Chiều 13/11, thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8 về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương hết sức cấp bách này.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận, các ĐBQH đều đồng tình, nhất trí cao với chủ trương đầu tư chương trình ở quy mô chương trình mục tiêu quốc gia, đánh giá cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ Công an và các cơ quan có liên quan. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm, từ năm 2025 đến năm 2030, với tổng mức đầu tư 22.450.000 tỷ đồng gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án, do Bộ Công an quản lý chương trình và 8 bộ ngành chủ trì các dự án thành phần.
Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của chương trình được xây dựng theo 3 trụ cột: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, tập trung giải quyết những vấn đề có tính chất cấp bách trong PCMT có trọng tâm, trọng điểm. Các ý kiến thảo luận, trao đổi tập trung đề nghị rà soát chỉ tiêu, mục tiêu và bổ sung các giải pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo tính khả thi của các chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu rất cao. Quan tâm đầu tư nguồn lực tương xứng để thực hiện chương trình mang lại hiệu quả đột phá và có tính bền vững, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tế, lưu ý vốn đối ứng của các địa phương còn khó khăn về ngân sách, ưu tiên nguồn lực cho địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, với tính chất đặc biệt của tội phạm ma tuý, về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến về chương trình này cũng bày tỏ băn khoăn như các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đã rà soát kĩ lưỡng với Bộ Công an và các bộ ngành liên quan khi thiết kế chương trình.
“Tuy vậy, Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát kĩ về mục tiêu, chỉ tiêu, về nguồn lực và con người để đảm bảo tính khả thi của chương trình. Sau khi xin ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, xin Quốc hội đồng ý phương án được ghi trong Nghị quyết khi thông qua chương trình, đó là: “Trong quá trình thực hiện chương trình, căn cứ vào tình hình thực tiễn và qua sơ kết, đánh giá chương trình hàng năm sẽ bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt chương trình”-Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Đồng thời, chú trọng các giải pháp có hiệu quả hơn đối với các vấn đề nổi lên trong thực tiễn như việc kiểm soát vận chuyển ma tuý qua cảng biển, cửa khẩu hàng không, trên không gian mạng, xung quanh trường học, sản xuất ma tuý tổng hợp từ hoá chất, tiền chất, sản xuất, mua bán các chất ma tuý gây ảo giác như bóng cười, nước vui, thuốc lá nung nóng, đảm bảo tính linh hoạt trong cơ chế quản lý điều hành chương trình, làm rõ các cơ chế đặc thù để tạo thuận lợi cho chương trình khi triển khai.
Thay mặt cơ quan chủ trì báo cáo giải trình thêm các ý kiến ĐBQH nêu, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tổng quan chương trình là trên cơ sở tổng kết, đánh giá, kế thừa kết quả đạt được của các chương trình PCMT giai đoạn trước và để xác định được các mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn tới sát với tình hình công tác PCMT hiện nay và khả thi về nguồn lực.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo, giải trình về các vấn đề ĐBQH nêu
Quá trình xây dựng đã rà soát, đánh giá kĩ để đảm bảo nhiệm vụ, nội dung đầu tư của chương trình không trùng lắp các chương trình khác và các chương trình, đề án kinh tế xã hội đang triển khai và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Theo Bộ trưởng, ban soạn thảo đang ưu tiên đầu tư trực tiếp cho cơ sở để chủ động làm tốt công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý từ sớm, từ xa trên địa bàn cơ sở. Đại tướng Lương Tam Quang cho biết, không có chương trình này thì các lực lượng chức năng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ PCMT. Do đó, để chương trình đạt được hiệu quả cao nhất, ban soạn thảo đã thiết kế như vậy trên cả 3 mặt, giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại để góp phần cho xã hội bình yên, từng bước ngăn chặn, giảm thiểu những tác hại của ma tuý đối với mỗi người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Đối với ý kiến của một số ĐBQH đề nghị làm rõ thêm một số nội dung, Bộ trưởng cho biết đã có báo cáo bằng văn bản để giải trình chi tiết. Về lo ngại của một số đại biểu về việc một số chỉ tiêu của chương trình đề ra quá cao, thậm chí tuyệt đối 100% là khó khả thi, theo Đại tướng Lương Tam Quang, trong quá trình xây dựng chương trình, ban soạn thảo cùng các bộ, ban ngành đã nghiên cứu, phân tích, đồng thời đánh giá rất kĩ các chỉ tiêu này và trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống TPMT thời gian qua.
“Quan điểm của chúng tôi, đây là các chỉ tiêu mang tính nguyên tắc, bắt buộc phải thực hiện, có tính khả thi”-Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh. Nêu ví dụ như chỉ tiêu “về các điểm, tụ điểm, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma tuý phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết, hiện nay đây cũng là chỉ tiêu mà Bộ Công an đang chỉ đạo, giao cho công an các đơn vị, địa phương phải tổ chức thực hiện bằng được. “Chúng tôi đang yêu cầu khi phát hiện thì trong vòng 90 ngày làm phải triệt phá bằng được vì đây là trách nhiệm bám nắm, quản lý địa bàn”, Bộ trưởng thông tin và khẳng định, tất cả các chỉ tiêu đặt ra đều khả thi, có khả năng đạt được, dù theo các đại biểu là rất cao. Bộ trưởng cho biết, các chỉ tiêu này đều đã được phối hợp với các bộ ngành rà soát, đánh giá rất kĩ.
Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT đến năm 2030
Về lo ngại của một số đại biểu cho rằng nguồn lực thực hiện chương trình còn hạn chế, Bộ trưởng Lương tam Quang cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát tính toán từng nội dung, từng nhiệm vụ và tập trung nguồn vốn để thực hiện các vấn đề có tính cấp bách, trước mắt và đảm bảo thực hiện ngân sách tiết kiệm hiệu quả, đúng mục đích, tránh dàn trải. Ngoài ra, để đảm bảo tính linh hoạt trong bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình thì trong quá trình điều hành, các cơ quan được giao nhiệm vụ sẽ tham mưu với Chính phủ và tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để phù hợp với điều kiện thực tế và sẽ báo cáo với Quốc hội ưu tiên hỗ trợ thêm nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của chương trình.
Về nguyên tắc phân bổ vốn, ban soạn thảo đã tính toán dựa trên nguyên tắc được áp dụng với cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện hiện nay. Đó là: đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách sẽ dùng ngân sách địa phương 100% để thực hiện chương trình và ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 100% với các địa phương không tự cân đối được. Đồng thời cũng đã tính toán đến việc phân bổ ngân sách đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện chương trình.
Nhấn mạnh PCMT là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân và kết quả công tác PCMT phải dựa vào cả hệ thống chính trị xã hội, trong đó lực lượng Công an và các lực lượng chuyên trách khác là nòng cốt. Chính vì vậy, Bộ trưởng nêu rõ, Mặt trận TQVN và các tổ chức chính trị xã hội khác là thành viên quan trọng không thể thiếu trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, xác định PCMT từ cơ sở là nhiệm vụ then chốt, chương trình đã đề xuất bố trí nguồn lực cho cấp xã, do Uỷ ban cấp xã chủ trì phân bổ triển khai, phân công các tổ chức, cá nhân tham gia PCMT từ cơ sở trên tất cả các mặt để giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma tuý. Trong đó, MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu khi tổ chức thực hiện tại cơ sở.
“Việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách, để ngăn chặn hệ luỵ nghiêm trọng của tội phạm và tệ nạn ma tuý đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bề vững của đất nước. Bộ Công an trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các ĐBQH và mong nhận được sự quan tâm ủng hộ để chương trình được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV”-Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu.