Hơn 9,2 triệu người có công được chăm lo
Ngày 24/7, tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ. Tổng Bí thư xúc động bày tỏ: "Máu đào và sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do".
Tổng Bí thư nêu bật tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu liệt sĩ - những người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình".
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định công tác "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thủ tướng tiễn đưa hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam về Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc (phường Thới Sơn, tỉnh An Giang) hôm 21/7/2025
Theo Tổng Bí thư, đến nay đã có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công và thân nhân đã được cải thiện. Ngoài chế độ trợ cấp, người có công còn được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo...
Thời gian qua, có hơn 7.000 hồ sơ chính sách tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Nhà nước công nhận. Riêng 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, trao thêm 325 bằng Tổ quốc ghi công.
Đẩy mạnh công tác quy tập hài cốt liệt sĩ
Đặc biệt, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Sáng 21/7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc (phường Thới Sơn, tỉnh An Giang), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ viếng, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Vương quốc Campuchia và trong nước.
Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc có tổng diện tích hơn 35.000m2, được xây dựng vào năm 1986, hiện đã quy tập hơn 9.000 ngôi mộ của các liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh, được mệnh danh là nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi An Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải thông tin: Từ năm 2001 đến nay, với sự nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ của Đội 93 đã vượt qua khó khăn gian khổ, tìm kiếm, quy tập được 2.141 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia, trong đó có 251 hài cốt xác định được danh tính. Riêng giai đoạn mùa khô năm 2024 - 2025, đã tổ chức tìm kiếm 42 vị trí, quy tập được 56 hài cốt liệt sĩ (tại Campuchia 51 hài cốt, ở trong nước 5 hài cốt). Cùng với tiếp nhận 25 hài cốt liệt sĩ do Đội K90/Quân khu 9 tìm kiếm, quy tập được tại Campuchia; nâng tổng số hài cốt liệt sĩ được truy điệu là 81 hài cốt liệt sĩ, trong đó an táng 80, vì có 1 hài cốt được người thân tiếp nhận và đón về quê an táng.
Phát biểu lại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đặc biệt trân trọng những nỗ lực, quyết tâm và thành tích đạt được trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Quân khu 9; đồng thời, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực, thành tựu của toàn thể các cán bộ, chiến sĩ các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên cả nước - những người ngày đêm bám địa bàn, lặng thầm làm công việc cao cả, nghĩa tình và đầy khó khăn, gian khổ. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn ghi nhận, trân trọng những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của các đồng chí.

Hài cốt Liệt sỹ được tìm trong hốc đá tại cao điểm 211, thuộc Thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang (cũ)
Thủ tướng chia sẻ và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với các gia đình thân nhân liệt sĩ - những người bao năm qua vẫn đau đáu nỗi niềm, mòn mỏi mong chờ ngày được đón hài cốt người thân trở về với đất mẹ. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục làm hết sức mình, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ, để không một liệt sĩ nào bị lãng quên, không một gia đình liệt sĩ nào phải chờ đợi trong vô vọng.
Nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cũng rất quyết tâm trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ngày 18/7, tại Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (xã Bình Hiệp), UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ truy điệu, bàn giao và an táng 156 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Vương quốc Campuchia, ở các địa phương tỉnh Pailin, Svay Rieng, Battambang... được Đội K73 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh) tìm kiếm và quy tập trong đợt 24.
Tính đến nay, sau 24 đợt quy tập, Đội K73 đã đưa về nước 2.933 hài cốt liệt sĩ, trong đó 168 hài cốt xác định được danh tính. Những người con ưu tú ấy, dù có tên hay chưa rõ danh tính, đều được tôn vinh với tên chung cao quý: Anh hùng Liệt sĩ.
Trước đó, ngày 26/6, tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - cũ), Ban chỉ đạo 515 tỉnh Bình Phước tổ chức lễ đón các cán bộ, chiến sĩ Đội K72 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước) về nước, kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và đưa 80 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia (đợt II, giai đoạn XXIV mùa khô 2024 - 2025) về nước an táng.
Đợt II, giai đoạn XXIV, Đội K72 đã cử 32 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc tại 80 phum, 40 xã thuộc địa bàn 16 huyện của 2 tỉnh Kratie và Kampong Thom. Sau hơn 4 tháng tìm kiếm, với tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đội K72 đã tìm kiếm, cất bốc được 80 bộ hài cốt; trong đó 74 hài cốt được tìm kiếm, cất bốc tại địa bàn tỉnh Kratie.
Từ năm 2002 - 2025, Đội K72 đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, tìm kiếm hàng ngàn vị trí và đã cất bốc trong nước, hồi hương 3.874 hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ trên địa bàn Campuchia về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước (trong đó có 3.163 hài cốt liệt sĩ quy tập ở Campuchia và 711 hài cốt liệt sĩ được quy tập ở trong nước).
Tại các tỉnh biên giới phía Bắc, tại Hà Giang (cũ), có hơn 4.266 liệt sỹ đã ngã xuống - nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Từ năm 2018, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã được thành lập. Đội này hiện đã quy tập được 3.077 hài cốt liệt sỹ nhưng đến nay vẫn còn 1.189 hài cốt liệt sỹ cần tìm kiếm, quy tập. Đó là nỗi trăn trở của không chỉ riêng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, mà còn là nỗi đau đáu của toàn xã hội.
Hiện nay, cả nước vẫn còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng chưa xác định được danh tính và khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được. Do vậy, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và tiếp tục thực hiện với quyết tâm và tình cảm cao nhất.
Mở rộng chính sách ưu đãi người có công
Dự kiến quý 3 và 4 năm nay, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ 2 nghị định quan trọng về các chính sách liên quan đến người có công với cách mạng. Đó là nghị định điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng cho lực lượng thanh niên xung phong từng tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975 và nghị định thay thế quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (cập nhật và mở rộng các chính sách ưu đãi).
Theo Bộ Nội vụ, cả nước hiện có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600.000 thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học...
Phát biểu tại Hội nghị người có công tiêu biểu hôm 24/7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công.
Bộ trưởng Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, tiếp tục đổi mới tư duy, nỗ lực tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách đối với người có công theo hướng phục vụ, hiện đại, toàn diện, bao trùm, hiệu quả và nhân văn. Bộ Nội vụ sẽ thực hiện đầy đủ và hiệu quả định hướng về chính sách đối với người có công theo tinh thần Nghị quyết 42 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đó là, chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội.