Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 - biểu tượng rực rỡ của tinh thần đại đoàn kết

Thứ Bảy, 05/04/2025 16:34

|

(CAO) Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là biểu tượng rực rỡ của tinh thần đoàn kết toàn dân, kết tinh từ truyền thống hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Trong suốt hành trình 21 năm trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kết thành một khối thống nhất, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 không chỉ là một chiến thắng về mặt quân sự mà còn là biểu tượng rực rỡ của tinh thần đoàn kết toàn dân, kết tinh từ truyền thống hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975 - minh chứng cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tinh thần đoàn kết. Người khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”; Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi."

Do đó, ngay từ khi tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất lưu ý tới công tác tập hợp quần chúng, đưa họ vào những tổ chức yêu nước phù hợp với đặc điểm của từng giới, lứa tuổi, giai cấp, tôn giáo.

Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh của dân tộc. Trải qua các thời kỳ cách mạng, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết nên những trang sử hào hùng.

Đặc biệt, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quyết sách lấy đoàn kết làm sức mạnh

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã xác định rõ rằng chiến thắng chỉ có thể đạt được nếu huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Do đó, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết.

Hợp tác xã Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội) mở lớp học văn hóa để nâng cao trình độ văn hóa cho phụ nữ (1967). (Ảnh: TTXVN)

Một trong những quyết sách quan trọng nhất là việc thành lập các tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước.

Năm 1955, tại miền Bắc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, đóng vai trò hạt nhân đoàn kết, quy tụ toàn dân xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến.

Ở miền Nam, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, quy tụ các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, dân tộc, thành phần trí thức, công nhân, nông dân... cùng hướng tới mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiếp đến, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam được thành lập năm 1968 đã góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết, thu hút thêm các lực lượng yêu nước, trong đó có cả những nhân sỹ, trí thức, những người từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn nhưng có tinh thần dân tộc.

Các tổ chức trên đã đóng vai trò quyết định trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức Nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận, ngoại giao và cả vũ trang, kết hợp thế trận nhân dân với các chiến lược quân sự để từng bước làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của Mỹ-ngụy.

Đoàn kết quân-dân - chìa khóa thành công

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đoàn kết quân-dân là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Nền tảng đó đã được quân và dân ta không ngừng vun đắp với nhiều phương thức, cách làm sáng tạo, phong phú, phù hợp với hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia làm hai miền.

Ở miền Bắc, quân và dân cùng nhau xây dựng hậu phương vững mạnh, tạo nền tảng vật chất và tinh thần cho tiền tuyến miền Nam. Hàng triệu người đã hăng say lao động, sản xuất với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược," “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người," “Nhường nhà để hàng, nhường làng để xe," “Xe chưa qua, nhà không tiếc."

Phụ nữ Hợp tác xã Ngô Đồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình mở hội cấy mùa đúng thời vụ, đúng kỹ thuật, tăng năng suất lao động (năm 1970). (Ảnh: TTXVN)

Các phong trào thi đua "Ba sẵn sàng," "Ba đảm đang," "Thanh niên xung phong" được phát động rộng khắp, huy động sức trẻ của cả nước vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những đoàn tàu không số vượt biển chi viện cho miền Nam, những con đường Trường Sơn huyền thoại nối liền hai miền đều là thành quả của sự gắn kết bền chặt giữa quân và dân.

Ở miền Nam, bộ đội anh dũng đánh giặc, dân chúng kiên trì bám đất, bám làng, vừa sản xuất vừa chiến đấu, trở thành chỗ dựa vững chắc cho cách mạng. Những "vành đai diệt Mỹ" xuất hiện khắp nơi, những bà mẹ anh hùng ngày đêm che chở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội; những chiến sỹ du kích kiên cường chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương. Nhân dân miền Nam không chỉ đóng vai trò hậu cần mà còn trực tiếp tham gia vào các trận đánh, làm công tác binh vận, phá ấp chiến lược, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, góp phần làm tan rã bộ máy kìm kẹp của địch.

Tại Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và các đô thị lớn, cùng với sự anh dũng chiến đấu của toàn quân, phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức và các tầng lớp Nhân dân cũng diễn ra sôi nổi. Các cuộc biểu tình, bãi công, xuống đường phản đối chế độ Sài Gòn, đòi hòa bình, độc lập đã góp phần làm suy yếu chính quyền tay sai, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành thắng lợi nhanh chóng.

Như vậy, đoàn kết quân-dân không đơn thuần chỉ là mối quan hệ giữa lực lượng vũ trang và nhân dân, mà chính là sự hòa quyện, đồng cam cộng khổ trong từng trận chiến, từng bước đi của cuộc kháng chiến. Đây chính là nền tảng vững chắc để cách mạng Việt Nam làm nên những kỳ tích. Chính sự gắn kết bền chặt giữa quân và dân đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, giúp cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù.

Cao trào đoàn kết trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Trên cơ sở các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất và sự đoàn kết gắn bó máu thịt quân-dân, Đảng ta đã tổ chức xây dựng, thực hiện thế trận chiến tranh nhân dân trường kỳ, toàn diện bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, vừa khởi nghĩa vũ trang vừa tiến công quân sự; vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Các lực lượng chính trị và vũ trang nhân dân đều được tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo một cách bài bản, chặt chẽ, thống nhất bởi một Đảng cách mạng, chân chính, khoa học, tiêu biểu cho lợi ích, trí tuệ, bản lĩnh và ý chí sắt đá của toàn dân tộc. Nhờ vậy, trong suốt trường kỳ kháng chiến, sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết thống nhất dân tộc và sức mạnh của chiến tranh nhân dân không ngừng được nhân lên. Quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng.

11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. (Ảnh: TTXVN)

Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, chớp thời cơ chiến lược, Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc động viên tổng lực trong cả nước ở mức cao nhất cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thu giang sơn về một mối. Thực hiện quyết tâm của Đảng, cả dân tộc dốc sức, dồn lực ra quân thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong Mùa Xuân 1975 lịch sử.

Chiến thắng vang dội tại Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng đã nhanh chóng tạo thời cơ phát động Chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Toàn thể Quân đội và Nhân dân cùng dốc sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến được dồn lại cho thời khắc lịch sử vinh quang.

Trưa 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn, chấm dứt hơn 20 năm chia cắt đất nước. Dân tộc ta đã giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là minh chứng cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay

Sau khi đất nước thống nhất, tinh thần đại đoàn kết tiếp tục trở thành động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là các Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Những thành tựu kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc. Các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tội phạm… đều được triển khai dựa trên sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội.

Ngày 23/5/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ Nhân dân tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động, như: “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa,” “Ngày vì người nghèo,” “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa," “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh," “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, đoàn kết dân tộc còn là yếu tố cốt lõi để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia. Nhân dân cả nước luôn đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, kiên quyết đấu tranh với mọi hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo, biên giới. Đồng thời, sự tham gia của Nhân dân vào nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tiếp tục là nền tảng để giữ vững sự ổn định đất nước.

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, WTO, Liên hợp quốc... Sự đồng lòng của nhân dân trong việc xây dựng một Việt Nam đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Ngày 24/11/2023, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc."

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa."

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trọng tâm là nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, huy động nguồn lực trong và ngoài nước, giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vững bước hội nhập quốc tế.

Có thể khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã làm nên những chiến công vĩ đại trong quá khứ và sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang