Đưa Vân Nam và Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Trung Quốc với ASEAN

Thứ Tư, 06/11/2024 14:34

|

(CAO) Trong khuôn khổ dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8 và công tác tại Trung Quốc, ngày 6/11, tại thành phố Côn Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam.

Trong không khí hữu nghị, chân thành và tin cậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh cùng bày tỏ vui mừng và đánh giá tích cực về những tiến triển của quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền và các cơ quan hữu quan tỉnh Vân Nam vừa qua đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác điều tiết xả lũ, giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra; ghi nhận và đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác giữa các cấp, các ngành Việt Nam và tỉnh Vân Nam; khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, quan tâm, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương Việt Nam tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Vân Nam có vị trí hết sức quan trọng trong tổng thể quan hệ Việt - Trung. Việt Nam và Vân Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, có nhiều ưu thế bổ sung lẫn nhau, đồng thời mong muốn, nhu cầu của cả hai bên trong việc giao thương, qua lại là rất lớn.

Thủ tướng đề nghị Vân Nam đi tiên phong trong thực hiện nhận thức chung cấp cao và các Tuyên bố chung, tăng cường giao lưu với các địa phương Việt Nam - Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị Vân Nam đi tiên phong trong thực hiện nhận thức chung cấp cao và các Tuyên bố chung, tăng cường giao lưu với các địa phương Việt Nam; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Vân Nam lên mức 5 tỷ USD, đưa Vân Nam và Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Trung Quốc với ASEAN; thúc đẩy triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh; tăng cường phối hợp trong công tác điều tiết xả lũ, phòng, chống thiên tai; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho công dân Việt Nam sinh sống tại Vân Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo 03 văn kiện về biên giới trên đất liền và các thỏa thuận liên quan, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền trong năm 2024.

Tán thành với những ý kiến quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh bày tỏ hoan nghênh và vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đến thăm tỉnh Vân Nam.

Bí thư Vương Ninh khẳng định Vân Nam coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam - Ảnh: VGP

Bí thư Vương Ninh khẳng định Vân Nam coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam; sẵn sàng cùng các bộ, ngành, địa phương Việt Nam thực hiện tốt nhận thức chung của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm, cũng như các chỉ đạo, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính; tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ chế hợp tác hiện có, nhất là cơ chế gặp gỡ giữa Bí thư 5 tỉnh, làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại, tận dụng tốt các dự án đường sắt kết nối giữa hai nước, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ.

Bí thư cho biết Vân Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Vân Nam có thế mạnh về năng lượng xanh, nông nghiệp đặc sắc cao nguyên, du lịch; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, kinh tế cửa khẩu, hợp tác phát triển ngành nghề sản xuất tiên tiến; hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như đào tạo cán bộ, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, góp phần củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam.

Đề nghị ADB hỗ trợ vốn cho các dự án lớn và khu vực tư nhân của Việt Nam

Sáng 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn ADB về chặng đường hợp tác, phát triển 30 năm qua với Việt Nam, đã dành nguồn vốn 2 tỷ USD cho các dự án tại Việt Nam thời gian qua; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy, có nhiều đóng góp hỗ trợ thiết thực vào quá trình phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị trong giai đoạn phát triển mới, ADB tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn với Việt Nam, hỗ trợ nguồn vốn với cách làm mới, quy mô lớn hơn, lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng, hài hòa giữa hai bên, tập trung cho một số dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, mang tính chất chuyển đổi tình thế, xoay chuyển trạng thái trong các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vận vật, các dự án hạ tầng chiến lược lớn như sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc…, các dự án ứng phó sạt lở, sụt lún tại ĐBSCL, miền Trung, các trung tâm năng lượng, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, hydrogen, hệ thống truyền tải điện…

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị mở rộng quy mô hoạt động của ADB tại Việt Nam trong lĩnh vực tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ vốn cho khu vực tư nhân. Việt Nam sẽ xây dựng chính sách khuyến khích khối tư nhân vay vốn các đối tác như ADB.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tích cực rà soát, đánh giá các chính sách, quy trình, thủ tục về ODA, đầu tư công để điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, phân quyền…; đồng thời rà soát, giải quyết những vướng mắc liên quan thủ tục miễn thuế.

Về phần mình, Chủ tịch ADB chia buồn về những mất mát, thiệt hại về người và tài sản của Việt Nam trong bão số 3; đồng thời đánh giá cao phản ứng nhanh, hiệu quả của Chính phủ trong ứng phó và khắc phục hậu quả bão; cho biết đã thu xếp khoản vay 2 triệu USD cho Việt Nam khắc phục hậu quả bão và mong giải ngân nhanh.

Ngài Chủ tịch cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng Mekong với vai trò là một trong những quốc gia sáng lập cơ chế Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) với sự hỗ trợ của ADB. Với vai trò điều phối thông qua Ban thư ký GMS, ADB mong Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ GMS.

Đánh giá Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, ông Masatsugu Asakawa cho biết với vai trò "ngân hàng khí hậu của châu Á", ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cũng như hỗ trợ khu vực tư nhân của Việt Nam, phát triển các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, thu hút thêm nhiều nguồn vốn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đánh giá cao và đề nghị Việt Nam tiếp tục các nỗ lực điều chỉnh quy định theo hướng phù hợp, đơn giản hơn, ông cho biết ADB mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng để triển khai nhanh các dự án.

Thủ tướng cho biết luôn chào đón ông Masatsugu Asakawa thăm lại Việt Nam, đề nghị ông trên cương vị nào cũng luôn ủng hộ Việt Nam và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tốt với người kế nhiệm ông tại ADB.

Bình luận (0)

Lên đầu trang