Cần 1.000 tỷ để đo đạc đất nông, lâm trường

Thứ Năm, 27/08/2015 21:10  | Hữu Nhân

|

Hôm nay 27-8, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả ngày để chất vấn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương đã tham gia giải trình nội dung này.

Tại phiên giải trình, nhiều tồn tại trong quản lý đất đai và rừng tại các nông, lâm trường quốc doanh được các đại biểu chỉ ra.

Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh

Sao không giao đất cho dân?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phản ánh, hiện các nông, lâm trường quản lý diện tích đất khá lớn nhưng sử dụng kém hiệu quả. Giao, khoán sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất. Tình trạng khoán trắng theo kiểu “phát canh thu tô” đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực. Đáng chú ý, phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang cho thuê đất. Ở các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên vẫn xảy ra tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng cạn kiệt…

Đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nêu rõ nguyên nhân của vấn đề này cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.

Thừa nhận thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết để khắc phục triệt để thì cách tốt nhất là sắp xếp lại, thay đổi cơ chế quản lý và cách tổ chức quản lý.

“Rõ ràng có một phần trách nhiệm của chúng tôi trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương để giám sát các nông, lâm trường trong việc quản lý, sử dụng quỹ đất cũng như rừng được giao. Tuy nhiên tôi cũng phải báo cáo là có những trường hợp, đặc biệt là cơ chế khi chúng tôi đề xuất ra chưa có hiệu quả cao, nhất là trong cơ chế khoán - quản”, Bộ trưởng Phát phân trần.

Trong số 13 triệu héc ta rừng hiện nay, diện tích rừng trực tiếp giao hộ gia đình chỉ chiếm 26% và giao cộng đồng quản lý chiếm 2%.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM), UBND cấp xã không phải là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý đất rừng nhưng lại đang quản lý khoảng 2,1 triệu ha. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, đó là những diện tích đất rừng xa dân, đất xấu, khó có điều kiện sản xuất. Nhiều diện tích được quy hoạch là đất rừng phòng hộ, đặc dụng.

“Với những vùng đất xa dân, có chất lượng đất kém, nếu giao cho dân thì hiệu quả sẽ rất thấp. Do không giao được cho tổ chức, cơ quan nào khác và cũng không thể giao cho dân sản xuất, nên phải giao cho UBND cấp xã quản lý”, ông Phát làm rõ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cho biết, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát lại diện tích này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Diện tích nào là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhưng có thể giao cho dân sản xuất thì sẽ đề nghị chuyển đổi, giao cho dân hoặc các tổ chức quản lý, sử dụng.

Chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, đặc biệt là phần giải thích đó là diện tích đất xa dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nói rõ, việc giao đất cho UBND cấp xã quản lý có đúng pháp luật không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát tái khẳng định, đây là diện tích đất đã bị xói mòn, chỉ còn trơ sỏi đá và “cây cũng không thể tự mọc”, nên chưa giao được cho dân. Những diện tích đất khác là vùng đất dốc, ven sông, ven suối đã được quy hoạch là đất rừng phòng hộ nên cũng không thể giao cho dân. “Không phải là mình có đất tốt mà dân thiếu đất lại không giao”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Thất thoát quỹ đất, tài sản của nhà nước

Cũng tại phiên giải trình, các vấn đề liên quan đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nông, lâm trường trước và sau khi chuyển đổi, sắp xếp lại; việc thu tiền sử dụng đất đối với đất giao không đúng thẩm quyền trước năm 1993 đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình, làm rõ.

Nêu câu hỏi với người đứng đầu ngành Tài nguyên - Môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Khá yêu cầu làm rõ khi nào cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất nông, lâm trường quốc doanh trước và sau khi chuyển đổi?

“Kết quả giám sát và báo cáo của 40 tỉnh, thành cho thấy, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất nông trường chưa đạt 50%, với đất lâm trường chỉ đạt khoảng 25%. Trong khi đó, việc giao đất chủ yếu được thực hiện bởi các nông, lâm trường, hồ sơ không được lập và quản lý chặt chẽ, nhiều nơi bị thất lạc. Việc giao đất lại không cụ thể, chỉ giao trên giấy tờ, trên bản đồ có tỷ lệ nhỏ, không đo đạc, cắm mốc rõ ràng trên thực địa, dẫn tới tình trạng lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang…”, đại biểu Khá bức xúc.

Trần tình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lưu ý đây là việc rất khó khăn. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải trên cơ sở lập bản đồ địa chính, nhưng tình trạng thực tế của đất nông, lâm trường hiện nay rất phức tạp. Việc chồng lấn, xen kẽ, tranh chấp, vi phạm pháp luật khá phổ biến nên việc rà soát, xác định ranh giới, đo vẽ bản đồ gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, kinh phí.

“Theo đề nghị hỗ trợ của các nông, lâm trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng kết lại, Bộ NN&PTNT đã thẩm định, Bộ Tài chính sẽ trình, tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là khoảng 1.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Quang cho biết, đồng thời khẳng định, nếu được hỗ trợ sẽ đảm bảo hoàn thành trong năm 2016.

Bình luận (0)

Lên đầu trang