ta trong UBLHĐC Nam Bộ đã góp phần đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại Hiệp định Genève của chính quyền Ngô Đình Diệm (thời gian từ năm 1954 đến 1956).

Trước ngày quy định của Hiệp định Genève một tuần, ngày 31/01/1955 (mùng 8 tháng Giêng năm Ất Mùi) tại thị trấn Cà Mau, ta tổ chức lễ bàn giao khu tập kết 200 ngày cho quân đội Pháp. Trong cuộc mít-tinh lớn chưa từng có tại sân vận động Cà Mau, trên 100.000 người dự đứng chật ních và phải gắn nhiều loa phóng thanh ra ngoài trên 1km để đồng bào có thể nghe được tiếng nói. Ghe xuồng, tàu bè đông nghẹt. Ai đi trễ chỉ còn cách đứng ở xa nghe qua loa phóng thanh.

Đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ, thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa khen ngợi tinh thần cách mạng của đồng bào trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng chí báo cáo kết quả bước đầu đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Genève, cảm ơn nhân dân giúp đỡ việc chuyển quân tập kết đã thực hiện thành công. Đồng chí nói với đồng bào nhiệm vụ sắp tới sẽ có rất nhiều khó khăn phức tạp, nhưng Trung ương và Bác Hồ tin tưởng vào truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào Nam Bộ đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Giải đáp những điều băn khoăn lo lắng của đồng bào nêu lên tại chỗ rằng: "Nếu như trong thời gian tới đối phương phá hoại Hiệp định Genève, tiến hành bắt bớ đàn áp, giết chóc những người kháng chiến cũ thì phải làm sao?", đồng chí Phạm Văn Đồng xúc động trả lời: "Lúc đó chúng tôi sẽ trở về bên cạnh đồng bào!".

Sau khi chuyển quân tập kết ở Nam Bộ kết thúc, UBLHĐC giải thể. Phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát được thành lập vẫn do đồng chí Phạm Hùng làm trưởng đoàn, đóng tại Gia Định (nay là 87A Trần Kế Xương, Phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM). Phái đoàn liên lạc hoạt động từ tháng 5/1955 đến tháng 5/1958.

(Còn tiếp...)

Hiệp định Genève 1954 - khát vọng hòa bình Việt Nam: 70 năm nhìn lại (bài 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang