Đường Hồ Chí Minh trên biển được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Thứ Tư, 27/11/2024 20:49

|

(CAO) Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt  Đường Hồ Chí Minh trên biển vào ngày 26/11/2024. Bằng xếp hạng di tích này được cấp cho 4 địa phương gồm: TP.Hải Phòng (địa phương có cảng xuất phát), Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau (các tỉnh mở bến).

Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 26/11/2024

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, do Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam. Đây là một nhân tố quan trọng, chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tàu HQ-671 (trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641) là "con tàu không số" duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên "Đường Hồ Chí Minh trên biển", đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. 

Từ năm 1961 đến 1975, “Đoàn tàu không số” đã làm nên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra một hướng tiếp tế chiến lược hết sức quan trọng. Suốt 14 năm hoạt động, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự (chủ yếu là vũ khí), cùng hàng chục ngàn cán bộ từ Bắc vào Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với sóng gió, với mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng điểm hỏa khối thuốc nổ đã được bố trí sẵn để hủy tàu, hủy hàng, bảo vệ bí mật con đường, con tàu và bến bãi… Nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở lại với biển cả, hóa thân thành sóng nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là huyền thoại mà còn là sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh, trở thành một thiên anh hùng ca bất tử. Những chiến công của tuyến đường huyền thoại trên biển được làm nên bởi trí tuệ, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, qua đó đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại TP.Hải Phòng, Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến K15 chính là Km số 0 - nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bến K15 nằm ở vụng Sét, nép mình dưới chân đồi Vạn Hoa của bán đảo du lịch Đồ Sơn thơ mộng. Tên gọi Bến K15 là ký hiệu quân sự chỉ cảng và số hiệu lấy từ số của Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 15 về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam. Theo đó, nơi đây được chọn là bến cảng xuất phát của những “con tàu không số” làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đêm 11/10/1962, con tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí lần đầu tiên xuất phát tại Bến K15 bí mật lên đường. Sau 6 ngày đêm vượt gian khó hiểm nguy, tàu đã cập vào cửa Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, mở đầu một phương thức vận chuyển hàng chi viện mới cho chiến trường miền Nam. Từ đó, tại Bến K15, những “con tàu không số” liên tục lặng lẽ rời bến mang theo lượng lớn vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường, cả những nơi mà đường bộ chưa vươn tới được. Trong suốt những tháng năm lịch sử, từ Bến K15 đã có 88 chuyến vận tải quân sự trên biển chuyên chở gần 5.000 tấn vũ khí đạn dược và hàng nghìn tấn hàng hóa khác chi viện cho chiến trường miền Nam. Bến K15 được xếp hạng di tích quốc gia năm 2008.

Bến K-15 tại Đồ Sơn, Hải Phòng

Tại Cà Mau, “Đoàn tàu không số” gắn liền với Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển). Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1, do thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã rời Bến K15 tại Đồ Sơn, đem theo 30 tấn vũ khí, đã cập Bến Vàm Lũng an toàn, khơi thông tuyến đường huyền thoại trên biển để hàng loạt chuyến tàu hướng vào Nam. Từ năm 1962 đến năm 1970, cụm bến Vàm Lũng tiếp nhận 75 tàu, với trên 4.400 tấn vũ khí, trang thiết bị cho chiến trường miền Nam. Năm 2010, Bến Vàm Lũng được công nhận Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia.

Tượng đài chiến thắng tại di tích Bến tàu không số Vàm Lũng, Cà Mau

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Lộc An được chọn là một đầu mối của đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến Lộc An nằm bên cửa sông Ray - con sông bắt nguồn từ suối Gia Tiên. Hai bên sông Ray là rừng nguyên sinh ngập mặn, nối liền với rừng Bình Châu, Phước Bửu và hệ thống rừng già rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc. Cửa Lộc An thuận lợi cho việc vận chuyển, cất giấu và chuyển tải vũ khí đến các căn cứ kháng chiến. Tại bến Lộc An đã có 3 chuyến tàu không số của Đoàn 125 Hải quân đã cập bến thành công, vận chuyển lần lượt được 20, 44, 70 tấn vũ khí trong 3 lần cập cảng để trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, từ đó góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Bến Lộc An được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.

Đài tưởng niệm tàu không số Vũng Rô tại khu di tích Vũng Rô, Phú Yên

Tại Phú Yên, Bến Vũng Rô là một mốc son trong các bến tàu cập bến của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Vũng Rô là bến quan trọng ở khu vực miền Trung, được Trung ương và Khu V chọn để đón các chuyến tàu không số tiếp tế vũ khí, hàng chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tại đây, từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965 đã có 4 chuyến tàu không số cập bến, trong đó có 3 chuyến cập bến thành công, mang khoảng 200 tấn vũ khí, hàng chi viện cho chiến trường… tạo điều kiện cho quân dân Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk liên tục đánh thắng kẻ địch trên chiến trường, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Năm 1997, Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo kế hoạch ngày 28/11/2024, tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu không số vào bến và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Bình luận (0)

Lên đầu trang