Đề xuất bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng đối với nhà giáo

Thứ Tư, 20/11/2024 09:55  | Mai Loan

|

(CAO) Nhà giáo không chỉ phải có đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo...

Sáng nay (20/11), tại Nhà Quốc hội (QH), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị ĐBQH quan tâm 8 vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. 

Toàn cảnh phiên họp

Bổ sung quy định về phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.

Cơ bản đồng tình với sự cần thiết việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo, ĐB Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn nữa về sự cần thiết, theo đó giải thích cụ thể tại sao trong Luật Giáo dục đã có 1 Chương quy định về nhà giáo nay lại ban hành Luật nhà giáo...

ĐBQH Trần Văn Tiến phát biểu tại phiên họp

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật đang quy định nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. ĐB đề nghị làm rõ, đối với quy định này được hiểu như thế nào là đúng. Bên cạnh đó, làm rõ đối với các nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thuộc đối tượng của dự thảo Luật này không?

Về tuyển dụng nhà giáo được quy định tại Điều 16, đại biểu cho biết, tại điểm a khoản 1 Điều này quy định tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Theo ĐB, quy định như vậy được hiểu là bất kể người nào đủ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là được tuyển dụng. Như vậy là chưa phù hợp, do vậy, dự thảo Luật cần phải quy định thêm là “phải căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng nhà giáo”.

Liên quan đến nội dung về tiền lương và phụ cấp tại Điều 27, điểm d khoản 1 Điều này quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, ĐB cho biết, tại Điều 18 quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể. Do vậy, ĐB đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này…

Các ĐBQH tại phiên họp

Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, vị ĐB cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. ĐB băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không, nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng. Vì vậy, ĐB đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội.

Cần đồng bộ trong các quy định về quản lý nhà giáo

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán trong việc xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi, có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Đồng thời, khẳng định rõ là cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, đặt ra yêu cầu cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo.

ĐBQH Trần Văn Thức phát biểu tại phiên họp

Về thực trạng hệ thống pháp luật hiện nay, các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự điều chỉnh của 6 luật gồm: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học.

Tuy nhiên, các nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay và việc kiến tạo các chính sách phát triển đội ngũ đột phá cho sự phát triển, nâng tầm quản lý nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn, không thể quy định chung trong các luật hiện hành nói trên.

Còn theo ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 Điều 16.

ĐB cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng tại điểm a khoản 3 về các trường hợp đặc cách ưu tiên để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định...

ĐBQH Tô Văn Tám phát biểu tại phiên họp

Liên quan tới chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Điều 14 dự thảo Luật, vị ĐB nêu rõ, giáo dục có vai trò quan trọng và nhà giáo là trung tâm, là người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức của các thế hệ người học.

Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học.

Từ phân tích trên, ĐB Tô Văn Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật…

Bình luận (0)

Lên đầu trang